Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo:” Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số trong cơ quan nhà nước”

(napa.vn) – Chiều ngày 08/11/2023, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số trong cơ quan nhà nước”. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các phân viện.

z4862135487536_edf4f046cca9a00c813150cd21653e32

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Tham dự Hội thảo về phía khách mời có: PGS.TS. Bế Trung Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội; PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Viện trưởng Viện Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Học viện Bưu chính Viễn thông; PGS.TS. Phạm Quỳnh Hương, Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS. Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục đổi mới sáng tạo khởi nghiệp Việt Nam; ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; lãnh đạo các các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các giảng viên, sinh viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.

z4862130662155_3ce16f8100a19406dc0e6e6d5dd62499

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu đề dẫn Hội thảo.

 Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân khẳng định: Mọi cuộc cách mạng đều phải có sự sáng tạo đổi mới và sự đổi mới sáng tạo nào cũng cần phải bắt đầu từ văn hoá, có dựa trên nền tảng văn hoá thì đổi mới sáng tạo mới thành công. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta muốn chuyển đổi số thành công cần phải làm văn hoá trước, văn hoá đổi mới sáng tạo phải thẩm thấu vào từng cán bộ, công chức và người lao động vào từng tổ chức, công dân, địa bàn dân cư…để tất cả mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức đều “biết, hiểu, tin tưởng, ủng hộ và cùng làm” mới có thể thực hiện thành công. Tại Việt Nam, đối với các cơ quan nhà nước, thuật ngữ chuyển đổi số được đề cập đến nhiều kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020 tầm nhìn đến năm 2030 “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp ”. Điều này khẳng định văn hoá đổi mới sáng tạo phải gắn liền với quá trình chuyển đối số, hay nói cách khác để xây dựng Việt Nam thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng không thể không có văn hoá đổi mới sáng tạo,văn hoá số mô hình công nghệ mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính phủ của tất cả các cơ quan, tổ chức và người dân, phát triển môi trường an toàn, nhân văn, rộng khắp điều này đòi hỏi văn hoá đổi mới sáng tạo là một phần hữu cơ không thể thiếu của chuyển đổi số. Việc phát triển văn hoá đổi mới sáng tạo không thể là đối tượng riêng biệt mà còn phải lan toả, thấm sâu vào quá trình xây dựng và thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng và thực hiện chuyển đổi số thành công mục tiêu cao cả là xây dựng và phát triển vì một xã hội tốt đẹp, công khai, minh bạch và vì sự phát triển của con người. Văn hoá đổi mới sáng tạo, văn hoá số là kết quả của chuyển đổi số đồng thời cũng là động lực, là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế số, công dân số và xã hội số. đổi mới sáng tạo của con người là vô hạn, nhưng không phải ai cũng dám áp dụng những ý tưởng đổi mới sáng tạo của mình vào thực tế bởi nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là rào cản về tâm lý và nhận thức về văn hoá. Chính vì vậy, việc nghiên cứu văn hoá đổi mới sáng tạo và văn hoá số của cơ quan nhà nước trong quá trình chuyển đổi số nhằm phân tích làm rõ được nội hàm đổi mới sáng tạo, văn hoá đổi mới sáng tạo, văn hoá số, mối tương quan giữa văn hoá đổi mới sáng tạo và văn hoá số; vai trò của văn hoá đổi mới sáng tạo và văn hóa số trong cơ quan nhà nước; nhận diện được các rào cản, thách thức và đề xuất giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hoá đổi mới sáng tạo văn hoá số trong cơ quan nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn cần thiết. Xuất phát từ những lý do đó, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển văn hoá đổi mới sáng tạo và văn hoá số trong cơ quan nhà nước”, với mong muốn trở thành diễn đàn trao đổi học thuật của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân đề nghị các nhà khoa học tập trung trao đổi vào 4 vấn đề chính: (1) Làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số; vai trò của văn hóa đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước; (2) Những thách thức, rào cản đối với việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số trong cơ quan nhà nước. Làm thế nào để các cơ quan nhà nước vượt qua những rào cản và thách thức đó; (3) Thực trạng phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước đang được diễn ra như thế nào? Những điểm đạt được, hạn chế còn tồn tại và giải pháp nào cho việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong các cơ quan nhà nước trong thời gian tới; (4) Các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong cơ quan nhà nước.

z4862130665691_7626fd9a0b64c311f3c90057265ceb47

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến Giám đốc Học viện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong quá trình chuyển đổi số của cơ quan nhà nước. Các nội dung tại Hội thảo có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc đối với quá trình chuyển đổi số, tham vấn cho các cơ quan nhà nước trong việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, nhằm thực hiện chuyển đổi số thành công. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cho rằng, bất kỳ hoạt động nào chính đáng và có ích cho xã hội, sớm hay muộn cũng trở thành văn hóa của vấn đề đó, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với tổ chức cũng như sự phát triển của từng lĩnh vực. Vấn đề văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số là tổng thể hoạt động của xã hội, trong đó có chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng vai trò định hướng và quy định cho các hoạt động theo đúng khuôn khổ, mục đích, mục tiêu, trong đó, văn hóa số là vấn đề rất mới, thậm chí là yếu tố manh nha hình thành. Văn hóa số không thể xuất hiện nếu không có các hoạt động đổi mới sáng tạo có văn hóa. Do vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, người lao động tại Học viện, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý cần ý thức xây dựng môi trường văn hóa hiện đại, trong đó có văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, để hai phạm trù này sớm được hình thành trong Học viện, để giá trị này ngày càng được bồi đắp, hình thành nhiều giá trị mới, hướng tới sự phát triển bền vững.

z4862130662463_b9b084f501ec734541e31f5be618eb24

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển trình bày tham luận tại Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển với tham luận “Những thách thức và rào cản trong quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số” đã đưa ra một số khái niệm về” văn hoá”, “văn hoá đổi mới sáng tạo”, “ văn hoá số” và tập hợp từ “thách thức và rảo cản phát triển trong quản lý nhà nước”.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển cũng đưa ra các thách thức và rào cản trong quản lý nhà nước đối với quá trình của văn hoá đổi mới sáng tạo và văn hoá số như: (1), đổi mới sáng tạo và văn hoá số cần nguồn nhân lực thực thi và nguồn nhân lực quản lý phải ở tầm chuyên nghiệp, có những cá nhân tài năng; (2), Khi tiến trình đổi mới có một số kết quả, nhưng còn hạn chế, lại đòi hỏi tinh thần, tư duy sáng tạo là một thử thách kép; (3), đổi mới sáng tạo và văn hoá số, nhất là số hoá các hoạt động xã hội là tiêu chí của một xã hội trình độ phát triển kinh tế xã hội cao; (4), đổi mới sáng tạo và số hoá hoạt động xã hội và quản lý mang tính xã hội, cộng đồng, thống nhất. Sự bất cập giữa các bộ ngành, địa phương, giữa các nhà quản lý và đối tượng quản lý như một bất cập, trở thành thách thức; (5), về trình độ, năng lực, quản lý, tâm thế ủng hộ  của nguồn nhân lực của quản lý nhà nước đối với quá trình đổi mới sáng tạo và văn hoá số của xã hội.

Trong các thách thức trên đã chứa đựng những rào cản, ngoài gia còn một số rào cản mang tính chủ quan như: một là, tâm lý cầu toàn, ngại đổi mới sáng tạo trong khu vực dịch vụ công và trong cơ quan hành chính; hai là, công vụ mang tính tổ chức, tập thể. Để có sáng tạo, tạo động lực phải có yếu tố kích thích, nhất là tâm lý công vụ gắn với trách nhiệm xã hội của công vụ; ba là, ý thức tôn trọng người có sáng kiến ở người Việt không phải thế mạnh cũng ảnh hưởng trong công vụ; bốn là, từ cơ chế khuyến khích sáng tạo cả cơ hội và đãi ngộ phù hợp, theo tác giả hiện nay, mới chỉ dùng lại ở chủ trương thống nhất, những triển khai lộ trình vẫn còn là rào cản từ cơ chế .

 z4862130670872_0d3a731362bc271b1b27a8769182be0e

PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Viện trưởng Viện Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình bày tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Đào Thị Ái Thi với tham luận “Một số giải pháp phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam” đã khẳng định: Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo bao gồm việc bắt nhịp các xu hướng thay đổi và đổi mới sáng tạo cũng chính là một xu hướng. Tuy nhiên không chỉ là xu hướng mà xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển, đó gần như là một quy luật của tự nhiên. Câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta cần phải xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp? Văn hóa đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước là nhà nước là sự thay đổi chính sách và hành vi ứng xử cho phù hợp với doanh nghiệp, có sự tiến bộ về chất và đem lại giá trị, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam. Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo của các cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp chính là việc xây dựng nền tảng hệ giá trị nhằm thúc đẩy sự đam mê, thôi thúc khát vọng, động lực kinh doanh, sự tự tin, mạnh mẽ, biết chấp nhận rủi ro để bắt đầu một sự nghiệp, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới, nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi cá nhân, tổ chức đóng góp vào sự nghiệp xây dựng kinh tế đất nước. Chính vì thế, việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách.

 z4862130667766_893c42d15a110fef369b5128122ddcae

ThS. Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Giáo dục đổi mới sáng tạo khởi nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Với tham luận “Lý luận, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước hiện nay” ThS. Nguyễn Hữu Long đã đưa ra khái niệm về đổi mới sáng tạo được hiểu là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa; đưa ra các đặc trưng của đổi mới sáng tạo cũng như quy trình phát triển đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước cụ thể bao gồm:

(1) Phân tích cơ hội: Giai đoạn đầu tiên của đổi mới sáng tạo là cơ quan nhà nước cần xác định người dân và doanh nghiệp cần những dịch vụ, sản phẩm gì. Mục đích của giai đoạn này là tìm kiếm những cơ hội cho đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước. Những câu hỏi cơ bản cần trả lời ở giai đoạn này là: “người dân, doanh nghiệp gặp những rắc rối gì?”; “ người dân, doanh nghiệp bị lãng phí thời gian và chi phí ở đâu?”; “người dân, doanh nghiệp có mong muốn gì?”, “ các dịch vụ, sản phẩm công mà cơ quan nhà nước có thể đáp ứng theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp”.

(2) Sáng tạo ý tưởng đổi mới: Mục đích của giai đoạn này là cơ quan hành chính nhà nước cần xác định những ý tưởng sáng tạo phù hợp với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Công việc cần thực hiện ở bước này là sử dụng các thông tin đã thu thập từ người dân, doanh nghiệp kết hợp với các kiến thức về thị trường và khoa học công nghệ mới nhằm xác định các giải pháp sáng tạo về sản phẩm/dịch vụ công cần cho người dân, doanh nghiệp. Những giải pháp sáng tạo hay những ý tưởng đổi mới có thể được xác định bằng nhiều cách thức khác nhau như khai thác ý tưởng từ người dân, doanh nghiệp; Tham khảo các dịch vụ, sản phẩm công của các nước tiên tiến trên thế giới; Rút ra từ các bài học kinh nghiệm trong cải cách hành chính.

(3) Đánh giá ý tưởng đổi mới: Mục đích của giai đoạn này là xác định một số ý tưởng được coi là tốt nhất nhằm phát triển chúng thành các sản phẩm/dịch vụ công mới trong giai đoạn sau. Những câu hỏi cần làm rõ ở bước này bao gồm: Ý tưởng này có thể mang lại giá trị gì đối với người dân, doanh nghiệp? Ý tưởng này có giá trị không xét từ quan điểm chi phí? Ý tưởng này có thể tạo ra giá trị gì đối với cộng đồng phần đa người dân, doanh nghiệp? Ý tưởng này có phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước? Ý tưởng này có phù hợp với nguồn lực hiện tại của quốc gia, địa phương?

 (4). Phát triển ý tưởng đổi mới: Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực bằng các văn bản hành chính, thủ tục hành chính và các hoạt động hành chính khác. Cơ quan nhà nước cần chứng minh được sản phẩm, dịch vụ công mới phát hành sẽ tiết kiệm chi phí và sở hữu những giá trị cốt lõi mới khác với dịch vụ, sản phẩm công trước đây. Thách thức ở giai đoạn này là vấn đề thời gian. Do vậy, những nguyên tắc và kỷ luật của cơ quan nhà nước cần được tuân thủ để đảm bảo những ý tưởng có thể biến thành hiện thực một cách lâu bền.

(5) Thu phí dịch vụ/sản phẩm: Thương mại hóa là giai đoạn thách thức nhất của quá trình đổi mới sáng tạo. Đây là sự thử nghiệm cuối cùng cho những ý tưởng đổi mới. Nhiệm vụ của giai đoạn này là đưa sản phẩm/dịch vụ đến với người dân và doanh nghiệp. Đây là hoạt động cơ quan nhà nước chứng minh sự đổi mới trong thủ tục hành chính, đồng thời thu phí dịch vụ công. Việc tính toán mức phí thu cần phải phù hợp với người dân, doanh nghiệp, đồng thời hệ thống quản lý chất lượng cần phải thực thi để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm công.

ThS. Nguyễn Hữu Long cũng đưa ra các cấp độ của đổi mới sáng tạo bao gồm: Cấp độ cá nhân; Cấp độ nhóm; Cấp độ tổ chức; Cấp độ xã hội. Và cách thức đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo bằng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index thường được viết tắt là GII)

Qua tham luận ThS. Nguyễn Hữu Long cũng chia sẻ thực tiễn văn hóa đổi mới sáng tạo tại các cơ quan hành chính Việt Nam hiện nay và đưa ra đề xuất một số giải pháp phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước hiện nay, như: (1) Tiếp tục xây dựng chính sách phát triển chỉ số và văn hóa đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; (2) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; (3) Tạo thế hệ cán bộ trẻ có văn hóa dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm; (4) Tiếp tục tạo môi trường hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển tiềm lực kinh tế cho đất nước.

 z4862130662156_068c2ade74c60227e080988beaab4996

PGS.TS. Bế Trung Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

PGS.TS. Bế Trung Anh chia sẻ, xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển và trước khi tiến hành thực hiện đổi mới sáng tạo, cần phải hiểu rõ khái niệm đổi mới một cách thật sự đúng nghĩa. Hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thể nào để đội ngũ công chức, viên chức có cơ hội, có không gian để đổi mới, sáng tạo một cách chuẩn mực, thủ tục hành chính cần được tinh giản hơn nữa, văn minh hơn nữa về quy trình và thủ tục.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý. Các nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội thảo là luận cứ, luận chứng khoa học mang tính hệ thống về phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong quá trình chuyển đổi số của cơ quan nhà nước. Đồng thời, các nghiên cứu này cũng là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và cho giảng viên Học viện trong quá trình nghiên cứu khoa học hành chính, nghiên cứu về văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số và giảng dạy tại Học viện Hành chính Quốc gia.

z4863782899750_44507f6d5b44da5edc0baf466599ff96

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phạm Hải Long

Comments are closed.