Hội thảo khoa học: Liêm chính công vụ – Lý luận và thực tiễn

(napa.vn) – Sáng ngày 10/10/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Liêm chính công vụ – Lý luận và thực tiễn”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và TS. Nguyễn Thu An, Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

2D3A8135

Quang cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ; PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương; ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; đông đảo giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Nhà nước và Pháp luật.

2D3A8133

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện cho biết, Hội thảo khoa học “Liêm chính công vụ – những vấn đề lí luận và thực tiễn” của Học viện Hành chính Quốc gia diễn ra trong bối cảnh Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới với những yêu cầu nêu cao tính tự giác của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, giàu lòng tự trọng; Nghị quyết số 27 -NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ xác định yêu cầu:  “… Xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ kiến tạo, phát triển. Khẳng định Chính phủ là công bộc của dân, gắn bó với Nhân dân, phục vụ Nhân dân…”. Việc thể chế hóa thành các quy định và thực hiện liêm chính trong hoạt động công vụ đã được triển khai thông qua nhiều văn bản qui phạm như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…. tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều khoảng trống cả về khoa học, về nghiên cứu lí luận, về cơ chế điều chỉnh của pháp luật cần được tiếp tục nghiên cứu.

Với sứ mệnh là trung tâm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng, phát triển năng lực về hành chính, lãnh đạo, quản lý cho nền công vụ Việt Nam, tham gia vào hoạt động nghiên cứu, tham mưu chính sách… Học viện Hành chính Quốc gia luôn xác định trách nhiệm của Học viện phải đi đầu trong các nghiên cứu có tính mở đường, đột phá trong lĩnh vực khoa học hành chính; công vụ, công chức; cải cách hành chính; chính sách công; pháp luật hành chính….; trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của nền chức nghiệp thực tài, chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như:

(1) Tầm quan trọng của liêm chính công vụ trong việc xây dựng một nền hành chính công minh, minh bạch.

(2) Nhận diện những vấn đề lý luận, pháp lý về liêm chính công vụ.

(3) Các chuẩn giá trị liêm chính công vụ của một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam.

(4) Đánh giá và liên hệ thực trạng pháp luật về liêm chính trong hoạt động công vụ tại Việt Nam hiện nay, phân tích, làm rõ các công trình nghiên cứu về liêm chính công vụ và những gợi mở hoàn thiện pháp luật.

(5) Các vấn đề chuyên sâu khác liên quan đến liêm chính công vụ.

2D3A8150

GS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo.

Trình bày tham luận “Chiến lược thúc đẩy liêm chính công của OECD và giá trị tham khảo cho Việt Nam”, GS.TS. Vũ Công Giao tập trung khảo sát vai trò và nội dung tăng cường sự liêm chính trong mối quan hệ với chiến lược phòng, chống tham nhũng ở các nước OECD, trong đó phân tích sâu hai văn bản của tổ chức này, đó là Khuyến nghị của Hội đồng OECD về liêm chính công và Sổ tay về liêm chính công của OECD; đồng thời gợi mở phương hướng và một số giải pháp thúc đẩy liêm chính trong khu vực công ở Việt Nam trong những năm tới.

Theo GS.TS. Vũ Công Giao, để thúc đẩy liêm chính nói riêng, xây dựng văn hoá liêm chính nói chung ở nước ta trong thời gian tới, việc tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là của các nước OECD là rất cần thiết. Những giá trị nổi bật trong vấn đề này của các nước OECD mà Việt Nam có thể tham khảo trong việc xây dựng, hoàn thiện chiến lược thúc đẩy liêm chính của đất nước trong những năm tới như: (1), cần đổi mới tư duy về phòng, chống tham nhũng; (2), cần phải có chiến lược cụ thể về thúc đẩy liêm chính công; (3), chiến lược thúc đẩy liêm chính công phải toàn diện, gắn kết nhưng có trọng tâm, trọng điểm; (4), chiến lược thúc đẩy liêm chính công phải có sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp.

2D3A8176

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Ban Nội chính Trung ương trình bày tham luận.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà trình bày tham luận: “Xây dựng văn hoá liêm chính công vụ – kinh nghiệm Hàn Quốc và bài học rút ra cho Việt Nam”. Theo PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, xây dựng văn hoá liêm chính công vụ trong đó giáo dục văn hoá liêm chính cho cán bộ, công chức, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”. PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà phân tích một số vấn đề lý luận về xây dựng văn hoá liêm chính, giáo dục liêm chính, kinh nghiệm đào tạo văn hoá liêm chính của Hàn Quốc, so sánh với thực tiễn giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên tại Việt Nam thời gian qua, nhất là 10 năm gần đây, đề xuất giải pháp tiếp tục xây dựng văn hoá liêm chính công vụ.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, theo PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà, bài học rút ra cho Việt Nam trong xây dựng văn hoá liêm chính công vụ giai đoạn tới: thứ nhất, xác định vai trò và tầm quan trọng của văn hoá liêm chính, trong đó liêm chính công vụ được đề cao trong xã hội. Xác định tầm quan trọng để thống nhất trong nhận thức, đề cao vai trò, uy tín và giá trị công vụ trong việc phát triển xã hội, đất nước; thứ hai, trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, đào tạo liêm chính công vụ gắn chặt với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần làm trong sạch bộ máy công quyền, nêu cao uy tín của khu vực công; thứ ba, xây dựng liêm chính công vụ trên cơ sở pháp luật quy định đào tạo bắt buộc về liêm chính, có kiểm tra, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, phê bình, rút kinh nghiệm hàng năm một cách công khai.

2D3A8182

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày tham luận.

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày tham luận: “Nâng cao đạo đức liêm chính công vụ trong tình hình hiện nay”. Khẳng định, liêm chính là yêu cầu mang tính phổ quát của các nền công vụ trên thế giới. Ở Việt Nam, thời gian qua, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm giảm sút niềm tin của người dân và các cơ quan Đảng và Nhà nước, vào đội ngũ, cán bộ, công chức, nhất là tính liêm chính trong hoạt động công vụ, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước. Vì vậy, theo TS. Đinh Văn Minh, cần làm rõ hơn các nội dung, tính cấp thiết cũng như các giải pháp để nâng cao tính liêm chính trong hoạt động công vụ trong thời gian tới. Và, để nâng cao đạo đức liêm chính công vụ trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, quán triệt và đẩy mạnh giáo dục cán bộ, công chức để thực hiện nghiêm túc Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09 tháng 5 năm 2024 về các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, nhất là quy định về quy định về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (Điều 3 của Quy định);

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về đạo đức công vụ. Có các quy định cụ thể, đầy đủ về tiêu chuẩn đạo đức cho các loại cán bộ, công chức. Trên cơ sở đó hình thành dần, hoàn thiện dần thể chế đạo đức công vụ để xây dựng Luật Đạo đức công vụ;

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ tăng cường, kỷ cương, kỷ luật hành chính; chống tham nhũng, tiêu cực. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức công vụ, tuỳ theo mức độ vi phạm; kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự;

Bốn là, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công chức để họ có đủ điều kiện và toàn ý toàn, toàn tâm với công việc, không bị câu thúc bởi những nhu cầu chính đáng của cuộc sống mà ngã lòng trước sự cám dỗ của đồng tiền trong một nền kinh tế thị trường sôi động và đầy cám dỗ;

Năm là, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội liêm chính trên cơ sở các giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc trong thời kỳ mới.

2D3A8201

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ trình bày tham luận.

TS. Hoàng Thị Ngân trình bày tham luận: “Hoàn thiện pháp luật công vụ theo tinh thần liêm chính”. Là phạm trù mang nhiều giá trị đạo đức, liêm chính công vụ đã được thể hiện một số khía cạnh trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản có liên quan đến hoạt động công vụ như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quy chế văn hoá công sở… Theo TS. Hoàng Thị Ngân, một số vấn đề về hoàn thiện pháp luật công chức, công vụ theo tinh thần liêm chính bao gồm: quan điểm về xây dựng nền công vụ liêm chính; nguyên tắc tuyển dụng công chức và công tác tổ chức thực hiện; ghi nhận đạo đức công vụ; về đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và kỷ luật công chức.

2D3A8217

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, VCCI trình bày tham luận.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI chia sẻ vấn đề liêm chính công vụ từ góc nhìn doanh nghiệp qua kết quả khảo sát môi trường kinh doanh (PCI) của VCCI. Qua phân tích các chỉ tiêu đánh giá, trong đó có những chỉ số thành phần chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, ông Phạm Ngọc Thạch nhận định, tham nhũng, tiêu cực có xu hướng được cải thiện, phản ánh những chuyển biến, kết quả tích cực của công cuộc phòng, chống tham nhũng, nâng cao đạo đức, liêm chính trong hoạt động công vụ ở Việt Nam. Tuy nhiên theo ông, để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững, cần có những giải pháp cắt giảm chi phí không chính thức, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

2D3A8224

GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu.

GS.TS. Võ Khánh Vinh đặt vấn đề cần nâng tầm nhận thức liêm chính trở thành một “giá trị” để tiếp cận phát triển nghiên cứu; đề xuất khung tư duy nghiên cứu về liêm chính công vụ, luận giải những nội hàm lý luận về liêm chính với tất cả các góc độ, lập luận trên cơ sở định vị tầm giá trị liêm chính; các yếu tố tác động tương quan; nhận diện liêm chính ở nước ta với các biểu hiện, nguyên nhân, đặc thù, tư duy, quan điểm…; học tập kinh nghiệm, giá trị quốc tế; khái quát hóa, xây dựng thành chiến lược thúc đẩy liêm chính công vụ…

2D3A8237

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu.

Đồng quan điểm với GS.TS. Võ Khánh Vinh, GS.TS. Phạm Hồng Thái tiếp tục khẳng định liêm chính là vấn đề giá trị nhận thức chung của nhân loại. Nghiên cứu về liêm chính có thể tiếp cận đa chiều từ nhiều góc độ: vấn đề đạo đức chung của con người; góc độ đạo đức công vụ, văn hóa công vụ; xem xét mối liên hệ với kinh kế; liêm chính từ góc độ chính trị; liêm chính gắn với tính lịch sử. Khi nghiên cứu về liêm chính trong hoạt động công vụ cần đặt trong tổng thể nghiên cứu về xây dựng, ban hành văn bản; trong thi hành pháp luật; hoạt động tư pháp…

Tham luận nội dung “Cần, kiệm, liêm chính theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận dụng trong hoạt động công vụ”, TS. Trương Cộng Hòa, Quyền Giám đốc Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động công vụ trong bối cảnh hiện nay nhằm xây dựng một nền công vụ liêm chính, đủ năng lực và uy tín, xứng đáng với nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân. Trong tham luận, TS. Hòa đề xuất một số giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền công vụ liêm chính, như: (1) Thực hiện tốt chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; (2) Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; (3) Tăng cường và khẳng định tầm quan trọng của hoạt động quan hệ công chúng (PR); (4) kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí; (5) Coi trọng tinh thần tự phê bình và phê bình.

TS. Trần Quyết Thắng, Phân hiệu Học viện tại tỉnh Quảng Nam tham luận chia sẻ nội dung: “Khởi kiện Quy tam – một cơ chế tham gia của người dân trong bảo đảm liêm chính công vụ ở Việt Nam”. Quy tam là một định hướng pháp lý giúp người dân tham gia hoạt động kiện tụng công bằng tại Tòa án. Tòa án công nhận những người này là nguyên đơn chính đáng dựa trên luật và đương nhiên họ có quyền tranh tụng và tham gia giám sát toàn bộ quá trình xét xử, thay vì chỉ dừng lại ở việc phản ánh hành vi tham nhũng đến cơ quan có thẩm quyền mà không được tham gia vào quá trình đưa ra kết luận.

2D3A8240

TS. Lê Thị Hoa, Khoa Nhà nước Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.

Theo TS. Lê Thị Hoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia, kiểm soát xung đột lợi ích được xem là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ góp phần quan trọng trong mục tiêu xây dựng nền công vụ liêm chính được các quốc gia trên thế giới coi trọng. Trên cơ sở nghiên cứu những quy định về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ, TS. Hoa đề xuất một số giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích, qua đó ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

2D3A8250

Em Lê Nguyễn Phương Thùy, sinh viên ngành Luật, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.

Em Lê Nguyễn Phương Thùy, sinh viên ngành Luật, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận nội dung nhận diện những vấn đề lý luận, pháp lý về liêm chính công vụ, nhận định còn một số hạn chế trong thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về liêm chính công vụ ở nước ta hiện nay, qua đó xác định nguyên nhân, đưa ra một số giải pháp thúc đẩy liêm chính công vụ, gồm: (1) Thống nhất nhận thức và xác định quyết tâm chính trị trong việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực về liêm chính trong hoạt động công vụ; (2) Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về liêm chính; (3) Tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về liêm chính; (4) Chú trọng yếu tố con người – chủ thể trung tâm của liêm chính; (5) Nâng cao chất lượng môi trường công vụ.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã quan tâm, tham dự, tích cực đóng góp ý kiến, tham luận làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo. Với 34 bài tham luận được tổng hợp tại kỷ yếu cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo đã gợi mở cách tiếp cận khái niệm liêm chính dưới góc độ “giá trị văn hóa”; cung cấp cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về giá trị liêm chính cả về lý luận và thực tiễn; có những đề xuất thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa liêm chính, nâng cao đạo đức liêm chính trong công vụ. Những kết quả của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, là cơ sở nền tảng kiến thức quý báu, luận cứ khoa học quan trọng để Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo và góp phần đề xuất, tham vấn chính sách.

2D3A8270

2D3A8279

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

NAPA Media, Như Ngọc

Comments are closed.