(napa.vn) – Chiều ngày 09/10/2023, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo “An ninh phi truyền thống – thách thức và giải pháp”. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội chủ trì Hội thảo.
Đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên và khu vực Miền Trung.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: Đại tá, PGS.TS. Trần Chí Công, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Học viện An ninh nhân dân; Thượng tá, TS. Sử Ngọc Anh, Phó Trưởng khoa, Khoa An ninh thông tin, Học viện An ninh nhân dân.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; Lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Quản lý xã hội.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội cho biết, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh việc xác định các mối đe dọa từ an ninh truyền thống, Đảng ta còn chỉ rõ các thách thức an ninh phi truyền thống đối với sự phát triển của đất nước. Biểu hiện của an ninh phi truyền thống là: tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố; mất an ninh kinh tế, tham nhũng; mất an ninh tài chính; cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học; dịch bệnh; mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng; mất an ninh đô thị và an ninh nông thôn; mất an ninh thông tin và các hành vi tấn công mạng, mất an ninh lương thực; mất an ninh năng lượng…
Các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang có những biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với cuộc sống con người, đồng thời, cũng là sự thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước, làm suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, trở thành ngòi nổ cho những bất ổn xã hội, làm mất lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Hội thảo về vấn đề an ninh phi truyền thống được tổ chức để các nhà khoa học nghiên cứu, thảo luận về những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề an ninh phi truyền thống và đưa ra các giải pháp góp phần tăng cường an ninh phi truyền thống, bảo đảm các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước bền vững trong tương lai.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu cho rằng, an ninh phi truyền thống là vấn đề khoa học mới, không có giới hạn phạm vi, nội dung này cần phổ quát tới toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện nhằm trang bị cho các giảng viên, viên chức những kiến thức cơ bản về vấn đề an ninh phi truyền thống. Theo đó, Khoa Quản lý xã hội cần khái quát vấn đề an ninh phi truyền thống từ góc nhìn quản lý nhà nước, giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống cũng từ khía cạnh quản lý nhà nước; trách nhiệm bảo đảm là của các cơ quan, đơn vị an ninh nhưng phương thức, công cụ mang đặc trưng riêng của quản lý nhà nước. Phó Giám đốc nhấn mạnh, trong điều kiện cách mạng khoa học – công nghệ phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và việc di chuyển, kết nối giữa các quốc gia vô cùng thuận lợi. Nhưng bên cạnh đó là những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia, như: khủng bố, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, vũ khí hạt nhân, an ninh năng lượng, lương thực…, đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế cũng như mỗi quốc gia, dân tộc. Chủ đề Hội thảo sát thực và ý nghĩa để các nhà khoa học trao đổi, luận giải và đưa ra giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề cấp bách này.
PGS.TS. Trần Chí Công, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Học viện An ninh nhân dân trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tham luận về chủ đề quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, PGS.TS. Trần Chí Công nhận định về những nguy cơ tiềm ẩn các vấn đề phức tạp xảy ra tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, như: vấn đề đình công của công nhân; khiếu kiện liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường; các vi phạm quy định về “đầu tư chui” vào các khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các vị trí xung yếu, nhạy cảm về an ninh, quốc phòng… Từ những nguy cơ nói trên, PGS.TS. Trần Chí Công đã đưa ra một số giải pháp, như: (1) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế; (2) Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế; (3) Tăng cường hiệu quả thẩm định các dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế; (4) Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự; (5) Nâng cao nhận thức, trình độ cho các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
Thượng tá, TS. Sử Ngọc Anh, Phó Trưởng khoa, Khoa An ninh thông tin, Học viện An ninh nhân dân phát biểu.
Tại Hội thảo, Thượng tá, TS. Sử Ngọc Anh tham luận về nội dung: “Thách thức trong quản lý nhà nước về an ninh thông tin mạng đối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam”; trong đó những lợi ích mà các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới mang lại cho người dùng Việt Nam về mặt thông tin, nhưng mặt trái của các nền tảng này là: phát tán thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật; các doanh nghiệp nước ngoài né tránh thực hiện các quy định pháp luật về an ninh thông tin mạng của Việt Nam; nguy cơ mất dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức từ các nền tảng thông tin của doanh nghiệp nước ngoài… TS. Sử Ngọc Anh đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thông tin đối với hoạt động cung cấp thông tin qua biên giới vào Việt Nam, gồm: (1) Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước về an ninh thông tin mạng đối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; (2) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cho người dùng và doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ xuyên biên giới; (3) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phối hợp bảo đảm hoạt động cung cấp các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
TS. Nguyễn Viết Định, giảng viên Khoa Quản lý xã hội tham luận tại Hội thảo.
Tham luận về vấn đề “Chính sách tái chế chất thải nhằm bảo đảm an ninh môi trường và an ninh năng lượng”, TS. Nguyễn Viết Định, giảng viên Khoa Quản lý xã hội đề xuất, cần có các chính sách khuyến khích và ưu tiên cho các tập đoàn, doanh nghiệp, các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ được tiếp cận, áp dụng và tiến tới làm chủ công nghệ tái chế chất thải, điều này vừa mang lại nguồn thu nội địa, vừa bảo đảm an ninh môi trường; đồng thời mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước phát triển.
TS. Trịnh Đức Hưng, giảng viên Khoa Quản lý xã hội tham luận tại Hội thảo.
Với nội dung về quản lý nhà nước đối với tội phạm an ninh phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay, TS. Trịnh Đức Hưng, giảng viên Khoa Quản lý xã hội cho biết, vấn đề chính trị, sự khác biệt về khung khổ luật pháp, tranh chấp quyền tài phán sẽ là rào cản trong vấn đề xét xử loại tội phạm an ninh phi truyền thống. Do đó, để tăng cường tương thích pháp luật làm cơ sở cho việc hợp tác, đấu tranh, phòng chống tội phạm an ninh phi truyền thống đòi hỏi Việt Nam phải từng bước tham gia ký kết và thực thi các điều ước quốc tế, các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương trong khu vực về phòng chống loại hình tội phạm này.
TS. Nguyễn Văn Dũng, giảng viên tại Phân viện Học viện khu vực miền Trung nêu 2 vấn đề nổi cộm đối với Việt Nam về an ninh phi truyền thống: (1) Tác động của dịch bệnh Covid-19 là rất lớn đối với an ninh phi truyền thống, cụ thể là với kinh tế – xã hội, y tế; (2) Vấn đề khủng bố, đây là hệ quả của việc các thế lực thù địch lợi dụng người dân có trình độ nhận thức về mọi vấn đề, mọi lĩnh vực còn hạn chế. Qua hai vấn đề trên, ông nhấn mạnh vai trò của Đảng, Nhà nước trong giáo dục, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ vai trò của an ninh phi truyền thống. Đồng thời, kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra sát sao, kịp thời, không hình thức nhằm phát hiện nhanh, đúng các biểu hiện chống phá Nhà nước, hoạt động khủng bố trên từng địa bàn trọng yếu, cũng như bảo đảm an ninh của quốc gia.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người dân về vai trò quan trọng của an ninh phi truyền thống hiện nay. Cần đưa chương trình giáo dục về an ninh phi truyền thống vào nhà trường để giảng dạy cho sinh viên, học sinh để các em nhận thức rõ vai trò của vấn đề này trong tình hình mới của đất nước cũng như thế giới.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận tích cực của các nhà khoa học. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận, xuất bản kỷ yếu Hội thảo; qua đó hệ thống đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn những quan niệm, nhận thức, những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến an ninh phi truyền thống hiện nay. Nhiều tham luận rất tâm huyết, trách nhiệm với chủ đề Hội thảo. Ban Tổ chức chắt lọc, tiếp thu, phát triển nghiên cứu, tổng hợp thành báo cáo tham vấn, hoàn thiện chính sách, pháp luật về an ninh phi truyền thống, đồng thời, là tài liệu hữu ích giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Quản lý xã hội về lĩnh vực an ninh phi truyền thống trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội thảo.
Như Ngọc