Sáng 07/12/2018, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Ban Quản lý đào tạo Sau đại học đã tổ chức Hội thảo “Đào tạo trình độ sau đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia trong bối cảnh xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ”. PGS.TS. Hoàng Mai – Phó Trưởng ban phụ trách, điều hành Ban Quản lý đào tạo Sau đại học chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có: TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện, PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; GS.TS. Đinh Văn Tiến – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Bộ Y tế; PGS.TS. Vũ Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; TS. Vũ Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện tại Hà Nội, các nghiên cứu sinh và học viên cao học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện nhấn mạnh: đào tạo sau đại học là một trong những “trụ cột” trong hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia. Trong những năm qua, Học viện luôn quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới về nội dung, chương trình và phương thức đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, góp phần khẳng định thương hiệu của Học viện trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Trước những yêu cầu của quá trình xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, TS. Đặng Xuân Hoan đề nghị các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm đưa ra những định hướng để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Học viện nói riêng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai – Phó Trưởng ban phụ trách, điều hành Ban Quản lý đào tạo Sau đại học đã báo cáo khái quát về quá trình và những kết quả đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia. Theo đó, từ năm 1996, Học viện được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Hành chính công; năm 2003, được giao đào tạo tiến sĩ Quản lý Hành chính công; năm 2008, được giao đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng; năm 2014, được giao đào tạo thêm chuyên ngành Chính sách công và chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Hiện nay, Học viện đang trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đề án mở mã ngành thạc sĩ Quản lý Kinh tế.
Trong những năm qua, bên cạnh việc đa dạng hóa các chuyên ngành và phương thức đào tạo, quy mô đào tạo thạc sĩ và đào tạo tiến sĩ của Học viện cũng không ngừng được tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, phục vụ công việc trong thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc trong bộ máy nhà nước. Học viện đã đào tạo được 125 tiến sĩ chuyên ngành quản lý công; đào tạo hơn 5000 thạc sĩ ở các chuyên ngành và hơn 100 học viên thạc sỹ chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ cần nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ nhưng quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực kiến tạo, phục vụ. Để Học viện Hành chính Quốc gia trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị và cho xã hội đáp ứng yêu cầu của bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, thời gian tới Học viện cần giải quyết nhiều vấn đề như: thay đổi nhận thức về đào tạo sau đại học cho đối tượng học viên là cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo sau đại học; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đổi mới phương thức đào tạo…
Trên cơ sở thực trạng về đào tạo sau đại học, các đại biểu tham dự đã trình bày các tham luận và có những ý kiến trao đổi về việc đổi mới hoạt động đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia trong bối cảnh xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ. Đánh giá cao những kết quả của công tác đào tạo sau đại học mà Học viện đã đạt được trong những năm qua, song nhiều đại biểu cũng nêu rõ một số hạn chế nhất định về chất lượng đào tạo đối với các hệ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ hiện nay. Từ đó, các đại biểu cũng đề xuất Học viện cần đổi mới công tác này nhằm đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc tập trung xác định các chuyên ngành và đối tượng đào tạo đặc thù mà Học viện có thế mạnh để phát triển, chẳng hạn: bên cạnh việc phát triển chuyên ngành thạc sĩ chính sách công hiện tại, đề xuất mở thêm chuyên ngành tiến sĩ chính sách công nhằm trang bị các kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục những hạn chế trong việc hoạch định, thực thi chính sách công ở một số lĩnh vực hiện nay; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để mở thêm các chuyên ngành đào tạo sau đại học tương ứng, phù hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội; tận dụng những thế mạnh về hợp tác quốc tế để tăng cường liên kết với các đối tác trong khu vực và thế giới về đào tạo các chuyên ngành sau đại học với các hình thức linh hoạt; nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo để phục vụ công việc trong thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc trong bộ máy nhà nước; nghiên cứu, áp dụng các quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nói chung và đào tạo sau đại học của Học viện nói riêng…
Bên cạnh đó, trên cơ sở kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, một số đại biểu cũng chia sẻ những nhu cầu và các nhóm kiến thức, kỹ năng mà cán bộ, công chức ở từng ngành, lĩnh vực cần đáp ứng trong thực thi công vụ. Từ đó, gợi mở những đề xuất cho Học viện nghiên cứu xây dựng các chuyên ngành mới và đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp đối với các đối tượng học viên nhằm nâng cao chất lượng và tính thiết thực trong đào tạo sau đại học của Học viện…
Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai trân trọng cám ơn các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm và gợi mở những nội dung mới đối với hoạt động đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ. Phó Trưởng ban phụ trách, điều hành Ban Quản lý đào tạo Sau đại học khẳng định, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu, tổng hợp và phản ánh trong Hội nghị công tác đào tạo sau đại học của Học viện Hành chính Quốc gia, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 12/2018./.
Đoàn Kim Huy