(napa.vn) – Trong hai ngày 13 và 14/6/2024, trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực quốc tế hóa trong các cơ sở giáo dục đại học mới tại Việt Nam – STRIVE” , đoàn công tác của Học viện Hành chính Quốc gia do PGS. TS Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn, đã tham dự Hội thảo Dự án tổ chức lần thứ hai, tại thành phố Evora, Bồ Đào Nha do Trường Đại học Evora đăng cai tổ chức.
Đoàn công tác của Học viện Hành chính Quốc gia tại Bồ Đào Nha do PGS. TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của Trường Đại học Hà Nội, Điều phối viên Dự án tại Việt Nam .
Hội thảo Dự án STRIVE lần này có sự tham gia đầy đủ các tổ chức và cơ sở giáo dục đại học là thành viên đối tác của Dự án, đến từ Việt Nam, Cộng hòa Ý và Bồ Đào Nha. Hội thảo tập trung làm rõ những yêu cầu cụ thể của Liên minh Châu Âu đối với các nhóm hoạt động trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên (Key Action 1 – KA1) và nhóm hoạt động triển khai các dự án thuộc lĩnh vực nâng cao năng lực hoạt động trong hợp tác quốc tế dành cho các cơ sở giáo dục đại học (Key Action 2). Các chương trình này sẽ được Liên minh Châu Âu xem xét và phê duyệt, cấp kinh phí hoạt động theo quy định.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của việc triển khai dự án đối với việc thực hiện mục tiêu và chiến lược phát triển của Học viện giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần nâng cao năng lực viên chức, giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực quốc tế hóa cho Học viện Hành chính Quốc gia. Việc thực hiện dự án cũng đóng góp tích cực vào quá trình phát triển, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao chuẩn đầu ra chương trình đào tạo đại học, sau đại học và đảm bảo yêu cầu của công tác đánh giá kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Cũng trong khuôn khổ chương trình làm việc của Đoàn công tác của Học viện tại Bồ Đào Nha từ ngày 12/6/2024, đoàn công tác đã gặp gỡ và trao đổi với PGS.TS Simone Severini, Cố vấn Hiệu trưởng Trường Đại học Tuscia, Cộng hòa Ý về lĩnh vực hợp tác quốc tế. PGS. TS Nguyễn Quốc Sửu đã khẳng định khả năng và cơ hội hợp tác giữa Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Tuscia, đặc biệt là chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên đã được cụ thể hóa tại dự thảo Bản ghi nhớ giữa hai bên. Đại diện cho Trường Đại học HANU – Điều phối viên Dự án tại Việt Nam, Bà Đặng Thị Phương Thảo cũng chia sẻ những thuận lợi khó khăn khi triển khai các hoạt động trao đổi đoàn và mong muốn sẽ hỗ trợ hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo. Cùng ngày, đoàn công tác đã gặp gỡ và trao đổi với đại diện trường Đại học Evora, hai Bên thống nhất tìm kiếm, mở rộng quan hệ hợp tác, tích cực thúc đẩy các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên. Dự kiến hai bên sẽ có buổi làm việc vào tháng 9 tới tại Hà Nội.
Đoàn công tác của Học viện Hành chính Quốc gia chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo Dự án STRIVE.
Năm 2023, Học viện Hành chính Quốc gia là một trong bảy tổ chức và cơ sở giáo dục đại học tham gia nộp Đề xuất Dự án STRIVE và đã được Liên minh châu Âu phê duyệt, cấp ngân sách thông qua Quỹ hỗ trợ hợp tác Erasmus+. Nội dung Dự án nhằm nâng cao năng lực quốc tế hóa, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa công tác hợp tác quốc tế trong các trường đại học Việt Nam và thúc đẩy hợp tác, kết nối giữa các tổ chức giáo dục đại học của Châu Âu và Việt Nam.
Dự án STRIVE nhằm nâng cao năng lực quốc tế hóa, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa công tác hợp tác quốc tế trong các trường đại học Việt Nam và thúc đẩy hợp tác, kết nối giữa các tổ chức giáo dục đại học của Châu Âu và Việt Nam được triển khai trong thời gian 03 năm, từ năm 2024 và kết thúc vào năm 2027. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Học viện Hành chính Quốc gia đã thực hiện thủ tục ký kết Thỏa thuận đối tác với Tổ chức AlmaLaurea, Tổ chức Liên đại học, Cộng hòa Ý – Đơn vị điều phối quốc tế dự án; Phối hợp với các đơn vị thành viên tham gia xây dựng, hoàn thiện và phát hành kế hoạch chất lượng dự án; Công bố website dự án tại địa chỉ https://strive-project.eu.
Tin bài: Ngọc Hiên (Ban Hợp tác quốc tế)