(napa.vn) – Chiều ngày 11/10/2021, tại Hà Nội, Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia tham dự Hội nghị Báo cáo viên Trung ương thông báo nhanh Kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; Nguyễn Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh; Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; đại biểu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại biểu một số tập đoàn, tổng công ty; các đồng chí báo cáo viên Trung ương…
Trong 2.744 điểm cầu cả nước có 3 điểm cầu của Trung ương, 73 điểm cầu cấp tỉnh và tương đương; 690 điểm cầu cấp huyện và 1.981 điểm cầu cấp xã.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Học viện Hành chính Quốc gia có: TS. Đặng Xuân Hoan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện; các đồng chí cấp ủy chi bộ, trưởng, phó các đơn vị thuộc Học viện; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn; Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Học viện. Hội nghị cũng được thực hiện trực tuyến tới các Phân viện thuộc Học viện.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Học viện Hành chính Quốc gia.
Tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo nhanh Kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và định hướng công tác tuyên truyền.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.
Theo đó, thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, từ ngày 04/10 đến ngày 07/10/2021, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bàn, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022 – 2024; về việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.
Hội nghị cho ý kiến về Báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua; quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Quy định về những điều đảng viên không được làm; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5.
Sau hơn 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo. Bộ Chính trị đã họp, thảo luận để tiếp thu ý kiến thảo luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao nội dung ý kiến tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị, thông qua những nội dung cơ bản các văn kiện của Hội nghị Trung ương.
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, khi cho ý kiến về các nội dung trên, Hội nghị đã thống nhất đánh giá, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức so với năm 2020 nhưng chúng ta vẫn đạt được một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, như: Đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp và kiện toàn các chức danh quan trọng của Nhà nước; đất nước vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, cơ bản đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống COVID-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác. Tuy nhiên, dưới tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là người dân trong các khu cách ly, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do… Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh.
Từ những kết quả đạt được và hạn chế trong 9 tháng qua, Hội nghị đã xác định nhiệm vụ giải pháp chủ yếu 3 tháng còn lại của năm 2021 là chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình trong và ngoài nước, quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tập trung ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp bị tác động trực tiếp vì COVID-19 để tạo nền tảng cho việc phục hồi các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp từ năm 2022 trở đi.
Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Cần phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo dó, mục tiêu đề ra là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu bao phủ vắc-xin 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ em theo quy định nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Về công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, thời gian tới, những nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn; tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, sự chống phá của các thế lực thù địch còn diễn biến phức tạp đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã để ra với mục tiêu chủ yếu là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển. Toàn Đảng và hệ thống chính trị kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…
Đồng chí Lại Xuân Môn lưu ý, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị các báo cáo viên, tuyên truyền viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập trung tuyên truyền một số nội dung sau: tập trung tuyên truyền kết qủa Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII với 2 vấn đề lớn trọng tâm: Một là, một số vấn đề của kinh tế – xã hội của 9 tháng đầu năm 2021 và phương hướng 3 tháng còn lại năm 2021 và kế hoạch của năm 2022. Tuyên truyền về tình hình kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm rút ra, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong thời gian tới. Hai là, tuyên truyền khẳng định các nội dung về xây dựng và chỉnh đốn đảng, nhấn mạnh một số điểm mới đã được Hội nghị thông qua; đồng thời tuyên truyền những thông điệp mạnh mẽ trong các phát biểu khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư để đạt tới sự đồng thuận “nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng…”. Tuyên truyền sâu rộng các nội dung trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất về ý chí và hành động.
Ngay sau Hội nghị, các cấp, các ngành cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về kết quả Hội nghị; triển khai, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa các Nghị quyết, kết luận, Quy định của Hội nghị vào cuộc sống, phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã được Đại hội XIII của Đảng xác định./.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Học viện Hành chính Quốc gia.
Như Ngọc