(napa.vn) – Chiều ngày 10/7/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đánh giá việc đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư”. PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đồng chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham gia và đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng; các chuyên gia, giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Y Hà Nội… Hội thảo trực tuyến đến các điểm cầu Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Đắk Lắk.
PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo, PGS.TS. Triệu Văn Cường nhấn mạnh: Hội thảo là diễn đàn trao đổi, thảo luận, nghiên cứu sâu sắc về những khía cạnh, vấn đề đặt ra cả về lý luận và thực tiễn đổi mới giảng dạy, học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân theo tinh thần Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư, nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc đổi mới học tập lý luận chính trị cần sát với thực tiễn, không máy móc, giáo điều, khô cứng; các vấn đề hiện nay không còn phù hợp thì không đưa vào nội dung học tập. Với tinh thần và ý nghĩa đó, Hội thảo mong muốn được tiếp thu những ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung chính sau:
Một là, yêu cầu, sự cần thiết phải đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân;
Hai là, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức và Nhân dân trong triển khai thực hiện các định hướng, giải pháp nhằm đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân;
Ba là, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị về cơ chế, chính sách, các giải pháp đột phá nhằm đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.
PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương tham luận.
Tham luận của PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung đánh giá việc đổi mới học tập lý luận chính trị đối với giáo dục đại học, trong đó nêu bật những kết quả, hạn chế về các mặt: (1) Mục tiêu; (2) Chương trình, giáo trình; (3) Phương pháp giảng dạy; (4) Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; (5) Đào tạo sinh viên ngành lý luận chính trị; (6) Kiểm tra, thi, đánh giá; (7) Bộ máy chuyên trách theo dõi, quản lý giảng dạy, học tập lý luận chính trị. Qua đó, tổng kết những vấn đề đặt ra và đề xuất kiến kiến nghị cụ thể với các cấp, ngành, các cơ sở giáo dục đại học nhằm thực hiện thành công, có hiệu quả Kết luận 94-KL/TW, làm cơ sở, động lực tạo chuyển biến về chất trong công tác dạy và học các môn lý luận chính trị hiện nay.
PGS.TS. Trương Quốc Chính, Quyền Trưởng khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực I tham luận.
PGS.TS. Trương Quốc Chính, Quyền Trưởng khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực I, tham luận nội dung “Giảng dạy lý luận chính trị theo hướng gắn lý luận với thực tiễn trong tình hình mới”. Theo ông, giảng dạy lý luận chính trị phải gắn với thực tiễn đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế – xã hội; lý luận xuất phát từ thực tiễn và được soi chiếu vào thực tiễn nhằm hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết các vấn đề đặt ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân là nguồn nhân lực có trình độ trong tương lai của quốc gia, việc giảng dạy lý luận chính trị cho đối tượng này ngoài áp dụng những phương pháp truyền thống cũng cần kết hợp, vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức giảng dạy hiện đại, tích cực, trong đó cần xác định một số nội dung giảng dạy cốt lõi, tránh áp đặt suy nghĩ chủ quan, tránh dàn trải, tăng cường tương tác, trao đổi, thảo luận, làm việc nhóm…
TS. Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tham luận.
Từ thực tiễn công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, TS. Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập trong giảng dạy lý luận chính trị, tìm ra nguyên nhân của hạn chế xuất phát cả từ phía giảng viên và sinh viên. Từ đó, đề xuất giải pháp đổi mới giảng dạy các môn chính trị, như: (1) Đổi mới phương pháp tiếp cận các vấn đề nghiên cứu, phương thức triển khai công tác lý luận; (2) Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; (3) Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy; (4) Gắn lý luận với thực tiễn; (5) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng.
TS. Phạm Thị Thúy Vân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tham luận.
TS. Phạm Thị Thúy Vân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, việc dạy học lý luận chính trị hiện nay đã được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm về chủ trương cũng như đầu tư cơ sở vật chất; chất lượng giảng viên ngày càng được nâng cao; nội dung, phương pháp học tập, giảng dạy, phương pháp đánh giá có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn trên cơ sở xác định cụ thể chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. TS. Vân đề xuất 4 giải pháp đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy lý luận chính trị: (1) Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ giảng viên; (2) Nội dung dạy học tăng cường gắn lý luận và thực tiễn; (3) Sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng; (4) Phát huy tinh thần tự giác, tự học trong học viên, sinh viên.
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận.
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, tập trung đổi mới học tập lý luận chính trị xoay quanh vấn đề mối quan hệ giữa người dạy và người học, đặt ra những yêu cầu cần tăng cường nhận thức, sự chủ động tham gia, ý thức học tập của học viên, sinh viên, song song với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Với tính cấp thiết trong lý luận và thực tiễn của chủ đề Hội thảo, các đại biểu đã tích cực trao đổi, tham luận ý kiến, đóng góp thêm nhiều nội dung giá trị nhằm góp phần tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị, bao gồm cả nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên, như: vấn đề giảng dạy chính trị gắn với kiến thức liên ngành, liên môn học; đổi mới giảng dạy lý luận chính trị trong tổng thể đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục; xây dựng nội dụng cốt lõi giảng dạy lý luận chính trị; thiết kế, đổi mới phương pháp giảng dạy đi sâu vào truyền thụ tư duy, cách học tập, nghiên cứu, gắn với thực tiễn; tập trung nghiên cứu đổi mới giáo trình giảng dạy lý luận chính trị; tạo động lực, niềm say mê trong tập, giảng dạy; chia sẻ góc tiếp cận thực tiễn trực tiếp thực hiện giảng dạy, học tập lý luận chính trị tại cơ sở giáo dục đại học; chú trọng đầu tư toàn diện cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị…
Hội thảo đã nhận 53 bài tham luận in trong kỷ yếu Hội thảo, 18 lượt ý kiến thảo luận, trao đổi trực tiếp, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị. Bên cạnh đó, đánh giá tổng quan về những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, tham luận, thảo luận của các nhà khoa học, qua đó củng cố, làm đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn nữa nhận thức về sự cần thiết đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân cùng những vấn đề đặt ra liên quan theo Kết luận 94-KL/TW trên nhiều phương diện. Những tham luận đầy tâm huyết, có giá trị, hàm lượng khoa học cao, sẽ được tiếp thu đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói chung và của Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng. Những kết quả Hội thảo sẽ làm căn cứ để tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới.
Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
PV