Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam – lý luận và thực tiễn”

(napa.vn) – Thực hiện kế hoạch nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ “Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở VN hiện nay”, sáng 25/8/2023, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam – lý luận và thực tiễn”. TS. Lại Đức Vượng – Phó Giám đốc Học viện và PGS.TS. Hoàng Mai – Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có TS. Đinh Duy Hòa – Nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; TS. Hoàng Thị Ngân – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ cùng đại diện Cục Báo chí và trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về phía Học viện có: TS. Đặng Xuân Hoan – nguyên Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – nguyên Phó Giám đốc Học viện cùng toàn thể Lãnh đạo, giảng viên Khoa Quản trị nhân lực.

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các Phân viện thuộc Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Trung.

z4637862630627_f216462074fe8304d81d31b17d47a209

PGS.TS. Hoàng Mai trình bày đề dẫn Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Hoàng Mai nhấn mạnh, Hội thảo khoa học với chủ đề “Bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn” nằm trong khuôn khổ của đề tài cấp Bộ và với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo. Đây là cơ hội tạo ra diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ giảng viên cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận, thực tiễn, giải pháp bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số, đây là nhóm chủ thể rất đặc thù, có vai trò quan trọng trong vận hành nền hành chính.

Hội thảo mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung vào các nội dung trọng tâm, khai thác góc nhìn đa chiều về:

(1) Làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý về bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số;

(2) Thực trạng và cơ hội, thách thức trong bồi dưỡng công chức hành chính và mức độ đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam;

(3) Kinh nghiệm và giải pháp bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam.

z4637862647910_cba960138922458169e7ef5611389c91

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng thay mặt lãnh đạo Học viện cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh, bồi dưỡng công chức hành chính luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng để nâng cao chất lượng của công chức, góp phần đem lại hiệu quả của nền công vụ, thúc đẩy sự thành công của Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Nội dung chính của Hội thảo là vấn đề lớn từ chủ trương, đường lối, các quy định pháp luật đến quá trình xây dựng và triển khai hoạt động bồi dưỡng… đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi cần phân tích, luận giải để gợi mở, tiếp tục đổi mới và thích ứng trong xây dựng chính sách, pháp luật, cũng như trong thực tiễn bồi dưỡng công chức.

Phó Giám đốc Học viện hy vọng những ý kiến đóng góp, thảo luận của các nhà khoa học sẽ là tư liệu có giá trị làm cơ sở tham vấn cho các cơ quan có thẩm quyền và tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các nội dung của đề tài, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, gửi bài tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài Học viện Hành chính Quốc gia. Ban Biên tập Hội thảo đã tiến hành biên tập và chọn lọc 13 bài nghiên cứu để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Những bài viết được lựa chọn in trong Kỷ yếu vừa có tính học thuật vừa tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm và đã đề xuất xây dựng khung năng lực số cần thiết trong chương trình bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam.

Các bài viết được in trong Kỷ yếu toàn văn thể hiện tính đa dạng trong tiếp cận gắn với các chủ đề chính của Hội thảo, tuy nhiên trong khuôn khổ buổi Hội thảo trực tiếp ngày hôm nay, với sự hiện diện của rất nhiều nhà quản lý, nhà khoa học trong các cơ quan nhà nước và Học viện Hành chính Quốc gia.

z4637862649184_6b4c90d696a3ae6678b9c0ba3b8845dd

TS. Hoàng Thị Ngân – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ.

Trình bày tham luận “Khó khăn, thách thức trong bồi dưỡng công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số”, TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh chuyển đổi số là nội dung được đề cập như một nhiệm vụ của chiến lược xây dựng nền công vụ và giải pháp của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế quản lý, sử dụng người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, bồi dưỡng công chức hành chính cũng đối diện với nhiều thách thức của hàng loạt sự thay đổi của đời sống kinh tế – xã hội, các xu hướng trong quản trị quốc gia, địa phương và sức ép bắt nhịp với những biến động, trong đó có chuyển đổi số. TS. Hoàng Thị Ngân đã chỉ ra những thách thức và xác định rõ, lãnh đạo đơn vị sử dụng công chức là người xác định nhu cầu và cử công chức tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm hiệu quả gắn với yêu cầu công việc; khuyến khích học và tự học để đáp ứng yêu cầu trình độ nói chung, không chỉ về chuyển đổi số.

z4637862618922_aa608f5ec109358b5b100f22dd3bc9c2

TS. Đặng Xuân Hoan – nguyên Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

TS. Đặng Xuân Hoan chỉ ra các nội dung cần làm rõ, như việc thống nhất khái niệm, đưa ra các yếu tố và điều kiện để thực hiện thành công của Chính phủ số. Ngoài ra, cần nghiêm túc đánh giá thực trạng trong quá trình bồi dưỡng công chức hành chính so với khu vực, so với thế giới, đồng thời kiến nghị nội dung bồi dưỡng và phân công thực hiện, đáp ứng yêu cầu Chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

IMG_3209

TS. Đinh Duy Hòa – nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Đinh Duy Hòa khẳng định, Chính phủ số có một số nội dung cơ bản cần xem xét như các vấn đề chuyển đổi số, xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng công chức hành chính nhằm năng lực đội ngũ công chức hành chính đáp ứng yêu cầu Chính phủ số.

z4637862646036_2e4b5d3934ced26a46f917a787938323

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện.

Cũng tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển nhấn mạnh, Chính phủ số cần có con người số, đội ngũ quản trị số và làm thế nào quản lý tốt nhất trong bối cảnh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần phân tích thực trạng bồi dưỡng đội ngũ quản trị số, trách nhiệm và vai trò của công chức, viên chức theo vị trí việc làm. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển khẳng định, cách đặt vấn đề của Hội thảo có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của công chức phải xem Chính phủ số là sứ mạng, là lợi ích của mình.

z4637862618777_23aba9c540ccd1a6452f62065f34ea89

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu ý kiến.

Theo PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, các chương trình bồi dưỡng công chức hành chính ở Học viện Hành chính Quốc gia đã có những chuyên đề liên quan đến Chính phủ số, trong đó, cần chú trọng nhận thức lại thực trạng công tác bồi dưỡng công chức hành chính hiện nay đáp ứng yêu cầu Chính phủ số để liên tục cập nhật và bổ sung những thiếu sót, góp phần thành công chuyển đổi số vào nhiều chuyên đề khác.

z4637862656506_d1e1924f293bcb81916111238cfcb953

TS. Trương Cộng Hòa – Phó Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Trực tuyến tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Trương Cộng Hòa đã đưa ra một số ý kiến liên quan đến việc nhận diện rõ cơ sở lý luận về Chính phủ số, đề cập đến vai trò của các cơ sở đào tạo, đồng thời, nhấn mạnh vai trò của Học viện Hành chính Quốc gia trong bồi dưỡng công chức hành chính, từ đó đề xuất xây dựng chương trình bồi dưỡng đối với công chức về Chính phủ số trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học, nhà quản lý đã có những ý kiến, góp ý rất có giá trị khoa học về lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm đối với các nội dung liên quan đến Hội thảo. Các ý kiến đóng góp và tham luận được lựa chọn sẽ là căn cứ để Ban Chủ nhiệm và các thành viên hoàn thiện đề tài khoa học cấp Bộ, đồng thời gửi báo cáo tham vấn xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của bối cảnh thực hiện chuyển đổi số của Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

z4637862637391_eba4d79e83a97167a256e7e439b25fd4

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phạm Hải Long

Comments are closed.