Học viện Hành chính Quốc gia – những dấu ấn 65 năm xây dựng và phát triển

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

(napa.vn) – Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, Học viện Hành chính Quốc gia bước vào một giai đoạn phát triển mới, không chỉ được nâng tầm về địa vị chính trị, pháp lý mà còn được mở rộng không gian. Học viện Hành chính Quốc gia đã thực sự trở thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức với các trụ cột về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Nội vụ.

1. Những dấu mốc quan trọng của Học viện Hành chính Quốc gia

Ngày 29/5/1959, Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ, tiền thân của Học viện Hành chính Quốc gia được thành lập theo Nghị định số 214-NV do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký. Trường có nhiệm vụ huấn luyện cán bộ chính quyền cấp huyện, góp phần xây dựng chính quyền cách mạng, hoàn thành mục tiêu kháng chiến và kiến quốc.

Trước yêu cầu của công cuộc cách mạng, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cán bộ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; mặt khác, để nâng cao vị trí pháp lý phù hợp với vị thế của Trường, ngày 29/9/1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 130-CP đổi tên Trường Hành chính thành Trường Hành chính Trung ương. Nhiệm vụ của Trường lúc này không chỉ đào tạo cán bộ, công chức cho nền hành chính mà còn đảm nhận đào tạo lực lượng cán bộ để chi viện cho miền Nam, tham gia chiến đấu và khi có điều kiện thì tiếp quản, tổ chức điều hành và quản lý các vùng giải phóng.

Sau khi đất nước thống nhất, trước yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho các tỉnh miền Nam nói riêng và yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời kỳ mới; đồng thời, cũng nhằm giảm bớt sự chồng chéo trong đào tạo, bồi dưỡng của cả nước, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 91/HĐBT ngày 26/9/1981 quy định nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương.

Từ yêu cầu của công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, từng bước hội nhập quốc tế; mặt khác, để tăng địa vị pháp lý của Trường Hành chính Trung ương, ngày 01/11/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 381/CT đổi tên Trường Hành chính Trung ương thành Trường Hành chính Quốc gia.

Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước, một nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo, bồi dưỡng cho nền công vụ một đội ngũ công chức chính quy, chuyên nghiệp, tận tụy phục vụ Nhân dân. Đứng trước yêu cầu đổi mới của công cuộc cải cách, cơ chế thị trường và trước nhiệm vụ được Chính phủ giao ngày một lớn, đòi hỏi phải đặt Trường ở một vị trí pháp lý cao hơn, là cơ quan thuộc Chính phủ và Trường Hành chính Quốc gia được đổi tên là Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT ngày 06/7/1992 của Hội đồng Bộ trưởng, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ.

Do yêu cầu tinh giản bộ máy nhà nước, ngày 19/9/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg chuyển Học viện Hành chính Quốc gia về chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 234/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.

Từ tháng 5/2007 – 12/2013 hợp nhất Học viện Hành chính Quốc gia và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07/5/2007 của Bộ Chính trị. Học viện Hành chính Quốc gia được đổi tên thành Học viện Hành chính.

Ngày 10/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP, trong đó Quyết nghị: “Chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Văn bản số 176-CV/TW ngày 23/10/2013 của Ban Bí thư với tên mới là Học viện Hành chính Quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả”; thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ ngày 28/4/2021 (Thông báo số 90/TB-VPCP ngày 03/5/2021 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia với mục tiêu mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực, tiết kiệm chi tiêu và cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị và xã hội.

Thực hiện Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia. Theo đó, Học viện Hành chính Quốc gia được xác định là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Ngày 05/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/2024/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ. Học viện có những điều chỉnh quan trọng về cơ cấu tổ chức, về việc triển khai nhiệm vụ đào tạo các trình độ của giáo dục đại học ở trụ sở chính và các Phân hiệu trực thuộc Học viện.

65 năm xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia đã mang nhiều tên gọi khác nhau và được giao những nhiệm vụ tương ứng với yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Ban đầu Học viện chỉ là một cơ sở huấn luyện cán bộ cấp huyện, đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia đã thực sự trở thành một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách đồng bộ, hiện diện ở Hà Nội và các địa bàn trọng yếu của đất nước. Học viện Hành chính Quốc gia đã thực sự trở thành cái nôi đào tạo, bồi dưỡng ngành tổ chức nhà nước, quản lý công, chính sách công; đồng thời, còn là trung tâm khoa học lớn có uy tín, từng bước hội nhập khu vực và thế giới.

Học viện Hành chính Quốc gia là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng duy nhất trong cả nước được giao trách nhiệm bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên gia cho nền hành chính nhà nước. Học viện là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước đào tạo về quản lý nhà nước ở bậc đại học và sau đại học. Với hơn 20.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch, theo chức danh hằng năm; hàng nghìn học viên thạc sỹ và tiến sỹ, Học viện đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ, của Bộ Nội vụ, của hệ thống chính trị.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ tặng hoa chúc mừng Học viện Hành chính Quốc gia khai giảng năm học 2023 – 2024, ngày 12/10/2023.

Qua các thời kỳ, Học viện Hành chính Quốc gia đã luôn tiên phong trong đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với thực tiễn hành chính nhà nước để đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Với sự lớn mạnh của mình, Học viện Hành chính Quốc gia đã được Bộ Nội vụ giao nhiệm vụ xây dựng các chương trình, giáo trình của các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, theo các cấp độ khác nhau, bổ sung cho nhau, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực đa dạng hóa cho các đối tượng học viên từ bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính đến chuyên viên cao cấp; đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch, theo chức danh và vị trí việc làm. Đồng thời, Học viện cũng đã chuyển giao thành công các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác ở trung ương và địa phương.

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia luôn xác định nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách là những trụ cột quan trọng trong hoạt động của Học viện. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học không ngừng được đẩy mạnh với trọng tâm là phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và tham gia giải đáp những vấn đề bức thiết của thực tiễn cải cách hành chính, tư vấn chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân ở trung ương và địa phương. Trong 10 năm trở lại đây, Học viện đã triển khai nghiên cứu 250 đề tài khoa học, trong đó có 14 đề tài cấp nhà nước, 160 đề tài khoa học cấp bộ. Viên chức và người lao động của Học viện đã công bố hàng nghìn bài báo khoa học, trong đó có nhiều bài quốc tế có giá trị về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của các nhà khoa học của Học viện trong các hoạt động tư vấn về cải cách hành chính cho thấy Học viện đã luôn nỗ lực thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc cải cách hành chính quốc gia, xây dựng nền hành chính Việt Nam kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân.

Học viện Hành chính Quốc gia đã tham gia xây dựng và phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ với những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu về hành chính công, quản trị công, chính sách công, như: Trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ; Học viện Hành chính Quốc gia ENA (nay là Viện Dịch vụ công Quốc gia), Cộng hòa Pháp; Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore… Với mục tiêu kết nối và quảng bá hình ảnh Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều công chức, viên chức cao cấp của các quốc gia trong khu vực, khẳng định uy tín của Học viện và khẳng định uy tín của Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học đã được triển khai với các tổ chức, các học giả quốc tế để lại dấu ấn đậm nét về năng lực nghiên cứu khoa học của Học viện mà trong các diễn đàn khoa học tên Học viện Hành chính Quốc gia vẫn được nhắc đến với sự trân trọng và đánh giá cao.

Với những đóng góp to lớn và những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Học viện đã vinh dự được Ðảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba… cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác.

2. Học viện Hành chính Quốc gia hôm nay

Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, Học viện Hành chính Quốc gia bước vào một giai đoạn phát triển mới, không chỉ được nâng tầm về địa vị chính trị, pháp lý mà còn được mở rộng không gian. Học viện Hành chính Quốc gia đã thực sự trở thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức với các trụ cột về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Học viện Hành chính Quốc gia hôm nay là sự hội tụ truyền thống của Học viện Hành chính Quốc gia được hun đúc trong suốt 65 năm qua cùng truyền thống hơn 50 năm của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Đó là nền tảng để tạo lập những giá trị văn hóa mới, tạo ra những xung lực mới cho đổi mới và phát triển. Học viện ở thời điểm hiện tại có những tiềm lực quan trọng để phát triển bứt phá, không chỉ trở thành trung tâm quốc gia về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức mà còn là trung tâm quốc gia về đào tạo nhân lực chất lượng cao ở trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng cho khu vực công, hệ thống chính trị và xã hội. Học viện đã là một chỉnh thể, một tập thể đoàn kết hoạt động hiệu quả cùng gặp nhau ở tầm nhìn, ở định hướng phát triển, ở những giá trị nền tảng, ở sự kỳ vọng và nỗ lực xây dựng và phát triển Học viện lên một tầm cao mới, xứng đáng với sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cả xã hội.

Về nhân lực, đội ngũ viên chức, người lao động Học viện Hành chính Quốc gia hiện có là 1.104 người, trong đó 23 phó giáo sư, 236 tiến sỹ, 569 thạc sỹ, 211 trình độ đại học, 88 trình độ khác. Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I là 44 người; hạng II là 311 người, hạng III là 626 người; hạng V là 22 người; hạng khác là 101 người. Đối với đội ngũ giảng viên, Học viện có 507 giảng viên, trong đó có 23 phó giáo sư, 210 tiến sỹ, 284 thạc sỹ, 12 trình độ đại học. Về chức danh nghề nghiệp, có 35 giảng viên cao cấp; 170 giảng viên chính, 302 giảng viên. Với nhân lực có cơ cấu độ tuổi tương đối phù hợp, khát khao cống hiến, nhân lực của Học viện thực sự là động lực quan trọng quyết định cho sự phát triển bền vững của Học viện. Những thành tựu trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia trong thời gian vừa qua là minh chứng rõ nét về sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng nhân lực khoa học. Đội ngũ viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học ngày càng được trẻ hóa và được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Học viện có hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu đồng bộ, hoàn thiện nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Học viện đang triển khai đồng bộ các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, gồm: chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên, ngạch chuyên viên chính, ngạch chuyên viên cao cấp; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, cấp huyện và tương đương, cấp sở và tương đương, cấp vụ và tương đương; chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức về thi đua, khen thưởng; chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành trung ương, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chương trình bồi dưỡng về văn hóa công vụ, chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức…

Học viện cũng đang có vị thế quan trọng trên các diễn đàn quốc tế về hành chính.  Học viện tiếp tục triển khai các dự án hợp tác quốc tế đã được ký kết trước đó, đồng thời không ngừng mở rộng hợp tác với các dự án, đối tác mới trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nhằm huy động nguồn tài chính từ các dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng. Học viện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế về hành chính, như: Hiệp hội Quốc tế các Trường và Học viện Hành chính (IASIA), Tổ chức Hành chính Miền Đông thế giới (EROPA), Nhóm Hành chính công ASEAN (AGPA), Mạng lưới cơ sở đào tạo Công vụ ASEAN (PSTI)… Học viện có quan hệ hợp tác chặt chẽ với trên 50 cơ sở đào tạo và nghiên cứu uy tín trên thế giới. Uy tín quốc tế của Học viện không ngừng được nâng cao. Học viện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Mạng lưới các cơ sở đào tạo Công vụ ASEAN nhiệm kỳ 2023 – 2024; Giám đốc Học viện hiện là Phó Chủ tịch Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới.

Đại biểu dự Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới EROPA 2023.

3. Một số định hướng lớn của Học viện trong giai đoạn phát triển mới

Vinh dự và tự hào về những thành tựu đạt được trong suốt 65 năm qua, tập thể viên chức và người lao động Học viện Hành chính Quốc gia cần nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng đổi mới, khắc phục những hạn chế, vượt qua những khó khăn, thách thức đang đặt ra hiện nay, đưa Học viện tiếp tục phát triển trong tương lai. Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, xác lập tầm nhìn chiến lược dài hạn, tạo thế và lực để xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia trở thành một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyển giao tri thức về hành chính công, quản trị công có uy tín của khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Chủ động, tích cực triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu sớm đưa Học viện Hành chính Quốc gia trở thành trung tâm bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực, xây dựng Học viện thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ và chất lượng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học và tham mưu, tư vấn chính sách.

Phát triển Học viện Hành chính Quốc gia gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Từ mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Học viện cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, xác định được những nhiệm vụ, những công việc mà Học viện có thể đảm trách. Bồi dưỡng kiến thức cần song hành với bồi dưỡng nhân cách, chú trọng hình thành và phát triển tư duy quản trị hành chính phù hợp với yêu cầu xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với Đảng, Nhà nước, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ Nhân dân.

Thứ hai, phát triển Học viện với quan điểm toàn diện, xây dựng và phát triển Học viện thực sự là trung tâm quốc gia về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả làm nền tảng, lấy người học làm trung tâm, lấy tự chủ Học viện làm động lực, phát huy vai trò tiên phong, đổi mới, sáng tạo; hình thành và phát triển hệ sinh thái đồng bộ, toàn diện tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Thứ ba, phát huy nguồn lực tại chỗ, tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện, bảo đảm đội ngũ giảng viên, viên chức Học viện tiên phong về tri thức, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt chú ý phát triển đội ngũ giảng viên, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải am tường văn hóa, tâm lý, phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục đào tạo Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đạt chuẩn quốc tế.

Thứ tư, nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng thực học, thực nghiệp, bảo đảm nâng cao năng lực thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về kiến tạo khởi nghiệp, ủng hộ khởi nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng là công cụ xây dựng năng lực, phát triển năng lực, tạo ra nền công vụ thích ứng, linh hoạt, hiệu lực và hiệu quả.

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học gắn chặt với thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội, thực tiễn hoạt động công vụ, bảo đảm đào tạo đại học và sau đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về hành chính công và quản trị công.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu khoa học bảo đảm tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu trong thực tiễn, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế nhằm huy động tri thức từ các nhà khoa học có uy tín trong khu vực và trên thế giới, tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn và ứng dụng cao. Phát triển cân bằng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, phát triển lý luận về khoa học hành chính ở Việt Nam nhằm góp phần xứng đáng vào quá trình cải cách hành chính, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế một cách năng động, có hiệu quả thực chất, phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Trước mắt, Học viện tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu với các đối tác hiện có; thực hiện thành công các dự án đang tiến hành và khai thác, tạo được nhiều chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho cán bộ, giảng viên của Học viện. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu mở rộng hợp tác quốc tế trong những năm tiếp theo, Học viện chú trọng phát triển hơn nữa năng lực hợp tác quốc tế, chủ động tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với các đối tác quốc tế thay vì thụ động chờ đợi sự hỗ trợ từ phía đối tác.

Thứ bảy, xây dựng và phát triển Học viện số với nền tảng dữ liệu số đồng bộ mà trước hết là hệ thống dữ liệu quản trị, dữ liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, khai thác các ưu thế công nghệ số nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, viên chức, học viên, sinh viên Học viện tiếp cận với các tri thức mới, các thành tựu trong nghiên cứu khoa học hành chính, khoa học chính sách và các ngành khoa học liên quan khác.

Thứ tám, tranh thủ mọi nguồn lực, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, hiện đại hóa thư viện, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của Học viện.

Nhìn lại lịch sử vẻ vang của Học viện Hành chính Quốc gia, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống, bề dày là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Từ niềm tự hào đó, tập thể  viên chức và người lao động Học viện Hành chính Quốc gia đã, đang và sẽ không ngừng nỗ lực để phấn đấu trở thành trung tâm quốc gia mang tầm khu vực trong công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách về hành chính và quản lý nhà nước cho Đảng và Nhà nước, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Comments are closed.