CATP Hà Nội đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính ở Thủ đô

Ngay từ đầu năm nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội đã tiếp tục được tổ chức, triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trong đó, CATP Hà Nội là một trong những đơn vị đi tiên phong, cũng là cơ quan cấp Sở duy nhất của thành phố tính đến thời điểm này đã thực hiện được đề án tích hợp dữ liệu dùng chung…

Bài viết liên quan

Tạo chuyển biến tích cực

Báo cáo tại cuộc họp giao ban quý I-2015 Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về kết quả công tác CCHC trên địa bàn thành phố diễn ra chiều 23-4, Thiếu tướng Lưu Quang Hợi, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm nay, CATP đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác CCHC, kiểm soát thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp cụ thể. Qua đó, công tác CCHC của CATP đã có sự chuyển biến tích cực. Nổi bật là công tác xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dân cư, đến nay Công an 30 quận/ huyện/ thị xã đã hoàn thành việc thu thập phiếu thông tin quản lý nhân khẩu, nhập dữ liệu 6.875.846 nhân khẩu vào hệ thống và phân tích cụ thể từng dữ liệu dân cư.

 “Việc hoàn thành tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư có ý nghĩa hết sức to lớn, phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã, từ đó giúp giảm 25-30% thời gian, công sức của cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng, thuận tiện. Không những thế, các phân hệ quản lý của Hệ cơ sở dữ liệu dùng chung của CATP sẽ cho phép các đơn vị, các ban ngành khác của thành phố cùng khai thác, trở thành hệ thống thông tin hỗ trợ tác nghiệp một cách đầy đủ, có hiệu quả cho các  sở,  ban, ngành liên quan trong thành phố. Chỉ cần vào hệ cơ sở dữ liệu này các đơn vị sẽ biết được tỷ lệ nhân khẩu nam/ nhân khẩu nữ, tỷ lệ dân cư thành thị/ dân cư nông thôn, dạng nhân khẩu của thành phố, chẳng hạn biết rõ được thông tin người cao tuổi nhất trên địa bàn Hà Nội hiện nay là bà Vũ Thị Hường (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) 116 tuổi…” – Thiếu tướng Lưu Quang Hợi chia sẻ.

Ngoài ra, CATP đã tổ chức sơ kết 1 năm tiếp nhận mẫu đơn cấp hộ chiếu phổ thông qua mạng internet, tiếp tục cử cán bộ trực tiếp đến tiếp nhận hồ sơ đối với cơ quan có từ 10 hồ sơ trở lên. CATP tiếp tục thực hiện cấp CMND tại nhà, bệnh viện cho người già, ốm đau và cấp tại cơ quan có từ 100 hồ sơ trở lên; phối hợp với Bưu điện Hà Nội trả CMND tại nhà. Tính đến 14-2-2015, CATP đã cấp đổi được 327.299 sổ hộ khẩu, trả đến tay công dân 324.823 sổ, đạt tỷ lệ 62%. Hay về kết quả công tác đăng ký, quản lý xe, CATP đã phối hợp với Bưu điện TP Hà Nội triển khai dịch vụ chuyển phát đăng ký xe theo  địa chỉ công dân yêu cầu…

Nữ cảnh sát CATP Hà Nội mang chứng minh nhân dân đến tận nhà cho người cao tuổi.

Ảnh: Thanh Tùng

Thiếu tướng Lưu Quang Hợi nhấn mạnh, có được những kết quả đó, trước hết là do Ban Giám đốc CATP đã nhận thức rất sâu sắc được sự cấp thiết, tầm quan trọng về vai trò, vị trí của công tác CCHC và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Từ đó, từng cán bộ, chiến sĩ đã nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và nâng cao được hiệu quả công tác của mình.

Nghiêm túc khắc phục những hạn chế

Nhìn chung các  sở, ngành, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đều đã có ý thức triển khai công tác CCHC, bên cạnh CATP thì một số đơn vị khác cũng được thành phố đánh giá cao như Sở Kế hoạch – Đầu tư, Văn phòng UBND TP, UBND quận Long Biên… Tuy vậy, báo cáo công tác quý I-2015 của Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU do Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn trình bày cũng nêu rõ, quá trình triển khai, một số nhiệm vụ, đề án, chỉ tiêu được Ban chỉ đạo giao cho một số cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện vẫn còn chậm so với tiến độ yêu cầu. Đặc biệt, một số cơ quan, đơn vị chưa ban hành kịp thời kế hoạch CCHC hoặc ban hành kế hoạch nhưng không xác định cụ thể công việc và định rõ trách nhiệm triển khai.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, các  sở, ngành cần phải tập trung đánh giá lại việc thực hiện cơ chế một cửa, xem cụ thể còn bao nhiêu thủ tục cần thiết phải đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa mà hiện chưa đưa vào thì kiên quyết đưa vào để tạo thuận lợi nhất cho dân. Tương tự, nghiêm túc đánh giá lại việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông xem còn khó khăn, hạn chế gì để khắc phục. Đánh giá lại mô hình thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại 2 doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập để xem xét, nhân rộng. Đặc biệt, phải tăng cường thanh tra,  kiểm tra, nêu đích danh và xử lý nghiêm những đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc.

Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08 của thành phố nhấn mạnh: “PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của chúng ta dù có tiến bộ nhưng mới xếp hạng 26/ 63 tỉnh thành, chỉ số CCHC của thành phố dù tăng đến 10 bậc từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn ở mức trung bình cả nước.

Đó là thực trạng khiến chúng ta rất trăn trở. Do vậy, các  sở, ngành, đơn vị phải nhanh chóng CCHC, tìm giải pháp khắc phục, xem lại các chỉ tiêu nào chưa đạt phải tiếp tục thực hiện cho bằng được, trong đó CCHC là nhiệm vụ hàng đầu”. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng chỉ ra: “Hiện nay CCHC của Hà Nội đã chuyển biến mạnh, nhanh gọn hơn nhiều nhưng thái độ phục vụ của cán bộ viên chức làm công tác này vẫn còn bị rất nhiều phàn nàn, đây là điều phải kiên quyết khắc phục. Cùng đó, các đơn vị phải có kế hoạch triển khai ứng dụng dịch vụ công ở mức 3, 4 nhiều hơn nữa, hoàn thành mục tiêu đề ra”.

Anninhthudo.vn

Comments are closed.