Nguyễn Xuân Phúc
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
Ở nước ta, tư tưởng về phát triển kinh tế thị trường trong xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) được đề cập tại Đại hội VI của Đảng, thừa nhận có sản xuất hàng hóa trong chủ nghĩa xã hội. Qua các Đại hội VII và VIII, vai trò khách quan của kinh tế thị trường từng bước được nhận thức rõ hơn. Đại hội IX đã khẳng định: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiếp theo, Đại hội X và XI của Đảng tiếp tục từng bước làm rõ hơn những vấn đề cốt lõi về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, về xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, giữa phát triển kinh tế trên tinh thần độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế…
Về phương diện lý luận, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nước ta vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, trong đó các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tạo lập và sử dụng để giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, tổng kết thực tiễn; và là bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng ta trên lĩnh vực kinh tế.
Kiên trì phát triển theo mô hình này, sau gần 30 năm đổi mới, các yếu tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đã được tạo lập và đi vào hoạt động, từng bước hoàn thiện. Những thành tựu đổi mới về kinh tế cùng với đổi mới về chính trị đã tạo nên bầu không khí dân chủ mới trong xã hội, tạo nên động lực mới, đưa đất nước không chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, mà còn vươn lên được xếp vào nhóm nước có trình độ phát triển trung bình với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt mức khá cao so với mức bình quân của khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đã được cải thiện đồng bộ và hiện đại hơn; nền tảng khoa học, giáo dục có những bước phát triển khá. Nền tảng của nền kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường trở thành phương thức để chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện thành công các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều thành tựu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được chủ động triển khai sâu rộng và có hiệu quả, đưa đất nước hội nhập khu vực và thế giới ngày càng toàn diện, sâu rộng hơn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, qua đó làm tăng thêm thế và lực cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên rõ rệt so với thời kỳ trước đổi mới.
Tuy nhiên, nếu như trên thế giới, kinh tế thị trường đã có lịch sử hàng mấy trăm năm, thì kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và thời gian phát triển chưa đầy 30 năm. Cho nên, trong quá trình phát triển, chúng ta gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả thiếu sót. Quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở nước ta còn chưa hoàn tất; những thách thức và rào cản còn rất lớn trong cả tư tưởng, nhận thức, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Xây dựng thể chế, chế độ sở hữu, quản lý, phân phối chưa bắt kịp những yêu cầu và đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường mới phát triển chậm, manh mún, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Các nguồn lực của quốc gia, như đất đai, tài nguyên, lao động, vốn, nhất là ngân sách nhà nước, chưa được quản lý và phân bổ, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Các tài sản công bị phân tán, cát cứ và lãng phí trong khi thiếu các cơ chế giám sát có hiệu lực và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa trên đầu tư vốn và tăng trưởng tín dụng, trong khi chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu – phương thức phát triển dựa trên năng suất các yếu tố tổng hợp với các trụ lực căn bản là khoa học công nghệ, tri thức và lao động có kỹ năng; vì thế nền kinh tế dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; các cân đối vĩ mô chưa thật sự vững chắc; hệ thống tài chính đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro.
Mặt khác, trong gần 10 năm trở lại đây, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động lớn, trong đó đặc biệt chú ý là ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính – suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực gắn với những bất ổn tiềm ẩn về địa chính trị – xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia; tốc độ tăng trưởng và động lực phát triển của thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nông nghiệp, hộ gia đình đang giảm dần động cơ tăng trưởng và đứng trước nhiều thách thức, trở ngại. Hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng còn nhiều khó khăn, nhất là nợ xấu và sở hữu chéo, lãi suất vay bình quân còn cao,… ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Những điểm nghẽn hay nút thắt đang cản trở sự phát triển của đất nước chưa được tháo gỡ là thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Qua gần 30 năm đổi mới, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, sự tác động của toàn cầu hóa đối với mỗi quốc gia ngày càng sâu sắc, để xác định con đường phát triển tiếp theo của đất nước, chúng ta cần phải làm rõ hơn những căn cứ lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và về những yếu tố cốt lõi bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường. Cụ thể như sau:
1- Cần làm sâu sắc và làm rõ hướng điều chỉnh trong mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta để phù hợp với việc đất nước sẽ hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2018.
2- Xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để tham chiếu, vận dụng vào việc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tới phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện mới của đất nước.
3- Vận dụng các quy luật thị trường trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, liệu có thể khẳng định thị trường và theo đó là cạnh tranh có phải là cơ chế huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, giải phóng triệt để sức sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế?
4- Xác lập cụ thể hơn vai trò chủ thể của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN để Nhà nước vừa định hướng, kiến tạo phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh, vừa thúc đẩy hội nhập và phát triển, bảo đảm toàn dân được hưởng thành quả của sự tăng trưởng, thịnh vượng. Nhà nước không làm thay thị trường, nhưng những mặt trái của thị trường và nhất là khi những thất bại của thị trường xuất hiện, Nhà nước sẽ có những thể chế kiến tạo phát triển, các công cụ điều tiết và kiểm soát nhằm khắc phục các khuyết tật và sửa chữa những bất cập, hạn chế này.
5- Xác định rõ hơn vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế tư nhân trong tương lai để từ đó hoàn thiện thể chế khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích người dân làm giàu và thực hiện đồng bộ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Có thể khẳng định rằng đẩy mạnh cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường là con đường duy nhất đưa nước ta tới sự phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, những thiết kế cụ thể để mô hình kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện quá độ đi lên CNXH của Việt Nam là một thách thức lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Không còn cách nào khác chúng ta phải kiên định mục tiêu và con đường đã chọn, mạnh dạn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp tối ưu trong điều kiện của mình, coi mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích của nhân dân lao động và sự công bằng xã hội trong quá trình phát triển là những tiêu chí quan trọng nhất cần đặt ra trong hoạch định chính sách phát triển đất nước./.
(Theo Tạp chí Cộng sản)