Hội thảo khoa học: “An ninh kinh tế trong chuyển đổi số”

(napa.vn) – Sáng ngày 02/11/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “An ninh kinh tế trong chuyển đổi số”. PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện và TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đồng chủ trì Hội thảo.

IMGP2818

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện và TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đồng chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía khách mời có: Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Tạ Ngọc Hải, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; bà Nguyễn Thị Lệ Minh, Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ; ông Ngô Minh Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ; Thượng tá Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hà Nội; Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hải Phòng; bà Nguyễn Thị Thùy Giang, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương; bà Ngô Thị Minh Sử, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và truyền thông.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng cán bộ, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính.

IMGP2772

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Hànhchính nhấn mạnh: Hội thảo là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện trao đổi, nghiên cứu sâu hơn về những khía cạnh, những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn về an ninh kinh tế trong chuyển đổi số. Hội thảo mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung:

(1) Đặc điểm, nội dung, các yếu tố tác động đến yêu cầu bảo đảm an ninh kinh tế trong chuyển đổi số hiện nay;

(2) Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong bảo đảm an ninh kinh tế trong chuyển đổi số ở Việt Nam;

(3) Kinh nghiệm thế giới bảo đảm an ninh kinh tế trong chuyển đổi số;

(4) Định hướng giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh kinh tế trong chuyển đổi số hiện nay.

IMGP2773

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Phó Giám đốc Học viện mong rằng các nhà khoa học sẽ bàn luận, chia sẻ cùng đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình chuyển đổi số. PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị ban tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tham luận và viết bài để có kiến nghị, đề xuất với Bộ Nội vụ, Chính phủ về chính sách liên quan đến an ninh kinh tế nói chung và trong bối cảnh chuyển đổi số nói riêng.

IMGP2807

Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận.

Tại Hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận “Định hướng chiến lược, chủ động bảo đảm an ninh kinh tế trong xã hội công nghệ số”. Theo Thượng tướng, ở Việt Nam, thực hiện chuyển đổi số là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa – xã hội. Trong điều kiện hòa bình và ổn định hiện nay, công tác bảo đảm an ninh kinh tế giữ vai trò trọng yếu, là trung tâm của bảo đảm an ninh quốc gia; là điều kiện tiên quyết, tạo tiền đề, môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ.

Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành cũng đề xuất các giải pháp bảo đảm an ninh kinh tế, gồm:

(1) Đổi mới nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về an ninh kinh tế và công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong chuyển đổi số;

(2) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo đảm an ninh kinh tế trong chuyển đổi số;

(3) Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội, chủ động hội nhập quốc tế với bảo đảm an ninh kinh tế;

(4) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và làm tốt công tác bảo đảm an ninh kinh tế;

(5) Xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia cho các cơ quan trung ương và địa phương.

IMGP2809

PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận “Nhận diện các tác động của chuyển đổi số đối với an ninh kinh tế”. Theo đó, trong bất kỳ bối cảnh hay điều kiện nào, an ninh kinh tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia cũng như toàn xã hội. PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên cũng đã cụ thể hóa các đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đến công tác bảo đảm an ninh kinh tế đối với các doanh nghiệp, như: internet vạn vật, điện toán đám mây,…; đặt ra vấn đề bảo đảm dữ liệu thông tin, đặc biệt là tri thức công nghệ của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ở doanh nghiệp.

Sơn

Thượng tá Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng, Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hà Nội trình bày tham luận.

Với tham luận “Bảo đảm an ninh kinh tế đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Thượng tá Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hà Nội chia sẻ, công tác chuyển đổi số của Thủ đô đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho công dân, tổ chức giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

Bên cạnh những tác động tích cực của chuyển đổi số mang lại thì sự tác động của chuyển đổi số cũng để lại những tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và công tác bảo đảm an ninh kinh tế nói riêng, như: (1) Ứng dụng mạng xã hội để hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, trái phép với diễn biến phức tạp; (2)  Hoạt động rửa tiền tiếp tục tiềm ẩn phức tạp hơn dưới sự phát triển của khoa học công nghệ; (3) Lợi dụng các tính năng, tiện ích của các ứng dụng trên không gian mạng (Zalo, Telegram, Facebook, Viber..) tạo lập các hội, nhóm kín liên quan đến an ninh kinh tế, đăng tải thông tin, bình luận nhằm lôi kéo người dân tham gia các hoạt động phức tạp về an ninh trật tự; (4) Sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư kéo theo hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, hậu quả thiệt hại về tài sản rất lớn, như: hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng; hoạt động tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng.

Từ thực trạng trên, Thượng tá Trần Thanh Sơn đã đề xuất các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh kinh tế phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đó là:

(1) Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã tập trung theo dõi, thu thập các thông tin, tài liệu phản ánh về tình hình  chính trị, kinh tế, xã hội có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh kinh tế tác động đến quá trình chuyển đổi số của thành phố;

(2) Chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, bảo đảm thực hiện hiệu quả các phương án, kế hoạch về bảo đảm an ninh kinh tế khi phát sinh các tình huống, hoạt động tập trung đông người trái pháp luật;

(3) Kịp thời phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi, hoạt động lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, tiến hành khủng bố, kích động tụ tập, biểu tình gây mất an ninh, trật tự; phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng;

(4) Chủ động đấu tranh trấn áp tội phạm, tạo điều kiện, môi trường an ninh, an toàn cho quá trình chuyển đổi số.

Dũng

Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an Thành phố Hải Phòng trình bày tham luận.

Trình bày tham luận “Định hướng công tác trọng tâm bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện nay”, Thượng tá Phạm Tiến Dũng cho rằng, Hải Phòng rất coi trọng chuyển đổi số và xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Công an thành phố Hải Phòng đã bảo đảm tốt an ninh kinh tế góp phần phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, chuyển đổi số của thành phố. Thượng tá Dũng cũng chia sẻ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hải phòng, như:

(1) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan  đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến chuyển đổi số;

(2) Thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh kinh tế trong lĩnh vực chuyển đổi số; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài vào thành phố nhất là các dự án  đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế số;

(3) Chủ động nắm tình hình an ninh kinh tế trên lĩnh vực chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng an ninh, phát hiện và đấu tranh hiệu quả với những hành vi lợi dụng chuyển đổi số để xâm phạm an ninh kinh tế, an ninh quốc gia;

(4) Nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình chuyển đổi số.

Thái

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Hải 

TS. Tạ Ngọc Hải, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

Phước

Ông Ngô Minh Phước, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo. 

Sử

Bà Ngô Thị Minh Sử, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học về an ninh kinh tế trong chuyển đổi số. Các ý kiến tập trung vào các nội dung, như: (1) Phải xây dựng hàng rào về pháp luật, hàng rào kỹ thuật (cơ sở vật chất, kỹ thuật) để bảo đảm an ninh kinh tế; (2) Bảo đảm an ninh kinh tế là một lĩnh vực lớn, không chỉ ở riêng ở bộ, ngành nào nên cần phải có sự phối hợp của toàn xã hội; (3) Phát huy vai trò của cán bộ, công chức, viên chức về an toàn kinh tế trong chuyển đổi số, bởi cán bộ, công chức, viên chức là người tham mưu, hoạch định chính sách, thực thi pháp luật. Có như vậy, mới bảo đảm trật tự an ninh, an toàn kinh tế; (4) Bổ sung, hoàn hiện cơ sở pháp lý bảo đảm đủ công cụ quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển đổi số nền kinh tế và phục vụ công tác bảo đảm an ninh kinh tế; (5) Ứng dụng thiết bị khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh kinh tế trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Luu niem

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cảm ơn các ý kiến tham luận và bài viết tham gia Hội thảo của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Những kiến thức quý báu này sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các chính sách về bảo đảm an ninh kinh tế với Bộ Nội vụ, Chính phủ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

IMGP2793

Quang cảnh Hội thảo.

Như Ngọc

Comments are closed.