Hội nghị công tác đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024

(napa.vn) – Chiều ngày 03/5/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội nghị công tác đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện và TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân hiệu tại thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Nam.

Dự Hội nghị, có: các Phó Giám đốc Học viện: TS. Nguyễn Đăng Quế, TS. Lại Đức Vượng; thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia là giảng viên thỉnh giảng của Học viện; các nhà khoa học, giảng viên cơ hữu của Học viện.

2D3A9759

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học đã dành thời gian tham dự Hội nghị. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cho biết, Học viện Hành chính Quốc gia đã tuyển sinh đào tạo sau đại học gần 30 năm (từ năm1996). Từ năm 2021, thực hiện Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chương trình định hướng ứng dụng ở 7 ngành học: Quản lý công, Chính sách công, Quản lý kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Luật hiến pháp và Luật hành chính, Quản lý văn hóa và Lưu trữ học.

Các hoạt động tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo đúng định hướng chiến lược phát triển và chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viên và tuân thủ các Quy chế, quy định hiện hành về đào tạo trình độ thạc sĩ. Trong quá trình tổ chức đào tạo nói chung, đào tạo trình độ thạc sĩ nói riêng, Học viện Hành chính Quốc gia luôn nhận được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, từ đó, các hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện được đầu tư các nguồn lực để đảm bảo chất lượng đào tạo. Kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ đã góp phần cung cấp nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành nội vụ, nền công vụ và cho xã hội.

Bên cạnh những kết quả tuyển sinh trình độ thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia đã đạt được, hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ theo chương trình định hướng ứng dụng còn nhiều vấn đề đặt ra, cũng như những khó khăn, bất cập cần điều chỉnh và hoàn thiện. Do vậy, Hội nghị công tác đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024 được tổ chức với chủ đề: “Nâng cao chất lượng thực hiện đề án tốt nghiệp trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia” với mục đích đánh giá những kết quả đã và đang triển khai, ghi nhận và tiếp tục thảo luận, chia sẻ quan điểm khoa học về việc tổ chức thực hiện đề án thạc sĩ (chương trình đào tạo định hướng ứng dụng) giúp cơ sở đào tạo, người hướng dẫn đề án thạc sĩ, học viên và khoa chuyên môn quản lý ngành học cùng thống nhất quan điểm trong cách tiếp cận, hoàn thiện/cải tiến về cách thức triển khai để nâng cao chất lượng đề án cho học viên cao học các ngành đào tạo của Học viện.

2D3A9786

TS. Vũ Thị Cẩm Tú, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo báo cáo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, TS. Vũ Thị Cẩm Tú, Phó Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo trình bày báo cáo công tác tổ chức thực hiện đề án tốt nghiệp trình độ thạc sĩ chương trình đào tạo định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Thực hiện Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT, Học viện đã tổ chức giao 667 học viên thực hiện đề án thạc sĩ thuộc 02 khóa tuyển sinh (2021, 2022) các ngành, gồm Quản lý công, Chính sách công, Luật hiến pháp và Luật hành chính, Quản lý kinh tế, Tài chính-Ngân hàng. Tính đến nay, Học viện đã tổ chức cho 62 học viên (niên khóa 2021-2023) hoàn thành đề án thạc sĩ, thực hiện bảo vệ thành công trước Hội đồng đánh giá đề án các ngành đào tạo.

Phần lớn học viên cao học các khóa, các ngành đã nỗ lực, nghiêm túc thực hiện đề án thạc sĩ theo Quyết định giao, Quy chế và quy định của Học viện và dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm và khoa học của đội ngũ người hướng dẫn. Các học viên đủ điều kiện, đã bảo vệ đề án được Hội đồng đánh giá đạt theo quy định, xếp từ loại khá trở lên với nhiều đề án có kết quả cao, vẫn còn nhiều đề án cần chỉnh sửa nhiều cả về nội dung và hình thức.

Nhìn chung, hoạt động tổ chức thực hiện đề án thạc sĩ của Học viện đã và đang được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, theo đúng các Quy chế, quy định, của Học viện Hành chính Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm hạn chế, khó khăn cho hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa đạt được hiệu quả cao nhất, cần được nhận diện rõ nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục cụ thể: (1) Khó khăn trong việc xây dựng quy định hướng dẫn thực hiện đề án thạc sĩ. Bởi, đề án thạc sĩ phải mang tính chất thực tiễn, đánh giá, phân tích và đề xuất kiểm nghiệm mô hình, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả thách thức trong thực tiễn. Bố cục của đề án phải làm nổi bật lên tính ứng dụng vào thực tiễn, khác biệt với luận văn nghiên cứu; (2) Nhiều học viên gặp khó khăn trong việc đề xuất tên đề án thạc sĩ gắn mục tiêu giải quyết tình huống thực tiễn phù hợp với mã ngành đào tạo và cần sự định hướng và tư vấn của các Khoa quản lý ngành đào tạo; (3) Thiếu nguồn học liệu, tài liệu tham khảo dành cho hoạt động đào tạo sau đại học nói chung và hoạt động thực hiện đề án nói riêng; (4) Tồn tại tình trạng nhiều học viên chưa thực sự tập trung, quyết tâm hoàn thiện đề án thạc sĩ theo tiến độ; một số giảng viên đã nộp đơn từ chối hướng dẫn do học viên không cam kết thực hiện về thời gian và nội dung hướng dẫn của giảng viên; một số học viên nhận quyết định giao đề án và cử người hướng dẫn nhưng không liên hệ với người hướng dẫn; (5) Chưa có chế tài cụ thể đối với các học viên chậm, muộn nộp hoc phí, đề cương và hoàn thiện đề án sau bảo vệ; (6) Khó khăn khi thực hiện quy định của Học viện về đề án được kiểm tra về mức độ sao chép, đảm bảo có tỉ lệ trùng lặp dưới 25% so với các nguồn dữ liệu có liên quan.

2D3A9822

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện chia sẻ “Một vài góp ý về “Đề án” tốt nghiệp chương trình thạc sĩ ứng dụng”.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh chỉ ra một số sự khác biệt giữa luận văn và đề án: Luận văn của hướng nghiên cứu (14 tín chỉ) là một công trình nghiên cứu hàn lâm nhằm giải quyết một vấn đề nghiên cứu, một “khoảng trống nghiên cứu”, không nhất thiết là một vấn đề thực tiễn nóng hổi nào đó. Luận văn hướng nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu hàn lâm chuẩn tắc như phương pháp định tính, phương pháp định lượng hoặc kết hợp 2 phương pháp trên; Đề án tốt nghiệp của hướng ứng dụng (7 tín chỉ) là một công trình nghiên cứu để giải quyết một vấn đề thực tiễn. Thường thì đó là những vấn đề đang phát sinh trong thực tiễn, đang là thực tiễn “nóng hổi” mà học viên phát hiện trong doanh nghiệp, tổ chức của mình, trên địa bàn địa phương của mình hoặc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở đó, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh đề xuất, kiến nghị các nội dung liên quan đến: mối quan hệ giữa “sở đào tạo – người học – xã hội/bên sử dụng tốt nghiệp”; đổi mới chương trình thạc sĩ định hướng ứng dụng gắn liền với những thay đổi trong nhận thức của cả giảng viên và học viên; các nội dung, phương pháp đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo cần phù hợp với các đối tượng người học cụ thể, các điều kiện học tập cụ thể.

2D3A9849

TS. Vũ Thanh Xuân, nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu.

TS. Vũ Thanh Xuân cho rằng, việc nâng cao chất lượng đề án tốt nghiệp có nhiều vấn đề, nhất là kết cấu của đề án, việc hướng dẫn thực hiện đề án còn có nhiều vướng mắc. Để triển khai đề án cần có sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền; cần có sự phân công tổ chức thực hiện; hướng dẫn thực hiện đề án hiện nay của Học viện đang nghiêng về luận văn; cần có sự liên hệ chặt chẽ giữa người hướng dẫn và học viên, tránh tình trạng người hướng dẫn không biết mình được phân công hướng dẫn cho đến khi học viên liên hệ thì đã chậm/muộn thời hạn nộp đề án.

2D3A9857

TS. Hà Quang Ngọc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát biểu.

TS. Hà Quang Ngọc cho rằng, cần xác định lại sự khác nhau giữa thạc sĩ nghiên cứu và thạc sĩ ứng dụng, và có nên hay không nên áp dụng theo khung đề án của chuyên viên cao cấp? Thêm vào đó, cần thiết kế chương trình đào tạo thể hiện rõ định hướng ứng dụng trong từng học phần.

Chia sẻ về vấn đề: “Giám sát luận văn, đề án hiệu quả – hàm ý nâng cao chất lượng thực hiện đề án tốt nghiệp trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia”, TS. Đỗ Thị Nga, Trường Đại học Tây Nguyên đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện đề án tốt nghiệp trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia: (1) Đổi mới chương trình đào tạo định hướng ứng dụng theo hướng tăng thực hành, thực tế, seminar để tạo sự khác biệt với chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; (2) Tăng cường sự hỗ trợ từ phía cơ sở đào tạo và khoa chuyên môn cả về hành chính và nguồn lực (thời gian, học liệu, cơ sở vật chất) cho học viên; (3) Về giao đề tài cho học viên: phát huy tối đa tư duy độc lập, sáng tạo của học viên; khuyến khích học viên phát huy tính tích cực, chủ động trong việc lựa chọn hướng nghiên cứu cũng như lựa chọn tên đề án phù hợp với năng lực chuyên môn; (4) Phân công người hướng dẫn cần quan tâm đến yếu tố hòa nhập văn hóa, kinh nghiệm chuyên môn của người hướng dẫn, phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu đề tài mà học viên lựa chọn đăng ký để cải thiện mối quan hệ giữa người hướng dẫn và học viên; (5) Tăng cường sinh hoạt học thuật trong cộng đồng người hướng dẫn (giữa nhà khoa học trong và ngoài học viện) và tăng cường mối tương tác giữa cơ sở đào tạo và người hướng dẫn để cải thiện hành động của người hướng dẫn; (6) Tăng cường năng lực công nghệ trong hướng dẫn, giám sát đề án để khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý giữa người hướng dẫn và học viên và cải thiện đạo đức nghiên cứu.

2D3A9877

GS.TS. Đinh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu.

2D3A9884

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nộị phát biểu.

2D3A9893

PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa, Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.

Chia sẻ tại Hội nghị, các nhà khoa học GS.TS. Đinh Văn Tiến, GS.TS. Phạm Hồng Thái, PGS.TS. Võ Kim Sơn đều cho rằng, cần thống nhất đề án là gì? (khối kiến thức, kỹ năng nằm trong chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng ứng dụng, tương đương 7 tín chỉ, học viên biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn). Chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu, đề cương chi tiết của chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướn ứng dụng cũng cần được biên soạn tăng tính thực tiễn, tránh trùng lặp với thạc sĩ định hướng nghiên cứu; các giảng viên sau đại học giảng dạy chương trình thạc sĩ ứng dụng cũng cần có khối kiến thức và kỹ năng riêng. Các nhà khoa học cũng đề xuất, trong đề án tốt nghiệp của thạc sĩ định hướng ứng dụng thì 30% lý thuyết, 40% phân tích thực tiễn và 30 % là đề xuất, đổi mới.

2D3A9904

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cho rằng, Học viện nên có một mẫu đề án thống nhất theo một cách tiếp cận chung. Về kết cấu đề án, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải đề xuất: chương 1, vừa có cơ sở lý luận, vừa có cơ sở chính trị, pháp lý; chương 2 là thực trạng; chương 3 nên có quan điểm, giải pháp và tổ chức thực hiện đề án, trong đó việc tổ chức thực hiện có phân công thực hiện nhiệm vụ. Cần thống nhất cách tiếp cận của đề án rộng hay hẹp? Bỏ môn phương pháp nghiên cứu khoa học, thay bằng phương pháp quản lý, triển khai thực hiện đề án, học ở học phần 3. Do học viên có 2 tháng thực tập trước khi làm đề án nên đề án cần gắn với chức năng ở cơ quan học viên tham gia thực tập để việc thực tập là làm đề án có sự liên kết với nhau.

2D3A9916

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ: “Một số đề xuất về tổ chức thực hiện đề án thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, mẫu cấu trúc đề án nên thể hiện sự khác biệt hơn nữa với cấu trúc luận văn theo định hướng nghiên cứu; cần có hướng dãn thực hiện đề án cụ thể; cần thống nhất trong đánh giá kết quả đề án của thành viên Hội đồng bên trong và bên ngoài Học viện; xem xét trường hợp có thể cho phép người hướng dẫn tham gia hội đồng với tư cách là ủy viên để tăng thêm trách nhiệm của người hướng dẫn; quyết định giao đề tài và người hướng dẫn luận văn nên gửi 01 bản trực tiếp cho giảng viên thay vì thông qua học viên; cần có phương thức thông báo tới học viên và giảng viên, nên có quy chế cụ thể về quản lý, sử dụng phầm mềm chống sao chép; cần tiếp tục triển khai việc công khai thông tin; cần có kế hoạch xây dựng phát triển, phát huy đội ngũ giảng viên, giảng viên thỉnh giảng, tạo điều kiện, cơ hội cho giảng viên các Khoa, Phân viện được tham gia vào các hoạt động trong chương trình đào tạo của Học viện.

2D3A9948

TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị.

Theo TS. Đặng Xuân Hoan, Học viện nên tham khảo chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng ứng dụng của các nước đã thực hiện; việc “nâng cao chất lượng” cần xác định ở mức nào? Cần xây dựng mẫu đề án, cách đánh giá; việc chọn đề tài, đề án: các khoa xây dựng ngân hàng đề tài để tránh trùng lặp; xét duyệt đề tài tránh làm qua loa, ngoài nội dung, cần chuẩn khoa học về tên gọi đề tài; người hướng dẫn ngoài tiêu chuẩn cụ thể cần có quy trình thực hiện (nhiệm vụ của người hướng dẫn); nghiệm thu, bảo vệ đề án; khung điểm để dễ đánh giá giữa các học viên.

2D3A9965

TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đăng Quế cho biết, hiện tại Học viện đã ban hành mẫu đề án (tạm thời). Đây là mẫu mở. Học viên có thể viết 1,2,3 hay 4 chương hay phần tùy ý, nhưng phải trình bày được các vấn đề lý luận, thực tiễn, đánh giá, đưa ra giải pháp, tổ chức thực hiện (bộ máy, con người, kinh phí, thời hạn thực hiện). Việc nâng cao chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố: người học (đầu vào), giảng viên, sự nghiêm túc của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá; quá trình quản lý…

2D3A9774

TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo phát biểu.

2D3A9807

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Hội nghị. Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị Ban Quản lý đào tạo tham mưu cho Giám đốc Học viện tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế đào tạo thạc sĩ ứng dụng (cải cách thủ tục hành chính, làm rõ quy chế phối hợp giữa các bên liên quan, làm rõ quyền và nghĩa vụ mỗi bên; làm rõ cơ chế kiểm soát: học, thực hiện đề án); khẩn trương tham mưu, sửa đổi hướng dẫn của Học viện về mẫu đề án, đồng thời lấy ý kiến của các Khoa chuyên môn, các thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện; thực hiện các nghiệp vụ kỹ thuật để đảm bảo mối liên hệ giữa người hướng dẫn khoa học và học viên; chủ trì tham mưu trình Giám đốc Học viện về quy trình kiểm soát đạo văn.

Đối với các khoa, các phân hiêu: tiếp tục rà soát chương trình, giáo trình, tài liệu; đối với các đề cương chưa nghiệm thu, khẩn trương định hướng cho các nhóm biên soạn tính ứng dụng…; đổi mới phương pháp giảng dạy, định hướng cho học viên chọn chủ đề đề án, cách viết, triển khai đề án; các khoa thường xuyên tập huấn và hướng dẫn các nhà khoa học của khoa để thống nhất cách thực hiện đề án; các khoa thông báo cho sinh viên, học viên tham gia các hội thảo khoa học; Trung tâm Công nghệ và Thư viện tiếp tục cập nhật dữ liệu để kiểm soát sự trùng lặp của luận văn.

Các tiểu ban xét duyệt tên đề án chú trọng hơn nữa tính khoa học, logic, chính xác của tên đề án, tránh na ná như nhau; có sự trao đổi, chia sẻ, hướng dẫn học viên cách tiếp cận của từng chủ đề; các khoa và các thầy cô nghiên cứu kỹ hướng dẫn của học viện về cấu trúc đề án để có hướng dẫn cụ thể đối với từng chủ đề đề án của các học viên.

2D3A9751

Quang cảnh Hội nghị.

Như Ngọc, NAPA Media

Comments are closed.