Hội thảo khoa học: “Bình đẳng giới trong hoạt động công vụ”

(napa.vn) – Sáng ngày 26/10/2023, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bình đẳng giới trong hoạt động công vụ”. TS. Tạ Thị Hương, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội chủ trì Hội thảo.

 LIO02604

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam; bà Đào Thị Thu Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Hoành Nghĩa, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng Khoa Quản lý xã hội. Đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên của Khoa đã tới dự. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

LIO02577

TS. Tạ Thị Hương, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội phát biểu đề dẫn Hội thảo. 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Tạ Thị Hương khẳng định, bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới. Với thế giới, sự bình đẳng giới đã phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, khoảng cách giới tính tổng thể đã giảm 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022, thu hẹp khoảng cách về trình độ học vấn ít nhất 95%. Trong khi đó, khoảng cách về tham gia kinh tế và cơ hội đã thu hẹp lại ở mức 60,1% và khoảng cách trao quyền chính trị chỉ còn 12%.

Thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, Việt Nam ngày càng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vấn đề này. Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó tập trung vào Mục tiêu số 5 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu tính ổn định trong cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự giữa nam và nữ. Tỷ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn. Thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ…

Với đặc thù của khoa chuyên môn trong hệ thống của Học viện Hành chính Quốc gia, nhằm tăng cường nhận thức về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đồng thời trực tiếp đưa vấn đề này vào thực tiễn giảng dạy, bồi dưỡng để qua đó gián tiếp thực hiện tuyên truyền, vận động người làm chính sách, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

LIO02585

Bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận.

Bà Đàm Thị Vân Thoa tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Một số vấn đề đặt ra về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chính sách pháp luật” khẳng định, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo rằng các quy định của pháp luật đã đáp ứng nhu cầu của mỗi giới, hướng tới bình đẳng giới thực chất. Lồng ghép bình đằng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật đã được quy định và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những hạn chế cần khắc phục. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện, đảm bảo thống nhất các quy định của pháp luật về lồng ghép giới bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, cần tập trung nâng cao nhận thức, năng lực củ các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vấn đề này. Bên cạnh những kết quả đã đạt được về bình đẳng giới trong xây dựng chính sách pháp luật thì vẫn còn những vấn đề còn khó khăn, tồn tại như:

Thứ nhất, các chủ thể tham gia xây dựng văn ản quy phạm pháp luật còn lúng túng khi thực hiện các quy định về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, kết quả lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa thật sự hiệu quả, cụ thể là: việc cụ thể hoá chính sách và thực thi chính sách liên quan đến bình đẳng giới còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người hưởng chính sách; một số quy định về bình đẳng giới thiếu cụ thể, dẫn đến việc thực hiện phụ thuộc nhận thức và nguồn lực của từng địa phương, đơn vị; việc cụ thể hoá một số chính sách còn chưa đảm bảo bình đẳng giới.

Bà Đàm Thị Vân Thoa đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết các khó khăn tồn tại trên cụ thể là:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, đảm bảo tính thống nhất về phạm vi lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong cả giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và giai đoạn soạn thảo văn bản; sửa đổi mức kinh phí phục vụ quá trình đánh giá tác động, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn dữ liệu giữ các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các thống kê có phân tách giới.

Hai là, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương các kiến thức cơ bản, cập nhật về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới, quy trình, nội dung lồng ghép giới.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện việc giám sát thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, song song với việc chủ động nghiên cứu, thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo, dự án văn bản quy phạm pháp luật dưới góc độ giới.

LIO02609

Bà Đào Thị Thu Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tham luận.

Với tham luận “Bình đẳng giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay”, bà Đào Thị Thu Hồng đã chỉ ra: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ là lực lượng lao động chất lượng cao, có nhiều đóng góp quan trọng đối với cộng đồng và xã hội. Cụ thể là đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình khoa học, văn hóa, nghệ thuật có giá trị, nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao; góp phần từng ước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ củ đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Trong đó lĩnh vực giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khẳng định vai trò của nữ giới trong sự phát triển của tri thức nước nhà.

Bằng cách tiếp cận giáo dục học, tham luận tập trung vào nhận diện thực trạng bình đẳng giới với phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay thông qua 02 nhóm hoạt động: (1) tham gia các hoạt động giảng dạy; (2) tham gia hoạt động học tập.

Một là, về bình đẳng giới trong tham gia hoạt động giảng dạy, quản lý giáo dục: Ngày nay nữ giới có nhiều cơ hội để phát triển bản thân cũng như có không gian rộng mở để khẳng định mình. Giáo dục giờ đây là không gian để nữ  có thể phát huy thế mạnh của mình, và đóng góp đối với đất nước. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc đảm nhiệm các vai trò, chức vụ quản lý ngành giáo dục.

Hai là, về bình đẳng giới trong hoạt động học tập: Để được đến trường, được hưởng thụ quyền học tập, trau dồi kiến thức, chiếm lĩnh các nấc thanh tri thức và được tôn vinh là nữ trí thức, phụ nữ phải vượt qua nhiều rào cản, và chính con đường đến với tri thức gian khổ của người phụ nữ là minh chứng quan trọng và trở thành tấm gương cho xã hội nhìn nhận rõ hơn phụ nữ cũng có quyền và có thể học hành thành đạt như nam giới.

Bà Đào Thị Thu Hồng đã đưa ra một số giải pháp, cụ thể: Thứ nhất, cần cải thiện tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập ở các cấp học mà không chỉ dừng lại ở tỷ lệ biết chữ của nam, nữ; Thứ hai, khi xây dựng chính sách bảo đảm quyền được học tập, nâng cao trình độ của lao động nữ cần tính đến đặc thù giới tính nữ thực tế; Thứ ba, cần đa dạng hóa các loại hình giáo dục ở mọi cấp học, ngành học, cần không ngừng nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ dưới mọi hình thức.

LIO02615

TS. Trần Thị Ngân Hà, giảng viên Khoa Quản lý xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Trần Thị Ngân Hà với tham luận “Bình đẳng giới trong hoạt động công vụ thực trạng và một số vấn đề đặt ra ở Việt Nam hiện nay” đã chỉ ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam – trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ đã có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những năm qua, công tác bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm cả về nhận thức và hành động, từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thi hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống, hạn chế nhất định trong việc thực thi chính sách, khung thể chế về bình đẳng giới trong lĩnh vực này. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp mang tính căn bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công vụ ở Việt Nam.

TS. Trần Thị Ngân Hà cũng đưa các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công vụ ở Việt Nam hiện nay, cụ thể: hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề giới trong quản ý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động công vụ, bảo đảm tính khả thi của các qui định sau khi được ban hành; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản ý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản ý cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới trong hoạt động công vụ.

LIO02646

Ông Nguyễn Hoành Nghĩa, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày tham luận.

Với tham luận “Bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động hành chính công ở một số quốc gia trên thế giới và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, ông Nguyễn Hoành Nghĩa chia sẻ về các kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động hành chính công ở một số quốc gia trên thế giới, gồm: Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản và Phi-líp-pin. Ông Nguyễn Hoành Nghĩa đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất đối với Việt Nam: (1) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công; (2) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực hành chính công; (3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách pháp luật về đảm bảo bình đẳng giới; (4) Đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ gắn với quy hoạch, tạo nguồn bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong khu vực công; (5) Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo bình đẳng giới trong hoạt động công.

Với trên 50 bài viết của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong và ngoài Khoa gửi đến, Hội thảo còn được nghe các ý kiến trao đổi của cán bộ, giảng viên Khoa Quản lý xã hội trên tinh thần học hỏi và kiến tạo tri thức.

Kết luận Hội thảo, TS. Tạ Thị Hương gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thực sự tâm huyết với chủ đề Hội thảo. Các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, làm sáng tỏ hơn lý luận và thực tiễn vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động công vụ ở Việt Nam. Điều này thực sự có giá trị đối với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của Khoa. Những ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các giảng viên sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp và sử dụng phù hợp vào các nội dung có liên quan đến chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia.

LIO02689

Ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Phạm Hải Long

Comments are closed.