(napa.vn) – Sáng ngày 11/8/2023, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và đoàn công tác của Bộ đã đến thăm và làm việc tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Nội vụ có: ông Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng Bộ; ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính; ông Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương; bà Đào Thị Hồng Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế; bà Trần Thị Minh Châu – Chuyên viên chính Văn phòng Bộ.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện; TS. Thiều Huy Thuật – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên; các đồng chí Trưởng, phó các đơn vị thuộc Phân viện và toàn thể viên chức, người lao động Phân viện.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ vui mừng khi được đến thăm và làm việc tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên. Bộ trưởng đề nghị Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Phân viện trong thời gian qua; đề nghị viên chức, người lao động thuộc Phân viện thẳng thắn, cởi mở, chân thành đóng góp ý kiến liên quan đến các lĩnh vực công tác của Phân viện; các thành viên trong Đoàn công tác phát biểu ý kiến xoay quanh các mặt công tác của Phân viện.
TS. Thiều Huy Thuật – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên báo cáo kết quả hoạt động của Phân viện.
Thay mặt cho toàn thể viên chức, người lao động Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, đồng chí Thiều Huy Thuật đã báo cáo những nét cơ bản về tổ chức và hoạt động của Phân viện trên tất cả các mặt công tác như đào tạo bồi dưỡng, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ nhân sự, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở vật chất trong giai đoạn 2018 – 2023. Báo cáo đã nêu rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trên tất cả các mặt công tác của Phân viện trong giai đoạn 5 năm (2018 – 2023), định hướng phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng và Ban Giám đốc Học viện những nội dung liên quan đến đào tạo trình độ đại học; xây dựng, phát triển, kiện toàn đội ngũ; trang bị thêm cơ sở vật chất, góp phần giúp Phân viện ngày càng phát triển hơn nữa.
TS. Lê Văn Từ – Trưởng phòng, Phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Phân viện Học viện HCQG khu vực Tây Nguyên phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, TS. Lê Văn Từ – Trưởng phòng, Phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Phân viện Học viện HCQG khu vực Tây Nguyên nhấn mạnh những kết quả tích cực của Phân viện Tây Nguyên trên chặng đường 18 năm phát triển. Những năm qua đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại Phân viện, trong đó nhiều học viên giữ các chức vụ chủ chốt ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội. TS. Lê Văn Từ nhấn mạnh vai trò của Phân viện Tây Nguyên đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực. Qua khảo sát cho thấy nhu cầu đào tạo trình độ đại học tại khu vực này còn rất lớn, vì thế đồng chí đề xuất với Bộ trưởng và Ban Giám đốc Học viện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, cho phép Phân viện Tây Nguyên được tổ chức đào tạo trình độ đại học trong thời gian tới.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã luôn quan tâm đến sự phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia và dành thời gian quý báu đến thăm Phân viện Học viện khu vực Tây Nguyên.
Phân viện Học viện khu vực Tây Nguyên đã trải qua 18 năm hình thành và phát triển. Trên chặng đường này, Phân viện đã luôn nỗ lực và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của Học viện. Giám đốc Học viện đã nêu bật những thuận lợi và khó khăn của Phân viện trong giai đoạn hiện nay. Về mặt thuận lợi: Một là, thuận lợi về vị thế; Hai là, các đơn vị trong toàn hệ thống Học viện trong đó có Phân viện khu vực Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí Bộ trưởng qua các thời kỳ; Ba là, đội ngũ trẻ, trách nhiệm, nhiệt tình và năng động; Bốn là, Phân viện đã có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; Năm là, trong quá trình phát triển, Phân viện khu vực Tây Nguyên đã từng bước khẳng định được vị thế, vai trò trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho hệ thống chính trị khu vực.
Về mặt khó khăn: Một là, tính pháp lý của Phân viện về đào tạo trình độ đại học chưa rõ ràng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học; Hai là, từ năm 2024 hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ của Phân viện có thể sẽ gặp khó khăn vì vấn đề pháp lý nếu không được tháo gỡ kịp thời; Ba là, khó khăn về đội ngũ, đây là khó khăn lớn của Phân viện, thể hiện trên nhiều mặt như trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp; Bốn là, khó khăn về tự chủ, hiện Phân viện đã tự chủ 70% nhưng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thiếu ổn định trong khi Phân viện chưa tổ chức đào tạo trình độ đại học dẫn đến nguồn thu sự nghiệp khó ổn định, gây ảnh hưởng đến quá trình tự chủ.
Trên cơ sở những mặt thuận lợi, khó khăn, Giám đốc Học viện Nguyễn Bá Chiến kiến nghị với Bộ trưởng một số nội dung sau:
Một là, mong Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, sớm làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp để tạo điều kiện cho Phân viện khu vực Tây Nguyên được tổ chức đào tạo trình độ đại học;
Hai là, Bộ trưởng làm việc với Bộ Tài chính để Phân viện và Học viện hoàn thành việc bàn giao cơ sở 51 Phạm Văn Đồng cho Nhà nước quản lý và có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk sớm triển khai tuyến đường Lê Văn Nhiễu để tạo thuận lợi cho việc đi lại của viên chức, học viên, sinh viên và các cơ quan, đơn vị đến làm việc với Phân viện;
Ba là, Bộ trưởng làm việc với Bộ Tài chính, đề xuất cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ một phần được phép sử dụng nguồn thu sự nghiệp mua sắm xe ô tô, phục vụ nhu cầu đi lại của các đơn vị;
Bốn là, Ban Giám đốc Học viện thống nhất quan điểm của Bộ trưởng là Phân viện là một bộ phận trong chỉnh thể thống nhất của Học viện Hành chính Quốc gia, tuy nhiên đội ngũ tại chỗ phải là nòng cốt, phát triển đội ngũ là nhiệm vụ cấp bách Phân viện cần phải thực hiện. Do đó, đề nghị Bộ trưởng tạo điều kiện để viên chức tại Phân viện khu vực Tây Nguyên được tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác của Học viện Hành chính Quốc gia.
Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí tham dự buổi làm việc, trên cơ sở trao đổi những kiến nghị của Ban Giám đốc Học viện, Phân viện liên quan đến các nội dung về đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu chỉ đạo như sau:
Một là, Học viện Hành chính Quốc gia nói chung, Phân viện khu vực Tây Nguyên nói riêng cần nhận thức sâu sắc về vị thế của mình.
Hai là, rà soát, đánh giá một cách toàn diện quá trình phát triển của Phân viện, trên cơ sở đó đưa ra định hướng phát triển trong thời gian tới một cách rõ ràng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Phân viện cần xây dựng Đề án tổng thể phát triển Phân viện trong giai đoạn 2023 – 2030, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, định hướng phát triển của Học viện và bối cảnh xã hội tại khu vực Tây Nguyên.
Ba là, Phân viện phải chủ động làm việc với các địa phương để thúc đẩy hoạt động bồi dưỡng theo vị trí việc làm, trong đó quan tâm đến hoạt động bồi dưỡng cho đối tượng là cán bộ bán chuyên trách cấp cơ sở nhằm phát huy lợi thế của Phân viện trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
Bốn là, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ và đổi mới phương thức quản trị theo hướng linh hoạt, năng động, thích ứng nhanh. Phân viện cần tăng cường phát triển năng lực đội ngũ tại chỗ, trong đó tạo điều kiện cử viên chức tham gia đào tạo trong nước và nước ngoài, quan tâm đến công tác bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt.
Năm là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Phân viện cần nỗ lực hơn nữa, nâng cao năng lực và chủ động phối hợp với các địa phương tham gia đấu thầu thực hiện các nhiệm vụ khoa học.
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến phát biểu đáp từ, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và khẳng định, trong thời gian tới, Ban Giám đốc Học viện sẽ tiếp tục đồng hành cùng tập thể Phân viện Học viện khu vực Tây Nguyên quyết tâm thực hiện các nội dung mà Bộ trưởng đã giao phó.
Thay mặt tập thể Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên, TS. Thiều Huy Thuật gửi lời chúc sức khoẻ, lời cảm ơn chân thành đến đồng chí Bộ trưởng, Ban Giám đốc Học viện và Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia, đồng thời nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban Giám đốc Học viện và tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Sau buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Đoàn công tác của Bộ đã đi thăm cơ sở vật chất, nơi làm việc của viên chức, người lao động Phân viện và trồng cây lưu niệm tại Phân viện./.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tặng quà lưu niệm cho Phân viện Học viện khu vực Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thăm cơ sở vật chất và nơi làm việc của viên chức, người lao động Phân viện Học viện khu vực Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Phân viện.