Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững

(napa.vn) – Sáng ngày 11/10/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Diễn đàn khoa học thường niên về quản lý công năm 2024: “Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và các Phó Giám đốc: TS. Nguyễn Đăng Quế và PGS.TS. Lương Thanh Cường đồng chủ trì Diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn khoa học

Quang cảnh Diễn đàn khoa học.

Dự Diễn đàn khoa học, về phía đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành có: TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; TS. Trần Văn Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Đinh Ngọc Linh, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ; TS. Vũ Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ; ông Lê Văn Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Nội vụ.

Về phía đại biểu quốc tế (dự trực tuyến) có: GS. Richard Hazenberg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đổi mới và Tác động xã hội, Đại học Northampton, Vương quốc Anh; PGS.TS. Kristoffer B. Berse, Trưởng khoa Trường Hành chính và Quản trị, Đại học Quốc gia Philippine; ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề, Vương Quốc Bỉ; TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp, Cộng hòa Pháp; TS. Lê Thanh Tuyên, Đại học Northampton, Vương quốc Anh.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện (dự trực tuyến); Lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong và ngoài Học viện tham dự trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các đầu cầu (qua Microsoft Teams).

1-8-1920x1278

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc diễn đàn khoa học.

Phát biểu khai mạc diễn đàn khoa học, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến khẳng định, chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã xác định: Xây dựng và phát triển Học viện thực sự là trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả làm nền tảng, lấy người học làm trung tâm, lấy tự chủ Học viện làm động lực, phát huy vai trò tiên phong, đổi mới, sáng tạo; hình thành và phát triển hệ sinh thái đồng bộ, toàn diện, phát triển Học viện số góp phần thực hiện có hiệu quả yêu cầu phát triển đất nước bền vững… Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Diễn đàn khoa học thường niên về quản lý công năm 2024, với chủ đề “Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững”.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cho rằng, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Trước thực trạng quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam đang gặp phải những khó khăn, hạn chế như: nhận thức của người dân, doanh nghiệp về nền kinh tế xanh vẫn còn khá mới mẻ, hệ thống pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, tính thống nhất; những quy định về phát triển xanh, bền vững còn nằm ở nhiều văn bản; nội dung điều chỉnh còn chung chung, chưa hoàn toàn phù hợp,… Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững ở một số ngành, vùng và địa phương còn thiếu sự liên kết, thống nhất với nhau. Do đó Diễn đàn khoa học về Quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững là điễn đàn cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, để các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ tri thức, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm đối với vấn đề có tính toàn cầu về đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh, bền vững. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến rất mong các nhà khoa học, các chuyên gia và quý vị đại biểu chia sẻ các kết quả nghiên cứu, những bài học kinh nghiệm, những phát hiện khoa học mới; những kiến giải độc đáo, đặc thù, những giải pháp phù hợp, hữu ích làm cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn cho việc thực hiện đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Đăng Quế,Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn diễn đàn khoa học.

TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn diễn đàn khoa học.

Phát biểu đề dẫn diễn đàn khoa học, TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh Diễn đàn khoa học “Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững” của Học viện Hành chính Quốc gia diễn ra trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa quốc tế. Có thể khẳng định, quá trình cải cách, đổi mới phương thức quản lý công hướng đến phát triển xanh và bền vững đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công bằng xã hội, thúc đẩy hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện chủ trương phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Với tính chất cấp thiết, quan trọng của phát triển xanh và bền vững, Diễn đàn này không chỉ hướng vào những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn của phát triển xanh và bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực hay toàn cầu mà mục tiêu của Diễn đàn là tập trung thảo luận về: “Đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững”.

Ngoài các vấn đề lý thuyết như khái niệm, đặc điểm, nguồn gốc lý luận, nội dung, vai trò, các yếu tố tác động đến phát triển xanh và bền vững, Ban Tổ chức Diễn đàn rất mong các các nhà khoa học tập trung vào một số vấn đề sau:

1. Chỉ ra những rào cản, thách thức thực tiễn và cơ hội đối với phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể khác nhau: nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, phát triển khoa học – công nghệ…

2. Phân tích xu hướng, mô hình, phương thức đổi mới quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững.

3. Lược thuật kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững có sự tương đồng để rút ra những bài học có giá trị tham khảo đối với Việt Nam.

4. Thực trạng phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam – Những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân.

5. Những vấn đề đặt ra đối với hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển xanh và bền vững.

6. Giải pháp đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam.

3-6-1920x1149

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

Tại Diễn đàn,GS.TS Nguyễn Hữu Khiển trình bày tham luận: “Quản lý công theo hướng phát triển xanh, bền vững là mệnh lệnh của cuộc sống”. GS.TS Nguyễn Hữu Khiển nêu lên tác động tiêu cực của quản lý nhà nước đối với môi trường sống. Hoạt động kinh tế và sản xuất, đặc biệt sau cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi cân bằng tự nhiên, dẫn đến ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường. Nhà nước thông qua chính sách phát triển và khuyến khích sản xuất, đã gián tiếp gây ra những tổn hại này. Mặc dù gần đây, nhiều quốc gia đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, việc khắc phục hậu quả vẫn gặp khó khăn do chi phí cao và thiếu đồng thuận giữa các quốc gia và nhóm lợi ích. Từ đó chỉ ra ba vấn đề cần giải quyết trong phát triển kinh tế xanh hay bảo vệ môi trường đang hiện diện. Một là, ứng xử giữa con người, các thể chế đối với tiến trình tác động vào Trái đất đã và đang diễn ra vào môi trường xanh; Hai là, xử lý ý chí sao cho thống nhất giữa các quốc gia, tạo sự đồng thuận vào cuộc khôi phục hình thái hướng tới nguyên trạng của Trái đất; Ba là, giữa các thiết chế quyền lực với các nhóm lợi ích, với xã hội dân sinh trong nội bộ từng quốc gia.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, quản lý công có trách nhiệm kiểm soát và điều tiết hoạt động kinh tế xã hội để đảm bảo phát triển xanh. Vai trò của nó bao gồm kiểm soát tuân thủ quy định, cân bằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cũng như khuyến khích hoạt động kinh tế bền vững thông qua chính sách phù hợp. Và để quản lý công thực sự góp phần vào phát triển xanh, cần có những nguyên tắc cụ thể. Những nguyên tắc này không chỉ hướng dẫn hành động mà còn đảm bảo sự đồng bộ trong các chính sách: (1) tuân thủ qui luật khách quan trong mối quan hệ giữa sinh tồn xã hội (của con người, loài người); (2) Khoa học quản lý và hoạt động nghiên cứu khoa học phải như hai mặt của hoạt động quản lý; (3) sự đề cao trách nhiệm xã hội của quản lý công trở thành mệnh lệnh mới đủ để đóng góp cho quản lý phát triển xanh;(4) nguyên tắc giữa sự cân bằng cơ bản, tương đối (vì không thể đạt tới tuyệt đối), với sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội hài hòa;(5) Nguyên tắc đồng bộ giữa chủ trương, quyết sách chính trị, hệ thống pháp lý và thiết chế quản lý của nhà nước nói chung, của hành chính nhà nước nói riêng.

4-5-1920x1040

Giáo sư Richard Hazenberg, Viện nghiên cứu Đổi mới và Tác động xã hội, Đại học Northampton, Vương quốc Anh trình bày tham luận.

Trình bày tham luận “Chăm sóc sức khỏe bền vững: kê đơn xã hội – một cơ chế cho kết quả sức khỏe tích cực”, Giáo sư Richard Hazenberg đã phác thảo những thách thức chính về sức khỏe mà thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt, và giới thiệu kê đơn xã hội như một cách tiếp cận sáng tạo mà khu vực công tại Việt Nam có thể sử dụng để giúp giảm thiểu những thách thức tương lai này. Tất nhiên, kê đơn xã hội không phải là giải pháp một cửa cho các vấn đề sức khỏe, nhưng có thể là một công cụ hữu ích trong một cách tiếp cận tích hợp đối với sự cung cấp chăm sóc sức khỏe, đặc biệt nếu như được bố trí nguồn lực đúng đắn và tập trung vào các nhu cầu của cá nhân. Hơn nữa, một cách tiếp cận kê đơn xã hội có thể cho phép Bộ Y tế Việt Nam tạo đòn bẩy về chuyên môn và nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế để đạt được các kết quả sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn cho nhân dân, dựa trên những công việc tiên phong đã được thực hiện tại Việt Nam nhằm phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực. Để cho phép những mối hợp tác nhà nước/đoàn thể xã hội này được phát triển rực rỡ tuy vậy, các bên liên quan khu vực công như Bộ Y tế Việt Nam cần tạo nên những hệ sinh thái nâng đỡ cho phép cùng thực hiện những giải pháp đổi mới đến thành công (Perikangas và cộng sự, 2024). Cách tiếp cận kê đơn xã hội được nêu đòi hỏi phải áp dụng cách tiếp cận quản trị hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ, cũng như các đơn vị khối công khác (Emerson và cộng sự, 2012). Những thách thức về chăm sóc sức khỏe thế kỷ 2 đối mặt với tất cả các quốc gia, tập trung vào dân số cao tuổi hơn, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng sức khỏe và sức khỏe tinh thần, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo được lồng ghép vào các phương pháp quản lý công mới nhất. Kê đơn xã hội có thể mang đến cơ hội như vậy cho Việt Nam.

5-3

PGS.TS. Kristoffer B. Berse Trưởng khoa Trường Hành chính và Quản trị, Đại học Quốc gia Phi-líp-pin trình bày tham luận.

PGS.TS. Kristoffer B. Berse trình bày tham luận: “Đổi mới quản lý công hướng tới phát triển xanh và bền vững ở Philippines”. PGS.TS. Kristoffer B. Berse nhấn mạnh Bộ luật Công trình Xanh Philippines không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho khả năng chống chịu thiên tai. Việc áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái và thiên nhiên là rất cần thiết trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới đã cung cấp những bài học quý giá, cho phép Philippines nâng cao hiệu quả quản lý công. Sự hợp tác giữa các bên liên quan – bao gồm chính phủ, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu – là một yếu tố then chốt trong việc thực hiện và mở rộng quy mô các thực hành bền vững. Những mối quan hệ đối tác này không chỉ tạo ra những dự án thành công mà còn thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững trong cộng đồng.

Để củng cố cho quá trình này, việc vận động ủng hộ các chính sách thúc đẩy công trình xanh và giải pháp dựa vào thiên nhiên là rất cần thiết. Đồng thời, sự tham gia tích cực của cộng đồng sẽ giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân đối với môi trường. Cuối cùng, đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới không chỉ giúp giải quyết các thách thức mới nổi mà còn tạo ra các giải pháp bền vững, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho Philippines và các thế hệ tiếp theo. Những nỗ lực này sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

TS. Thanh Thảo Phạm Giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp, Cộng hòa Pháp và Ông Olivier Lefevre Giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề

TS. Phạm Thanh Thảo, Giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp, Cộng hòa Pháp và ông Olivier Lefevre Giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề, Vương Quốc Bỉ trình bày tham luận.

TS. Phạm Thanh Thảo và ông Olivier Lefevre đã khám phá vai trò quan trọng của quản lý hợp tác trong việc thực hiện quá trình phát triển bền vững, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Bằng cách tích hợp các khái niệm từ Quan điểm Đa cấp độ (MLP), quản lý hợp tác, và sự hợp tác của các bên liên quan – đặc biệt thông qua giải pháp đồng thiết kế – nghiên cứu này cung cấp một khung lý thuyết toàn diện để tìm hiểu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững. Phân tích cho thấy quản lý có sự tham gia cung cấp một cơ chế vững chắc để thu hút các bên liên quan vào quá trình chuyển đổi, thúc đẩy hợp tác và xây dựng sự đồng thuận xung quanh các mục tiêu bền vững chung. Việc nhấn mạnh vào các giải pháp đồng thiết kế đảm bảo rằng các chiến lược phát triển không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn được xã hội chấp nhận, nhạy cảm về mặt văn hóa, và có khả năng phục hồi trước những thách thức do quá trình chuyển đổi xã hội – kỹ thuật đặt ra. Các nghiên cứu điển hình từ Bangladesh, Nepal và Ấn Độ cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị về cách quản lý có sự tham gia có thể được thực hiện thành công trong môi trường thực tế, dẫn đến các kết quả bền vững. Các nghiên cứu điển hình này nhấn mạnh một số bài học quan trọng chính: tầm quan trọng của sự tham gia của các bên liên quan, sự cần thiết của việc tích hợp kiến thức truyền thống với thực tiễn hiện đại, nhu cầu về sự linh hoạt và các phương pháp phù hợp với ngữ cảnh cụ thể, vai trò quan trọng của việc xây dựng năng lực, và sự cần thiết của hỗ trợ thể chế và quản trị mạnh mẽ. Những yếu tố này rất thiết yếu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững thành công và đảm bảo tính khả thi lâu dài của chúng.

Khi cộng đồng toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với các thách thức cấp bách về môi trường và kinh tế-xã hội, nhu cầu về các chiến lược hiệu quả và toàn diện để chuyển đổi bền vững trở nên ngày càng cấp thiết. TS. Phạm Thanh Thảo và ông Olivier Lefevre cung cấp một lộ trình để chuyển các hiểu biết lý thuyết thành hành động thực tiễn, đóng góp vào chương trình rộng lớn hơn về phát triển bền vững. Bằng cách học hỏi từ việc triển khai thành công của quản lý có sự tham gia trong các nghiên cứu điển hình này, được hỗ trợ bởi cả các khung thể chế và nghiên cứu học thuật, các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực tiễn có thể thiết kế và triển khai các chiến lược vừa hiệu quả vừa công bằng, đảm bảo sự bền vững lâu dài.

TS. Bùi Thị Thùy Nhi Trưởng bộ môn, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại diễn đàn khoa học

TS. Bùi Thị Thùy Nhi, Trưởng bộ môn, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

Trình bày tham luận về “Quản lý nhà nước về kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững”, TS. Bùi Thị Thùy Nhi cho biết để phát triển kinh tế xanh bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước cần thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ. Trước hết, hệ thống chính sách công hiện tại đã tạo ra khuôn khổ cho tăng trưởng xanh, nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, chính sách thuế bảo vệ môi trường chưa đầy đủ và công bằng, với nhiều sản phẩm gây ô nhiễm chưa được đưa vào diện điều chỉnh, và mức thuế hiện tại không phản ánh đúng mức độ ô nhiễm của các nguồn phát thải. Thực trạng này cho thấy hiệu quả của chính sách thuế chưa đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường.

Để phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai, TS. Bùi Thị Thùy Nhi đưa ra một số giải pháp sau: (1), các chính sách về môi trường cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới; hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện…; (2), hoàn thiện khung chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh; (3), đổi mới tư duy trong nhận thức về bảo vệ môi trường (cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp…) với cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục về môi trường là việc làm trọng yếu, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống biến đổi khí hậu… Tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển xanh và bền vững; (4), tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài; (5), đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh.

PGS. TS. Trần Thị Diệu Oanh Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật , Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

Tham luận nội dung “Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững”, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh khẳng định, trong bối cảnh phát triển bền vững, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những thành tựu đáng ghi nhận nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Cơ sở pháp lý được thiết lập qua Hiến pháp 2013 đã khẳng định nguyên tắc quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện tại tương đối toàn diện, điều chỉnh nhiều lĩnh vực như kinh tế, môi trường và quyền con người. Đồng thời, cơ chế kiểm soát và giám sát việc tuân thủ pháp luật đang ngày càng được cải thiện với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, thực trạng hệ thống pháp luật cũng bộc lộ một số hạn chế nghiêm trọng. Chất lượng pháp luật thiếu đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, và nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu, dẫn đến vi phạm và thiếu hiệu quả trong quản lý nhà nước, trong khi cơ chế kiểm soát chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Để khắc phục những vấn đề này, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững: (1) Nâng cao nhận thức và bảo đảm thực hiện hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực hiệu quả; (2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, bảo đảm chủ quyền nhân dân; (3) Tổ chức thực hiện tốt pháp luật về quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đề cao trách nhiệm của các thiết chế nhà nước trong tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; (4) Gắn kết xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật; (5) Phân cấp, phân quyền hiệu lực hiệu quả, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

TS. Hà Công Tuấn, nguyên thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát b

TS. Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu.

TS. Trần Văn Tùng, nguyên Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ

TS. Trần Văn Tùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

PGS.TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

PGS.TS. Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Kết luận Diễn đàn khoa học, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã quan tâm, tham dự, tích cực đóng góp ý kiến, tham luận làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến chủ đề diễn đàn. Với 30 bài tham luận được tổng hợp tại kỷ yếu cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận trực tiếp tại Diễn đàn đã gợi mở cách tiếp cận khái niệm về đổi mới phương thức quản lý công trong bối cảnh phát triển xanh và bền vững; cung cấp cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về phát triển xanh cả về lý luận và thực tiễn; có những đề xuất thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương thức quản lý công. Những kết quả của Diễn đàn khoa học sẽ được Ban Tổ chức Diễn đàn nghiêm túc tiếp thu, là cơ sở nền tảng kiến thức quý báu, luận cứ khoa học quan trọng để Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và góp phần đề xuất, tham vấn chính sách.

Các đại biểu dự Diễn đàn khoa học chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu dự Diễn đàn khoa học chụp ảnh lưu niệm.

Huy Tấn

Comments are closed.