Hội thảo khoa học: Phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả

(napa.vn) – Sáng ngày 07/10/2021, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học “Phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” theo hình thức trực tuyến.

TS. Đặng Xuân Hoan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Giám đốc Học viện; TS. Tạ Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ; TS. Hoàng Thị Ngân – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

20211007_122740

TS. Đặng Xuân Hoan phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo khoa học được tổ chức là một nội dung trong nhiệm vụ nghiên cứu mà Học viện Hành chính Quốc gia được Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao tại Quyết định số 419/QĐ-BNV ngày 24/3/2021 thuộc Chương trình trọng điểm cấp  Bộ “Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”.

Nhằm làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn về phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương, trên cơ sở đó đề xuất quan điểm, phương hướng, giải pháp hoàn đổi mới phân cấp, phân quyền đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, TS. Đặng Xuân Hoan đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên thảo luận tập trung vào các nội dung:

  1. Nhận diện các vấn đề về phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương; các yêu cầu về quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả đối với phân cấp, phân quyền trong giai đoạn hiện nay.
  2. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về thực hiện phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương và các bài học có giá trị tham khảo đối với Việt Nam.
  3. Thực trạng về phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương theo ngành, lĩnh vực, theo lãnh thổ ở Việt Nam (thể chế, kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc).
  4. Các đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở.

Trong phiên thứ nhất “Các vấn đề chung về phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương”, Hội thảo đã nhận được 07 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự.

TS. Hoàng Ngân

TS. Hoàng Thị Ngân phát biểu tại Hội thảo.

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ nêu các vấn đề về “Phân cấp – ủy quyền”, trong đó phân biệt giữa phân cấp và phân quyền, phân cấp và ủy quyền; đồng thời đưa ra một số kiến nghị tiếp tục làm rõ tính chất của phân quyền và bản chất của hành vi tương đồng là giao quyền, việc tiến hành quan hệ ủy quyền, thông tin giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền…

IMG_8014

PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện chia sẻ nội dung “Mở rộng cách tiếp cận phân cấp, phân quyền” trong đó xác định các vấn đề về: Phân định giữa công việc nhà nước và xã hội; Phân định công việc quản lý/ quản trị giữa nhà nước với doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức xã hội; đồng thời khẳng định Phân cấp, phân quyền là trách nhiệm của chính quyền trung ương nhằm tạo lập thể chế phục vụ sự vận động, phát triển của xã hội.

IMG_8021

TS. Nguyễn Đăng Quế phát biểu tại Hội thảo.

Với chủ đề “Một số vấn đề đặt ra trong phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương trong điều kiện hiện nay”, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện đã nêu các vấn đề khái quát về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; đồng thời chỉ ra 05 vấn đề đặt ra trong phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam và 05 khuyến nghị nhằm hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong thời gian tới.

IMG_8030

TS. Tạ Ngọc Hải phát biểu tại Hội thảo.

TS. Tạ Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước tham gia ý kiến dưới góc độ tiếp cận khái niệm quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả, từ đó đặt ra các yêu cầu về phân cấp, phân quyền hiệu quả, trong đó nhấn mạnh vào yếu tố nhân lực (nhân tài) – yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện phân cấp, phân quyền.

TS. Thân Thị Ngọc Phúc, Phân viện Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. TS. Thân Thị Ngọc Phúc đã khái quát những vấn đề về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương – địa phương trong mối liên hệ với đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả; đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phân cấp, phân quyền với đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả và những kiến nghị, đề xuất để việc phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương được hợp lý và đảm bảo được các tiêu chí về tính pháp quyền, tính minh bạch, công bằng, sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách, hiệu lực, hiệu quả.

TS. Phạm Ngọc Huyền, giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính đặt vấn đề “Phân cấp, phân quyền trong bối cảnh chuyển đổi số” và chỉ ra mối quan hệ giữa phân cấp, phân quyền với chuyển đổi số; những yêu cầu về phân cấp, phân quyền trong bối cảnh triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc Phân viện Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra các chướng ngại trong quá trình phân cấp, phân quyền ở Việt Nam và một số ví dụ trong so sánh tương quan với một số quốc gia trên thế giới.

IMG_7999

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại Hội thảo.

Trong phiên thứ hai “Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về thực hiện phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương và các bài học có giá trị tham khảo đối với Việt Nam”, thay mặt nhóm nghiên cứu gồm GT.TS. Đinh Văn Mậu, nguyên Phó Giám đốc Học viện và GS.TS. Viện sỹ Turtrinov A.I, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện trình bày vấn đề về “Phân quyền và thống nhất quản lý trong tổ chức nhà nước Liên bang Nga”. Trong đó đưa ra các khái niệm về “nhà nước ít hơn”, “chủ quyền mở” đồng thời giới thiệu những bậc thang trong hệ thống quản lý nhà nước của Liên bang Nga với hệ thống quyền lực nhà nước được tổ chức theo hệ thống tam quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Phiên thứ ba, Hội thảo thảo luận các vấn đề liên quan đến Thực trạng và giải pháp pháp nhằm đổi mới phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương và các vấn đề về phân cấp, phân quyền Trung ương – Địa phương theo ngành, lĩnh vực, theo lãnh thổ ở Việt Nam.

IMG_8037

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở chia sẻ các vấn đề liên quan đến “Hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam hiện nay”: Khái quát về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; Một số kết quả đạt được và hạn chế khi thực hiện thể chế phân cấp, phân quyền hiện nay; Các giải pháp hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền tại Việt Nam.

IMG_8041

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh phát biểu tại Hội thảo.

Với chủ đề “Hoàn thiện quy đinh pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở chỉ ra các vấn đề về: Quan niệm phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; Thực trạng quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở Việt Nam; Đánh giá chung về thể chế phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam; Giải pháp hoàn thiện thể chế phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam.

IMG_8050

PGS.TS. Hoàng Mai phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo Sau đại học với vấn đề “Tăng cường phân cấp giữa Trung ương – Địa phương trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam” đã đánh giá thực trạng phân cấp trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức đồng thời chia sẻ một số giải pháp đẩy mạnh phân cấp Trung ương – Địa phương trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

IMG_8055

TS. Lê Toàn Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ về “Thực trạng và giải pháp phân cấp quản lý đầu tư công”, TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công cho rằng phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước là xu thế tất yếu trong quản trị nhà nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Thể chế phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước ở Việt Nam được Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 và các luật tổ chức bộ máy của Nhà nước Việt Nam quy định phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội, năng lực của các cấp chính quyền Trung ương, đại phương và yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. TS. Lê Toàn Thắng đánh giá khái quát thực trạng và đề xuất những giải pháp cơ bản hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết

PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết, Nguyên GVCC của Học viện chia sẻ vấn đề “Phân cấp quản lý hành chính nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa trung ương và địa phương – xu hướng thúc đẩy và trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý” đã chỉ ra một số xu hướng phát triển xã hội và cải cách hành chính tác động đến phân cấp quản lý hành chính nhà nước về ngành, lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương; đồng thời nêu quan điểm về trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý trong việc đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính nhà nước về ngành, lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương.

Tham luận tại Hội thảo về chủ đề “Phân cấp quản lý nhà nước về đất đai – Thực trạng và giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiện quả”, TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công chia sẻ thực trạng phân cấp quản lý về đất đai ở Việt Nam (về kết quả, về hạn chế trong phân cấp quản lý) và các hướng đổi mới phân cấp quản lý nhà nước về đất đai.

Trong thời gian hơn 03 giờ làm việc, Hội thảo đã nhận được 14 ý kiến phát biểu trực tiếp của các đại biểu, các nhà khoa học và 26 bài tham luận đóng góp và kỷ yếu Hội thảo. Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan trân trọng cảm ơn những đóng góp, những chia sẻ, những kinh nghiệm quý báu của các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã phát biểu tại Hội thảo. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp thiết thực tại Hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tổng hợp để xây dựng một nội dung đề tài tốt và hay, thiết thực, đóng góp vào Chương trình trọng điểm của Bộ Nội vụ và làm cơ sở tham khảo cho các cơ quan thẩm định chính sách, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cho chính quyền địa phương về vấn đề phân cấp, phân quyền.

Đại biểu

Các đại biểu tham dự Hội thảo bằng hình thức trực tuyến.

Như Ngọc

 

 

Comments are closed.