Sáng ngày 07/9/2018, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội, Diễn đàn Quản trị nhà nước châu Á năm 2018 với chủ đề “Đổi mới chính phủ vì sự phát triển bền vững: Hướng tới xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ” đã thành công tốt đẹp. Diễn đàn do Học viện Hành chính Quốc gia và Trung tâm Chính sách công Hàn Quốc (OECD – KPC) phối hợp tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/9/2018.
Diễn đàn đã được nghe phát biểu chỉ đạo của các đại biểu: ông Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ngài Jong Tae Jun – Giám đốc Chương trình Quản trị nhà nước, Trung tâm Chính sách công OECD Hàn Quốc; bà Zsuzsanna Lonti – Trưởng Ban Cải cách khu vực công OECD; TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.
Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các tổ chức, các quốc gia thành viên OECD và Việt Nam với nhiều tham luận của các nhà khoa học và các nhà quản lý thực tiễn được trình bày tại diễn đàn.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, ông Jong Tae Jun – Giám đốc Chương trình Quản trị nhà nước, Trung tâm Chính sách công OECD Hàn Quốc (OECD – KPC) đánh giá cao những đóng góp, chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn của các đại biểu và các quốc gia thành viên tại diễn đàn. Ông bày tỏ tin tưởng rằng, diễn đàn đã giúp các đại biểu tham dự có cách nhìn toàn diện và đa dạng hơn về các chiến lược và giải pháp phát triển bền vững cũng như những yêu cầu về đổi mới hoạt động của chính phủ ở mỗi quốc gia. Ông hi vọng những kinh nghiệm đó sẽ được đề xuất đối với các chính phủ nhằm đổi mới khu vực công, từ đó giúp mang lại những tiêu chuẩn cuộc sống tốt hơn cho công dân ở mỗi nước.
Đối với Việt Nam, đất nước có mức độ tăng trưởng kinh tế tốt và nhiều tiềm năng, ông tin tưởng, những nỗ lực đổi mới của Chính phủ hiện nay sẽ giúp Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mới và là hình mẫu tốt cho nhiều quốc gia trong khu vực học hỏi và tham khảo.
Đại diện đơn vị chủ nhà đồng chủ trì diễn đàn phát biểu bế mạc, PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, chủ đề của diễn đàn đã thực sự đề cập sâu được tới những vấn đề cốt lõi đang đặt ra đối với chính phủ mỗi quốc gia trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu. Diễn đàn là cơ hội tốt để các đại biểu tham dự nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của chính phủ và của nền hành chính đối với phát triển bền vững ở mỗi quốc gia
Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đánh giá cao cách tiếp cận khoa học, toàn diện mà các đại biểu đã trình bày tại diễn đàn, đồng thời cho rằng đây là những gợi mở quan trọng về cách tiếp cận trong đổi mới chính phủ để xây dựng chính phủ thực sự là chủ thể kiến tạo phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, và là chủ thể kết nối để xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương đoàn kết, năng động và thịnh vượng. Với những kết quả đó, PGS.TS. Lương Thanh Cường khẳng định diễn đàn đã đáp ứng được mục tiêu chung là thúc đẩy sáng kiến về đổi mới chính phủ, đổi mới nền công vụ và quản trị công của các nước trong khu vực.
Trước đó, ngay sau Lễ khai mạc (sáng 06/9/2018), Diễn đàn Quản trị nhà nước Châu Á đã được tổ chức thành ba phiên thảo luận theo các tiểu chủ đề. Các nội dung trao đổi được diễn ra sôi nổi với sự tham gia đầy trách nhiệm của các học giả và các nhà thực tiễn. Nhìn chung, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi và thống nhất một số quan điểm cho rằng:
(1) Chính phủ là chủ thể kiến tạo, định hướng, dẫn dắt đổi mới, phát triển mà giá trị trung tâm là phục vụ nhân dân. Đổi mới chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững.
(2) Đổi mới Chính phủ có thể bắt đầu thay đổi ở tầm vi mô đến thay đổi vĩ mô nhưng điều quan trọng là sự thay đổi đó đem lại những giá trị thực sự, tạo ra những thành quả mà người dân mong đợi.
(3) Đổi mới quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công được coi là sự khởi đầu mới, đồng thời là một giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị phát triển bền vững mà ở đó năng lực của công chức cần được nâng tầm. Sự phản hồi, đánh giá công chức cần thực sự tạo ra được động lực thúc đẩy công chức làm việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc trao quyền và cơ chế giám sát phù hợp cũng được coi là tiền đề để đạt kết quả cao hơn trong công việc của đội ngũ này.
(4) Những định hướng đổi mới chính phủ trong kỷ nguyên số hướng tới chính phủ số, quản trị công thông minh cần được tập trung làm rõ hơn. Đặc biệt, những thay đổi trong phương thức cung ứng dịch vụ công, tăng cường tiếng nói của người dân đối với chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền và tăng cường kết nối trong các quyết định quản lý cũng là những nhiệm vụ cần quan tâm cải thiện.
Với những kết quả được trao đổi tại các phiên thảo luận, có thể thấy, các đại biểu tham dự đã thể hiện rõ sự quan tâm, thiện chí và quyết tâm chung trong việc thúc đẩy quá trình hợp tác có hiệu quả vì mục tiêu đổi mới chính phủ nhằm phục vụ cho sự phát triển bền vững. Thành công của diễn đàn lần thứ 3 năm 2018 đã góp phần tiếp tục khẳng định vai trò của Diễn đàn Quản trị nhà nước châu Á trong việc tạo hành lang cho các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia về quản trị nhà nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Qua đây, các thành viên chia sẻ bài học kinh nghiệm của các quốc gia về những vấn đề trong quản trị nhà nước và thực tiễn điển hình giữa các nước trong và ngoài khối OECD nhằm tạo đà tích cực cho sự phát triển bền vững.
Một số hình ảnh các diễn giả trình bày tham luận:
Đoàn Kim Huy