Hội thảo khoa học: “Đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế”

(napa.vn) – Sáng ngày 29/9/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế”. PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

quang canh

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có các đại biểu đến từ: Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; Phòng Thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo UNDP; Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật; Trường Quản trị kinh doanh và công nghệ FPT, Đại học FPT; Công ty CP Thang máy Royal Việt Nam.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên Khoa Quản lý kinh tế.

1

PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam được xếp ở vị trí 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đạt được kết quả đó một phần nhờ vào việc áp dụng đổi mới sáng tạo tại các cơ quan trong bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế. Kết quả này đặt ra thách thức trong thời gian tới, làm thế nào để tiếp tục phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, nhất là việc áp dụng đổi mới sáng tạo tại các cơ quan trong bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Khoa Quản lý Kinh tế tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quản lý về kinh tế” theo Quyết định số 1146/QĐ-HCQG ngày 04/5/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia. Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế” nhằm làm rõ thêm các vấn đề lý luận và thực tiễn về đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế. Hội thảo cũng gợi mở những giải pháp khoa học nhằm tư vấn cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý nhà nước về kinh tế thực hiện đổi mới sáng tạo trong quản lý.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, chia sẻ các nội dung: (1) Những vấn đề lý luận về đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế; (2) Nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm các quốc gia về đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế; (3) Thực trạng đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam; (4) Giải pháp tăng cường đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế ở Việt Nam.

2 Giang

Bà Trần Hương Giang, Trưởng phòng Thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo UNDP, phụ trách thủ nghiệm tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, bà Trần Hương Giang, Trưởng phòng Thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo UNDP chia sẻ các nội dung liên quan đến “Đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm quốc tế”. Theo bà Trần Hương Giang, phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Một số mô hình đổi mới sáng tạo (ĐMST) cơ bản: ĐMST thể chế, ĐMST xã hội, ĐMST công nghệ. ĐMST công liên quan đến: quy trình hoặc hệ thống của tổ chức, dịch vụ công, sản phẩm, phương thức truyền thông; đổi mới quy trình làm việc; sản phẩm tạo ra một hoặc nhiều loại giá trị. Bà Trần Hương Giang chia sẻ các phương pháp ĐMST của một số tổ chức, như: NESTA, Lab OPM (Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ), Public Policy Lab.

Để đạt được hiệu quả và thành công như một số quốc gia, theo bà Trần Hương Giang, Việt Nam cần thực hiện: thứ nhất, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài; thứ hai, cải thiện và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội được thành lập và phát triển; thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ nội địa hóa với các sản phẩm công nghệ cao.

3 Thịnh

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận: “Đổi mới sáng tại trong quản lý nhà nước về kinh tế”. Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ. Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 cho thấy Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Các nghiên cứu tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo 2022 (Vietnam Venture Summit) cho thấy Việt Nam đang trong tam giác vàng của Khu vực Đông Nam Á về thu hút đầu tư cho ĐMST: Kinh tế liên tục tăng trưởng; Thu hút FDI, ODA; Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước được cải thiện; Thể chế pháp luật: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế… có nhiều quy định tiến bộ, theo thông lệ tốt của quốc tế… Tuy nhiên, chiến lược/ quy hoạch/ chương trình hành động/ dự án lớn còn thiếu, chậm trong một số lĩnh vực then chốt; hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng nguồn lực; năng lực ĐMST khu vực công yếu; lợi ích nhóm/thị trường không hoàn hảo…

Chia sẻ một số gợi mở về nâng cao năng lực ĐMST trong QLNN về kinh tế, theo Đỗ Tiến Thịnh, cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế và trong nước (về kỹ thuật: như các công nghệ mới, về kinh tế: như kinh tế số, kinh tế chia sẻ; về xã hội: như vấn đề an ninh thông tin cá nhân, cân bằng cuộc sống, già hóa dân số; về môi trường: như xu thế quản lý hiệu quả nguồn lực khan hiếm) và thế mạnh của Việt Nam hoặc từng địa phương, từng doanh nghiệp (như hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực…) để lựa chọn con đường thực hiện ĐMST cả khu vực công và khu vực tư.

4 Đào

Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật chia sẻ khái quát về DK Bike, các hoạt động ĐMST tại doanh nghiệp và đề xuất về đổi mới công tác QLNN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Theo bà Bùi Bích Đào, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ chế chính sách hỗ trợ; các nguồn vốn đầu tư, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các cơ chế chuyên ngành; mặt bằng diện tích sản xuất; tiếp cận đối thoại giải quyết các vướng mắc; thiếu nguồn lực lao động có tay nghề cao.

5 Minh

Ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thang máy Royal Việt Nam phát biểu.

Ông Phạm Quang Minh – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thang máy Royal Việt Nam chia sẻ, xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, các kế hoạch, chiến lược đề ra khoa học hơn, nên quản lý nhà nước về kinh tế ở cấp vĩ mô thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Nền kinh tế số cho phép quản lý nhà nước ở cấp độ vĩ mô khá minh bạch, các cân đối lớn được tính toán cụ thể, khoa học. Nguồn lực trong nền kinh tế được huy động tối đa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và phát triển. Là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành, ông Phạm Quang Minh mong muốn đưa công nghệ số ứng dụng vào đổi mới, tích cực nắm bắt cơ hội, đầu tư hạ tầng công nghệ, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

10 Thịnh

ThS. Nguyễn Tất Thịnh, giảng viên Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tất Thịnh, giảng viên Khoa Quản lý kinh tế, đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế là một khái niệm thể hiện sự áp dụng những ý tưởng mới, phương pháp tiên tiến và công nghệ hiện đại vào việc quản lý và điều hành kinh tế của một quốc gia. Đây là quá trình nhằm cải thiện hiệu suất, tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Việc đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế cần dựa trên một số yếu tố: tư duy mở, giảm nhẹ hàm lượng chính trị, đột phá về văn hóa quản lý và định hướng phục vụ xã hội.

11 ĐXH

TS. Đặng Xuân Hoan phát biểu.

Tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan đề nghị cần làm rõ mấy vấn đề sau: thế nào là đổi mới sáng tạo, cải tiến mang tính đột phá mới gọi là đổi mới, phải có ý tưởng mới có đổi mới. Hoạt động kinh tế của doanh nghiệp hay cá nhân hay luôn luôn thay đổi. Hoạt động kinh tế thay đổi thì hoạt động quản lý kinh tế cần thay đổi đồng bộ từ việc xây dựng kế hoạch, chiến lược đến nhân sự, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đổi mới sáng tạo nguồn lực về tài chính, nguồn lực về công nghệ, pháp luật hóa các hoạt động đổi mới sáng tạo.

6 Dung

Bà Lê Thị Dung, Viện trưởng Viện Doanh trí, Tổng Giám đốc công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup phát biểu.

7 Thùy

Bà Đinh Thị Thanh Thùy, Phó Tổng Giám đốc Công ty công nghệ Aria Aqua Việt Nam phát biểu.

9 Ngọc

TS. Phạm Quang Ngọc, giảng viên cao cấp về ĐMST và thay đổi công nghệ, Trường Quản trị kinh doanh và công nghệ FPT, Đại học FPT phát biểu.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đề xuất một số ý kiến tăng cường đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế, giúp nâng cao hiệu suất quản lý và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cần đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế, không chỉ bao gồm tính sáng tạo và thử nghiệm mà còn đòi hỏi năng lực kết nối và tạo điều kiện hợp tác, khả năng khai thác và khám phá, khả năng tiếp thu kiến thức mới và không ngừng học hỏi.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận tích cực được các nhà khoa học trình bày trực tiếp tại Hội thảo, cùng hơn 20 tham luận kỷ yếu Hội thảo, qua đó làm đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn nữa nhận thức về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế. Những tham luận đầy tâm huyết, có giá trị cao tại Hội thảo sẽ được tiếp thu, phát triển đầy đủ, hiệu quả, góp phần tham vấn, hoàn thiện thiện sự đổi mới, sáng tạo trong quản lý nhà nước về kinh tế, nhằm tối ưu hóa tài nguyên, thúc đẩy sự phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Quản lý nhà nước nói riêng và Học viện Hành chính Quốc gia nói chung trong thời gian tới.

6L9A9743

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Như Ngọc

Comments are closed.