Thể chế hành chính nhà nước là một bộ phận của thể chế xã hội, do nhà nước xây dựng để điều tiết các hoạt động tổ chức và điều hành bộ máy nhà nước và quản lý của bộ máy nhà nước đối với xã hội. Do đó, hệ thống thể chế hành chính nhà nước chịu ảnh hưởng chủ yếu của các yếu tố sau:
Thứ nhất: Môi trường chính trị: Nhà nước trước hết là công cụ trong tay giai cấp thống trị để giúp giai cấp đó thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Do đó, mọi hoạt động của nhà nước đều không thể đi ngược lại các mục tiêu chính trị. Các quy định về sự điều tiết của nhà nước đối với xã hội cũng phải phù hợp với những định hướng chính trị trong xã hội. Chính vì vậy, những định hướng chính trị có ảnh hưởng to lớn tới toàn bộ hệ thống thể chế nhà nước nói chung và thể chế nhà nước hành chính nói riêng.
Thứ 2: Môi trường kinh tế – xã hội: các quy định điều tiết hoạt động của các đối tượng trong xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Vai trò và mức độ điều tiết của Nhà nước đối với các quá trình kinh tế – xã hội diễn ra ở các nước khác nhau không giống nhau. Sự thay đổi trong môi trường kinh tế – xã hội buộc hệ thống thể chế hành chính nhà nước phải thay đổi theo, thích ứng với những thay đổi trong xã hội để có thể quản lý xã hội một cách hiệu quả nhất.
Thứ 3: Lịch sự phát triển của quốc gia và truyền thống, văn hóa dân tộc: Mỗi dân tộc trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài đều có những đặc điểm truyền thống, văn hóa riêng, không giống với các dân tộc khác. Do đặc tính này mà mọi quy định để điều tiết hành vi của các đối tượng trong xã hội phải được xây dựng phù hợp với các chuẩn mực chung được thừa nhận trong truyền thống , văn hóa. Một hệ thống thể chế chỉ tốt và được tự nguyện áp dụng khi nó phát huy được những ưu điểm của các giá trị truyền thống, nhưng đồng thời cũng phải loại bỏ đi những nhược điểm của truyền thống như những hủ tục lạc hậu, tư duy bảo thủ…
Thứ tư : Các yếu tố quốc tế: Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mỗi quốc gia nếu muốn phát triển không thể nằm ngoài mối liên hệ với các quốc gia khác. Sự giao thoa văn hóa, tri thức và các giá trị chung của văn minh nhân loại cũng tác động không nhỏ tới sự hình thành và phát triển của hệ thống thể chế hành chính nhà nước. Sự ràng buộc pháp lý đối với một quốc gia chấp nhận khi tham gia các cấu trúc quốc tế có ảnh hưởng to lớn tới hệ thống thể chế của quốc gia đó. Ví dụ, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có ảnh hưởng lớn tới hệ thống các quy định về thuế nhập khẩu: chúng ta không thể tự mình quyết định tỷ lệ đánh thuế như trước đây mà phải căn cứ vào các hiệp định đa phương được thừa nhận chung trongWTO và những thỏa thuận chúng ta ký kết khi tham gia tổ chức này.
Ngoài ra, những nhân tố khác như hoàn cảnh địa lý của một quốc gia, những thay đổi kinh tế, chính trị diễn ra trên thế giới ở những mức độ khác nhau cũng gây ảnh hưởng tới các đặc điểm của thể chế HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC.