Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, bổ nhiệm và dự thi nâng ngạch, thăng hạng đối với công chức, viên chức hành chính

(napa.vn) – Theo Bộ Nội vụ, việc cắt giảm những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết có thể tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng, thời gian, chi phí xã hội và những điều phức tạp khi phải đi học.

Chiều ngày 18/6/2021, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

IMG_5756

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ – Người phát ngôn Bộ Nội vụ chia sẻ thông tin với các nhà báo về kết quả công tác Quý II và kế hoạch công tác Quý III năm 2021 của Bộ Nội vụ.

Tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Nội vụ đã chia sẻ thông tin với các nhà báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả công tác Quý II năm 2021 của Bộ Nội vụ. Trong đó, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, vừa qua, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, cắt giảm một số văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức. Việc xem xét, cắt giảm một số văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức thời gian qua được dư luận đặc biệt quan tâm và ủng hộ. Trên cơ sở những đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã đồng thời ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Theo báo cáo, Bộ Nội vụ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Theo báo cáo, qua tổng hợp báo cáo của 15/18 bộ, ngành cho thấy, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, quy định của Chính phủ và các bộ, ngành, việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức được thực hiện đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

Trong đó, có 3 loại chứng chỉ bồi dưỡng yêu cầu bắt buộc đối với công chức, viên chức.

Loại thứ nhất là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước khi bổ nhiệm. Theo yêu cầu tại Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Loại thứ hai là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức (đây là điều kiện bắt buộc khi thực hiện việc bổ nhiệm hoặc đăng ký dự thi nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp), bao gồm: chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức có 66 loại chứng chỉ/79 ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức có 145 loại chứng chỉ/189 chức danh nghề nghiệp viên chức. 74/79 ngạch công chức và 155/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ; 74/79 ngạch công chức và 142/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ.

Loại thứ ba là chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.

Bộ Nội vụ cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức là cần thiết và phải tăng cường nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bộ đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Theo đề nghị này, sẽ bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Cùng với đó là cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Bộ Nội vụ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng, không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức; thời hạn mỗi chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp không quá 8 tuần; nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể.

Kiến nghị Chính phủ sửa quy định về bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức…

Trong quý 3 năm 2021, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung này đã được Bộ Nội vụ trình Chính phủ. Tuy nhiên vừa qua có yêu cầu của Chính phủ và qua rà soát của Bộ Nội vụ nên đơn vị đã đề nghị điều chỉnh, rà soát cắt giảm một số chứng chỉ, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, chứng chỉ nghề nghiệp.

IMG_2352

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ Nội vụ vừa bãi bỏ văn bằng chứng chỉ với đội ngũ công chức hành chính, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức cho biết, ngày 11/6/2021, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV, không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng và dự thi nâng ngạch với công chức hành chính.

Ông Nguyễn Tư Long cho biết, cùng với chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp, việc cắt giảm các quy định rườm rà với công chức, viên chức cũng như việc cắt giảm các văn bằng chứng chỉ không cần thiết nhận được sự hưởng ứng và tán đồng của đại bộ phận dư luận. Việc cắt giảm những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết cũng góp phần giảm đi những tiêu cực trong việc học, việc thi. Tránh việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả bởi theo quy định mới hiện nay, người sử dụng văn bằng chứng chỉ không đúng, chứng chỉ giả sẽ bị đuổi việc. Chính vì vậy, việc cắt giảm sẽ làm giảm những hệ quả tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, việc cắt giảm các chứng chỉ không có nghĩa là các công chức, viên chức không cần phải học. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức không chỉ để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm mà đó còn là nhu cầu tự thân của người học. Không ai cấm cán bộ, công chức, viên chức đi học nhưng khi có vị trí việc làm và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn điều kiện, được đăng ký dự thi nâng ngạch thì chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký. Qua tính toán sơ bộ, việc cắt giảm những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết giúp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó chưa kể tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp khi đi học.

Như Ngọc

Comments are closed.