Điều kiện giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài

(Chinhphu.vn) – Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định lộ trình và điều kiện đối với thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, quy định này sẽ áp dụng cho thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài trong giai đoạn 2015 – 2020.

Vốn điều lệ doanh nghiệp từ 50 tỷ đồng

Theo dự thảo, thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch ở nước ngoài phải đáp ứng 4 điều kiện sau: 1- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư có ngành nghề kinh doanh các mặt hàng được giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài; 2- Vốn điều lệ của doanh nghiệp tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký từ 50 tỷ đồng trở lên; 3- Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mặt hàng được giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài trong vòng ít nhất 5 năm liên tiếp cho đến thời điểm nộp hồ sơ; 4- Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi 3 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đăng ký tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài và không có lỗ lũy kế tại năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.

Trình tự cấp giấy phép

Theo dự thảo, thương nhân Việt Nam thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài phải được Bộ Công Thương cấp giấy phép theo quy định.

Cụ thể, thương nhân gửi 2 bộ hồ sơ về Bộ Công Thương. Bộ Công Thương thực hiện việc tiếp nhận, thẩm tra tính hợp lệ, các điều kiện và cấp Giấy phép thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Bộ Công Thương thực hiện việc thẩm tra hồ sơ và quyết định cấp Giấy phép hoặc không cấp Giấy phép cho thương nhân. Trường hợp không cấp phép thì Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trên thế giới, sở giao dịch hàng hóa đã trở thành một hình thức kinh doanh hiện đại, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Chia sẻ về những lợi ích mà hình thức này có thể mang lại cho doanh nghiệp và nông dân, đại diện Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động ngày càng nhiều trước biến động của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, nhu cầu phòng hộ, ngăn ngừa rủi ro của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, nhiên liệu, kim loại, dệt may… đang ngày một cao. Tham gia giao dịch, kinh doanh qua các sở giao dịch hàng hóa nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thêm thuận lợi giải quyết những vấn đề này.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Comments are closed.