Hội thảo khoa học: “Cơ sở khoa học và thực tiễn xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước”

(napa.vn) – Sáng ngày 25/8/2023, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo: “Cơ sở khoa học và thực tiễn xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước”. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các phân viện.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Hành chính học và Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia; ThS. Lê Văn Khải – Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; ThS. Nguyễn Đồng Minh, Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, cùng các lãnh đạo, giảng viên, sinh viên Khoa Khoa học liên ngành.

z4637890693258_96e1e952355b2d4b7c04955571374ece

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành khẳng định: cán bộ, công chức luôn giữ vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng. Việc xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn chỉnh, vững chắc về định biên công chức (như căn cứ, cơ sở, phương pháp, quy trình định biên) trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước Việt Nam là rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta chưa xây dựng thống nhất các cơ sở, căn cứ, phương pháp và quy trình cho việc xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi đó, việc thực hiện tinh giản biên chế, điều chỉnh lại cơ cấu công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và giữa các đơn vị trong cùng một tổ chức nhằm bảo đảm xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ, chuyên nghiệp, cách làm việc khoa học, hiệu suất cao vẫn diễn ra chậm, đôi khi còn chưa hiệu quả. Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cơ sở khoa học và thực tiễn xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước” cũng là dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận, nghiên cứu sâu hơn về những khía cạnh, những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn về xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay. PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà cũng gửi lời cảm ơn các vị khách quý, các vị đại biểu, các nhà khoa học đã tới tham dự Hội thảo khoa học hôm nay.

Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung chính sau đây:

Một là: Quan điểm của Đảng, quy định của Nhà nước về xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước;

Hai là: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước;

Ba là: Thực trạng xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay;

Bốn là: Xây dựng các tiêu chí xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; Các giải pháp xác định hợp lý biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước;

Năm là: Kinh nghiệm xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của một số quốc gia.

 z4637890758799_498a87bdf5c2076b295610681a2eb60d

TS. Tô Trọng Mạnh trình bày tham luận tại Hội thảo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Tô Trọng Mạnh đã đưa ra các quan điểm của Đảng, việc xác định biên chế công chức không chỉ là việc điều chỉnh số lượng người làm công việc hành chính mà còn liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước. Điều này đòi hỏi một cơ cấu nhân sự phù hợp, đảm bảo sự đa dạng về kỹ năng và năng lực, từ đó thúc đẩy hiệu suất làm việc của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định và quan điểm đòi hỏi sự nhạy bén, tương tác và linh hoạt. Thực trạng và thách thức trong việc xác định biên chế công chức phản ánh sự phức tạp của quá trình này. Những thách thức này có thể bao gồm việc đảm bảo tính minh bạch trong việc xác định biên chế, thấu hiểu đúng mức năng lực và kỹ năng của các ứng viên, cùng với việc thích nghi với sự biến đổi của môi trường làm việc.

 z4637890810020_8965c3dad32950d1475244289a9fef93

TS. Hoàng Thanh Sơn trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS. Hoàng Thanh Sơn đã đưa ra một số yêu cầu về năng lực đội ngũ công chức làm cơ sở xác định biên chế công chức theo yêu cầu đổi mới đất nước hiện nay với cuộc cách mạng 4.0 đặt ra nhiều thách thức khi robot có thể dần thay thế con người. Vì vậy cần nâng cao năng lực chuyên môn; sáng tạo trong công việc; năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh; kỹ năng phối hợp trong công việc; kỹ năng giải quyết xung đột; tu dưỡng phẩm chất đạo đức cũng như nâng cao thể lực… để đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Hội thảo nhận được rất nhiều ý tham luận, thảo luận góp phần làm đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn nữa nhận thức về những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn liên quan đến cơ sở khoa học và thực tiễn xác định biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

z4637906845635_53fcad83c55fd59003f3f1da14d2a30c

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

TS. Lê Đình Thảo với tham luận “Kinh nghiệm xác định biên chế công chức trong cơ quan hành chính nhà nước của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam” đã khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng, việc xác định biên chế công chức trở thành một nhiệm vụ quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ quan hành chính mà còn đóng góp vào sự phồn thịnh và bền vững của cộng đồng. TS. Lê Đình Thảo đưa ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines… Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng việc áp dụng kinh nghiệm từ các quốc gia này vào Việt Nam cần phải xem xét kỹ lưỡng, tùy chỉnh và điều chỉnh theo tình hình thực tế. Việc tạo ra một mô hình xác định biên chế công chức hiệu quả và phù hợp với quy mô dân số, cơ cấu hành chính và yêu cầu phát triển của Việt Nam là một thách thức đòi hỏi sự cân nhắc, nghiên cứu và tham khảo nhiều nguồn thông tin. Tổng kết, việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác có thể giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả và hiệu suất trong việc xác định biên chế công chức. Sự linh hoạt, đánh giá năng lực và hiệu suất, đào tạo và phát triển liên tục, cùng việc tận dụng công nghệ thông tin sẽ đóng góp vào việc tạo ra cơ quan hành chính nhà nước vững mạnh và đáp ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển của đất nước.

z4637890551882_aafd0cc86157bb8c107b24d4f03ff846

Toàn cảnh Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và khẳng định những tham luận đầy tâm huyết tại Hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Khoa học liên ngành nói riêng và của toàn Học viện nói chung./.

z4637890609891_2aa5bee135c86744e5a50e12e01c22e1

Ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Phạm Hải Long

Comments are closed.