(napa.vn) – Chiều ngày 09/4/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Học viện của nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tuấn, ngành Quản lý công, mã số 9340403, với đề tài “Quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam hiện nay” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến và PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh.
GS.TS. Phạm Hồng Thái Chủ tịch Hội đồng phát biểu.
Hội đồng thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của Nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tuấn.
Nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tuấn trình bày kết quả nghiên cứu.
Đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tuấn với mục đích là: Luận án góp phần bổ sung, xây dựng lý luận và đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi Hội đồng bảo vệ luận án.
Nghiên cứu luận án: Quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam hiện nay, tác giả đã tổng kết thực tiễn qua khảo sát, đánh giá tình hình, thống kê, so sánh và đã đạt được những kết quả sau:
Tập trung nghiên cứu, đánh giá các công trình nghiên cứu trong nước và ở nước ngoài để xây dựng bức tranh tổng thể về phòng, chống buôn bán phụ nữ cũng như quản lý nhà nước về phòng,chống buôn bán phụ nữ qua biên giới trên thế giới và ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tình hình buôn bán phụ nữ diễn ra tương đối phức tạp ở nhiều quốc gia. Cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực trong đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng khung pháp lý đa phương toàn cầu để phòng, chống và trừng trị tội phạm buôn bán người nói chung, buôn bán phụ nữ nói riêng. Công ước và Nghị định thư Palermo là những văn kiện pháp lý nền tảng và là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng trong công tác đấu tranh với tội phạm buôn bán người, đặc biệt là tội phạm có tính chất xuyên quốc gia. Việt Nam đã có tiếp cận phù hợp với Công ước và Nghị định thư Palermo; tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới, đòi hỏi đẩy mạnh thêm nhiều biện pháp về xây dựng pháp luật cũng như triển khai thực hiện trên thực tế. Vì vậy, trong quá trình triển khai nghiên cứu cơ sở khoa học, các luận điểm, đánh giá về quản lý nhà nước trong phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam, tác giả đã có những đối chiếu, so sánh giữa quy định của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế, từ đó đưa ra những nhận xét về lý luận cũng như thực tiễn.
Tập trung nghiên cứu làm rõ một số vấn đề mang tính lý luận: Luận giải, làm rõ nội hàm thuật ngữ “ quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới” qua các từ khóa như buôn bán phụ nữ; qua biên giới; phòng, chống; quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó làm rõ đặc điểm quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới. Luận án phân tích nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới để là cơ sở triển khai phân tích các chương sau. Nội dung quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới có nhiều cách triển khai. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án tiếp cận theo quy trình của quản lý nhà nước chia thành 3 nội dung: ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới; triển khai thực hiện; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm. Luận án tìm hiểu thực tiễn quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ của các nước trên thế như Philippin, Thái Lan, Zimbabi, Australia và EU có thể rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.
Khái quát thực trạng tình hình tội phạm buôn người và đặc biệt là tội phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới tại Việt Nam hiện nay;phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam hiện nay từ đó đánh giá, phân tích thực trạng quản lý nhà nước về phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới theo 3 trục nội dung đã triển khai ở chương 2. Trên cơ sở đó làm rõ được kết quả cũng như tồn tại, thiếu sót của quản lý nhà nước về phòng chống buôn bán phụ nữ qua biên giới cũng như nguyên nhân của tình hình.
Trên cơ sở dự báo tình hình buôn bán phụ nữ qua biên giới trong những năm tới, luận án đã chỉ ra một số quan điểm mang tính khoa học để làm cơ sở đề xuất các giải pháp
Luận án đã có những đề xuất về giải pháp nâng tăng cường phòng, chống buôn bán phụ nữ qua biên giới, trong đó lưu ý một số nội dung như đẩy mạnh việc xây dựng chính sách về phòng, chống buôn bán người; đồng bộ hóa và thể chế hóa chính sách thông qua pháp luật; tiếp tục rà soát để nội luật hóa và hoàn thiện pháp luật quốc gia; đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa trên bình diện xã hội và sự tham gia tích cực của các lực lượng chức năng; thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân, tổ chức xã hội trong phát hiện, tố giác tội phạm và trừng trị nghiêm khắc tội phạm buôn bán người nói chung, buôn bán phụ nữ nói riêng.
Các thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.
Sau phần trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định luận án có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với số phiếu đạt 07/07 thành viên Hội đồng tham dự.
PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu chúc mừng Nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tuấn.
PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tặng hoa chúc mừng nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tuấn.
Kết thúc buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện, Nghiên cứu sinh Đỗ Anh Tuấn đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng đánh giá về những ý kiến khoa học vô cùng hữu ích; cảm ơn các thầy cô Học viện Hành chính Quốc gia, các thầy hướng dẫn và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ để Nghiên cứu sinh hoàn thành tốt luận án của mình./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
NAPA Media, Phạm Hải Long.