Lâu nay, hoạt động phân tích chính sách trong quá trình xây dựng luật ở Việt Nam được các chuyên gia nhận định là còn tồn tại nhiều bất cập. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động phân tích chính sách ra sao thì lần đầu tiên được Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) nghiên cứu và công bố kết quả tại một hội thảo diễn ra mới đây trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia Việt Nam.
“Vừa thiết kế vừa thi công” là có thật
Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương cho biết, mặc dù nhóm nghiên cứu chỉ lựa chọn kiểm chứng Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhưng 4 Luật này có tính đại diện cho một số lĩnh vực pháp luật nhất định được ban hành sau thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 có hiệu lực với 9 chính sách tác động đến đông đảo người dân. Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, bên cạnh khẳng định những mặt tích cực thì theo ông Cương có không ít tồn tại, bất cập trong sự hình thành chính sách khi soạn thảo 4 Luật trên.
“Nghiên cứu, tìm hiểu quá trình xây dựng 4 Dự án Luật đã cho thấy trong hoạt động xây dựng Luật, câu chuyện các nhà làm luật “vừa thiết kế vừa thi công” là câu chuyện hoàn toàn có thật” – ông Cương nhấn mạnh và dẫn chứng: Có 6/9 chính sách không được đưa ra ngay từ đầu trong đề xuất xây dựng luật, có 3/9 chính sách chỉ mang tính chất rất khái quát hoặc mang tính chất là yêu cầu, định hướng mà không rõ được nội dung của chính sách cụ thể. Chẳng hạn, chính sách chuyển hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm, chính sách mở rộng khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng thông qua việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số loại tranh chấp tiêu dùng, chính sách tăng mức phạt tiền gấp đôi đối với tổ chức so với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính… ban đầu không xuất hiện trong đề xuất xây dựng Luật
Đặc biệt, các quy định về Báo cáo đánh giá tác động kinh tế – xã hội của văn bản (RIA) tại Luật Ban hành VBQPPL được kỳ vọng là công cụ kiểm soát chất lượng chính sách và các đề xuất giải pháp trong RIA phải được Ban soạn thảo ưu tiên cân nhắc khi lựa chọn chính sách để đưa vào dự luật. Có điều, nghiên cứu cho thấy các Dự án Luật đều xây dựng RIA sơ bộ và RIA soạn thảo nhưng RIA sơ bộ chủ yếu mới dừng lại ở việc thuyết trình cho sự cần thiết xây dựng luật, đánh giá tác động quá chung chung, nhiều khi mang tính chủ quan, thiếu các thông tin, dữ liệu làm cơ sở cho các lập luận. Còn RIA soạn thảo được làm bài bản, công phu hơn song gần như được xây dựng cùng với quá trình soạn thảo, thậm chí chỉ được xây dựng khi việc soạn thảo văn bản đã đi được phân nửa quãng đường.
Phải đưa cuộc sống vào pháp luật
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa thẳng thắn nói, khâu phân tích chính sách còn yếu dẫn đến việc chúng ta có cả một rừng luật nhưng thực thi rất chậm, không sát thực tế. Ông Nghĩa điểm ra một số văn bản như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ban hành song chả cấm được ai hay Chương trình “5 không”, trong đó có “Không người nghiện may túy” đã tạo môi trường du lịch rất tốt cho Đà Nẵng nhưng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Đà Nẵng phạm luật vì Luật không cho phép đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện…
Đồng tình với ông Nghĩa, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hầu hết các Bộ, ngành không chú ý đến khâu phân tích chính sách trong quá trình làm luật hoặc thường vừa làm luật vừa phân tích chính sách. “Ví dụ như Luật Thanh niên từ lúc khởi thảo đến khi thông qua mất tới 15 năm, thể hiện rõ khâu phân tích chính sách yếu như thế nào” – ông Dung minh họa và so sánh thực trạng hoạt động phân tích chính sách hiện nay tương tự như việc bác sĩ “cấp đơn thuốc trước khi khám bệnh”. Khác với quan điểm số đông cho rằng phải đưa pháp luật vào cuộc sống, theo ông Dung tới đây cần làm ngược lại là đưa cuộc sống vào pháp luật, tức là phải phân tích chính sách trước thì mới mong đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao chất lượng VBQPPL.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Cương cũng khuyến nghị cần tạo ra sự đột phá trong Luật Ban hành VBQPPL đang được nghiên cứu hợp nhất lần này. Theo đó, quy định rõ sự cần thiết của việc hoạch định chính sách thành một quy trình riêng trước khi bắt tay vào soạn thảo luật nhằm khắc phục được căn bản tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công” của thực tiễn hoạt động xây dựng các dự án luật hiện nay. Đáng mừng là theo thông tin được Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cung cấp, Dự án Luật Ban hành VBQPPL hợp nhất đã quy định tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo VBQPPL, bước đầu với 4 loại văn bản là luật, pháp lệnh, nghị định và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.
Cẩm Vân
Theo trang: moj.gov.vn