Hội thảo khoa học: Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, Sở – Lý luận và thực tiễn

(napa.vn) – Sáng ngày 14/7/2023, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học thuộc Đề tài khoa học trọng điểm cấp bộ “Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, Sở – Lý luận và thực tiễn”. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: TS. Hoàng Ngân –  Nguyên Vụ Trưởng, Vụ Tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ; GS.TS. Trần Ngọc Đường – Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Đinh Dũng Sỹ – Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ; ThS. Nguyễn Thị Hường – Phó Vụ trưởng Vụ công tác, đại biểu Văn phòng Quốc hội; ông Thái Quang Toản – Nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ; ông Bùi Lam Sơn – PGĐ Sở Tư pháp Ninh Bình; Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Tổ chức biên chế Bộ Nội vụ.

DSC06133_1

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu khai mạc

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật khẳng định, “Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài là một trong những nhiệm vụ cơ bản mà Đảng ta đã đặt ra trong giai đoạn mới gắn với những yêu cầu của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa”. Đồng thời, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đề cao “các giải pháp, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đến thực thi có hiệu quả thể chế, chính sách, góp phần đạt được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới và hội nhập”.

DSC06176

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu thay mặt lãnh đạo Học viện cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Các bài viết gửi tới Hội thảo đã đóng góp quan trọng vào nhận diện rõ ràng, đầy đủ những vấn đề pháp lý đang đặt ra về vấn đề tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Nội vụ. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đề nghị ban tổ chức hội thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham luận và viết bài, chúc Hội thảo thành công.

Hội thảo được diễn ra với mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả Đề tài trọng điểm cấp Bộ “Thiết kế mẫu tổ chức bộ máy của Bộ” đến năm 2023 là một trong chuỗi các đề tài thuộc Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ “Tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Nội vụ” của Thứ trưởng PGS.TS. NGƯT Triệu Văn Cường chủ nhiệm, Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo lần thứ nhất “Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức Bộ, Sở – lý luận và thực tiễn”. Đồng thời, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lãnh đạo quản lý trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Hội thảo tập trung vào các nội dung trọng tâm, khai thác góc nhìn đa chiều về:

Một là, lý luận về thiết kế mẫu cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, Sở (quan niệm, nguyên lý thiết kế mẫu);

Hai là, tiêu chí thành lập các Bộ, Sở/các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, Sở;

Ba là, yêu cầu đối với thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, Sở;

Bốn là, thực tiễn về cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ, Sở hiện nay đặt ra những vấn đề gì – cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạt động thực tiễn đã thảo luận, bàn luận, nghiên cứu sâu hơn về những khía cạnh, những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn về mô hình cơ cấu tổ chức bộ, ngành trên cơ sở xây dựng khuôn mẫu chung. Từ đó, rút ​​ra các nguyên tắc để thiết kế cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành cụ thể phù hợp với đặc điểm của bộ, ngành, địa phương cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu; đã có 14 bài viết được gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo và được Ban Biên tập lựa chọn để in trong Kỷ yếu Hội thảo; có 8 tham luận được trình bày trực tiếp tại chương trình.

DSC06203

GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham luận tại Hội thảo.

GS.TS. Trần Ngọc Đường – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày tham luận “Bàn vào việc tổ chức Vụ, Cục trong Bộ và cơ quan ngang Bộ”. Nội dung tham luận đã nêu bật một số vấn đề, trong đó GS.TS. Trần Ngọc Đường nhấn mạnh, “đi liền với việc tổ chức Bộ đa ngành đa lĩnh vực đòi hỏi phải sắp xếp tổ chức lại bộ máy bên trong của Bộ là một đòi hỏi cấp thiết, có ý nghĩa quyết định của chủ trương tổ chức Bộ đa ngành đa lĩnh vực”.

DSC06246

Đồng chí Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Thái Quang Toản – Nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức Biên chế – Bộ Nội vụ khẳng định trong bản tham luận “Những tiêu chí cơ bản thành lập các đơn vị thuộc cơ cấu bộ máy của Bộ, Sở”: “Các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện thường xuyên, liên tục của hệ thống hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, phát triển và phù hợp với xu thế vận động của xã hội.”

Tham luận “Thực trạng và định hướng sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở Bộ và cơ quan ngang Bộ” của TS. Vũ Xuân Thanh – Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ đã chỉ ra, “Cải cách hành chính nhà nước luôn là một yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia; tuy nhiên tùy từng giai đoạn cụ thể, mỗi quốc gia sẽ có những nội dung, nhưng ưu tiên nhất định” và việc xác định “Tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước theo phương hướng: Tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện thống nhất quyền lực nhưng phân công, phân cấp rành mạch; bộ máy tinh giản, gọn nhẹ và hoạt động có chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, quản lý” là vô cùng quan trọng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Học viện Hành chính Quốc gia đã trình bày tham luận “Xây dựng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần nghị quyết số 27/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” nhấn mạnh “Cải cách hành chính, trong đó có yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương, đã và đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cần phải song song thực hiện, trong đó có việc thu gọn đầu mối, hợp nhất một số Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Thực hiện yêu cầu này đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của Đảng cũng như phải có lộ trình phù hợp, tránh chủ quan, duy ý chí hoặc phiến diện một chiều, bởi suy đến cùng, hợp nhất cũng là để nâng cao hiệu quả quản lý.”

DSC06573

PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng khoa, Khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu tại Hội thảo.

DSC06540

ThS. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ công tác Đại biểu, Văn phòng Quốc hội tham luận tại Hội thảo.

Hội thảo còn được lắng nghe tham luận “Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy các sở” của TS. Hoàng Thị Ngân – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính nhà nước và Công vụ, VPCP; tham luận “Thực trạng sắp xếp tổ chức bộ máy của Sở – Thực tiễn Sở Tư pháp Ninh Bình” của Bùi Làm Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Ninh Bình; tham luận “Xu hướng phát triển bộ máy cơ quan nhà nước trong bối cảnh mới” của TS. Nguyễn Thị Vân Hà – Học viện Hành chính Quốc gia; tham luận “Khuôn khổ pháp lý về cơ cấu tổ chức của các bộ ở Trung Quốc theo hướng khoa học, hiện đại” của TS. Trần Thị Hải Yến – Học viện Hành chính Quốc gia. Các ý kiến thảo luận trong Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Thông qua Hội thảo, việc nghiên cứu vấn đề các lý luận về thiết kế mô hình cơ cấu tổ chức Bộ, ngành là cần thiết hết sức cần thiết. Đó chính là lý do thúc đẩy Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức cuộc Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý đưa ra những luận chứng, luận cứ khoa học; đồng thời tạo cơ hội cho đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên của Học viện Hành chính Quốc gia và những người quan tâm đến lĩnh vực này được tham gia trao đổi, nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

DSC06634

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu Bế mạc tại Chương trình, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đã gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà hoạt động thực tiễn đã tâm huyết viết bài và dành thời gian quý báu đến tham dự, phát biểu và đóng góp cho sự thành công của Hội thảo.

Phạm Hải Long

Comments are closed.