Bảo vệ người tiêu dùng từ quản lý chặt bán hàng đa cấp – Ảnh minh họa |
Một trong những quan điểm quan trọng xuyên suốt Nghị định 42/2014/NĐ-CP là quản lý chặt chẽ ngành bán hàng đa cấp từ khâu gia nhập thị trường, hoạt động và khâu rút lui khỏi thị trường của các doanh nghiệp. Các quy định trong Nghị định đều hướng tới mục tiêu đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp và tạo một môi trường kinh doanh ổn định và bình đẳng. Xuất phát từ mục tiêu đó, Nghị định đã có điều chỉnh các quy định tương ứng.
Sàng lọc doanh nghiệp từ khâu gia nhập thị trường
Xuất phát từ thực tiễn, hoạt động bán hàng đa cấp đã gây ra những bất bình cho cộng đồng xã hội thời gian qua, do có những doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp biến tướng, lừa đảo; Nghị định số 42/2014/NĐ-CP đã đưa ra cơ chế sàng lọc cơ bản từ khâu gia nhập thị trường với yêu cầu các doanh nghiệp muốn đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định và phải ký quỹ bằng tiền mặt 5% vốn điều lệ, nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng.
Việc đưa ra quy định này nhằm đảm bảo khả năng tài chính của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức mạng lưới một cách bền vững và hiệu quả, bảo vệ lợi ích cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Ngoài việc quy định vốn pháp định và tăng khoản tiền ký quỹ, Nghị định còn quy định chặt chẽ trong khâu thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp sử dụng những mô hình trả thưởng bất hợp pháp gây thiệt hại cho người tham gia hoặc mang tính chất thu hút đầu tư tài chính.
Giấy phép hoạt động được cấp có thời hạn
Nghị định mới đã quy định thêm hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5 năm và có thể được gia hạn.
Việc đưa ra quy định này giúp cơ quan quản lý có thể rà soát các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong ngành (vốn pháp định, ký quỹ, hàng hóa, mô hình trả thưởng…) để đảm bảo các doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh có tiến hành hoạt động và tuân thủ các quy định của pháp luật. Sau thời gian này, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để có thể tiếp tục hoạt động bán hàng đa cấp.
Các loại dịch vụ không được kinh doanh theo phương thức đa cấp
Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ như đào tạo, du lịch, sim thẻ điện thoại, huy động tài chính… mà không cần phải đăng ký, không chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý hoạt động đa cấp. Những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ chỉ được xử lý thông qua Bộ luật Hình sự, khi mà hậu quả của hoạt động kinh doanh đa cấp để lại đã quá lớn, ảnh hưởng tới đông đảo người tham gia. Điển hình là các vụ việc liên quan tới các doanh nghiệp như Golden Rock (2006), Colony Invest (2007), Diamon Holiday (2011), MB24 (2012)…
Ngoài ra, đặc thù của hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ là việc sản phẩm dịch vụ chỉ xuất hiện khi có giao kết giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng dịch vụ. Vì vậy, các sản phẩm dịch vụ không xuất hiện trong các giao dịch của mạng lưới bán hàng đa cấp. Do đó, về mặt biểu hiện, hoạt động kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ có nhiều điểm tương tự đối với mô hình kim tự tháp, là một mô hình kinh doanh đa cấp lừa đảo.
Thêm nhiều chế tài quản chặt quá trình hoạt động của doanh nghiệp
Ngoài các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định số 42/2014/NĐ-CP còn đưa ra các quy định để quản lý chặt chẽ hơn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cũng như người tham gia bán hàng đa cấp.
Chẳng hạn, Nghị định bổ sung các quy định cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp; quy định chi tiết về thông báo tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp hay quy định chi tiết về điều kiện đối với đào tạo viên đào tạo cho người tham gia bán hàng đa cấp, bổ sung quy định về tạm ngừng (12 tháng), chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và quy định rõ ràng về việc rút khoản tiền ký quỹ và sử dụng tiền ký quỹ.
Ngoài các quy định liên quan đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp, Nghị định cũng quy định rất rõ các trường hợp mà theo đó doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 120/2005/NĐ-CP về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh, trong đó sẽ có những chế tài rất nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Các quy định mới và đồng bộ này sẽ tăng tính nghiêm minh, đảm bảo các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Nghị định 42/2014/NĐ-CP ra đời với mục đích hạn chế, khắc phục những khó khăn, tồn tại trong thực tiễn quản lý những năm vừa qua, đồng thời nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn hoạt động bán hàng đa cấp.