Hội thảo khoa học: “ Quản lý tài liệu lưu trữ tư ở Việt Nam”

(napa.vn) – Sáng ngày 19/9/2024 tại Học viện Hành chính Quốc gia đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “ Quản lý tài liệu lưu trữ tư ở Việt Nam” do Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng tổ chức. NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa và TS. Trần Thị Loan, Phó Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng đồng chủ trì Hội thảo.

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư, Lưu trữ Việt Nam; ThS. Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I; ThS. Lã Thị Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; TS. Nguyễn Huy Khuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam; ThS. Nguyễn Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư – Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; các giảng viên, sinh viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng.

z5847070961472_60e7d89ab14ab14bd74ac28e937d22ef

NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân nhấn mạnh, cùng với tài liệu lưu trữ hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước, tài liệu lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức không phải là quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… phản ánh một cách chân thực và sinh động lịch sử của một con người, một tổ chức và rộng hơn là lịch sử của một quốc gia, một dân tộc. Về khối lượng tài liệu lưu trữ tư có khối lượng lớn, thành phần đa dạng, phong phú phản ánh đời sống, công việc, các mối quan hệ của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và các tổ chức tư. Về loại hình tài liệu: do sự đa dạng của các đối tượng (tư) và đặc thù trong quá trình hình thành tài liệu nên tài liệu lưu trữ tư có loại hình, chất liệu, kích thước đa dạng, không theo một chuẩn mực hay một quy định thống nhất cụ thể nào. Vì vậy, tài liệu tư nhân có thể là tài liệu giấy, tài liệu nghe nhìn, tài liệu điện tử, tài liệu trên các vật mang tin khác. Về nội dung và giá trị tài liệu: tài liệu lưu trữ tư được hình thành trong quá trình hoạt động của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, các tổ chức tư qua các thời kỳ lịch sử, chế độ chính trị xã hội khác nhau, được thừa nhận là một phần của Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam. Đồng thời, tài liệu lưu trữ tư có giá trị trong nghiên cứu khoa học, lịch sử, văn hoá, chính trị, kinh tế, sở hữu trí tuệ… bằng chứng pháp lý thuyết phục không những liên quan đến cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, các tổ chức tư mà còn là của quốc gia, dân tộc. Đối với quản lý nhà nước về lưu trữ tư các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số các văn bản quy phạm pháp luật về lưu trữ như Luật Lưu trữ năm 2011; Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ năm 2011; Luật Lưu trữ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 2 1.7.2025). Các văn bản này đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc quản lý tài liệu lưu trữ tư. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng như để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thực hiện kế hoạch công tác năm 2024 do Giám đốc Học viện giao, Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quản lý tài liệu lưu trữ tư ở Việt Nam”.

NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân cũng đề nghị tại các nhà khoa học sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung chính sau đây:

Thứ nhất: Những vấn đề lý luận và pháp lý về quản lý tài liệu lưu trữ tư

Thứ hai: Thực trạng quản lý tài liệu lưu trữ tư

Thứ ba: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài liệu lưu trữ tư.

3e188b360930af6ef62190

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng đánh giá cao tính thời sự, giá trị khoa học của chủ đề Hội thảo. Phó Giám đốc Học viện mong muốn các đại biểu dự Hội thảo sẽ tích cực đóng góp ý kiến, tham luận những vấn đề đa chiều từ lý luận và thực tiễn nghiên cứu, thực trạng quản lý, đề xuất các giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, giúp mở ra khả năng tiếp cận, bảo tồn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ tư – nguồn tài liệu quý ngoài khối tài liệu lưu trữ công ở Việt Nam hiện nay.

z5847070965406_f444aad93e4ae079540ef2db7021bd84

ThS. Nguyễn Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư – Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư – Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẳng định rằng, các quy định về tài liệu lưu trữ tư, lưu trữ tư của Luật Lưu trữ năm 2024 đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo vệ, bảo quản và sử dụng, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư để phục vụ lợi ích cá nhân, tổ chức, cộng đồng và lợi ích quốc gia, dân tộc. Các chính sách của Nhà nước thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư. Hơn thế nữa, các quy định về lưu trữ tư tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, hướng tới xây dựng xã hội lưu trữ. Các quy định trong Luật Lưu trữ năm 2024 vừa bảo đảm quyền chủ động, sáng tạo của chủ sở hữu trong hoạt động lưu trữ tài liệu, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng…

z5847070952040_da9a9fab54bb58f2c15fb586c0f17210

ThS. Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phát biểu tại Hội thảo.

ThS. Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nhận định việc quy định lưu trữ tư là bộ phận của Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam thể hiện tính cập nhật và tiến bộ của Luật Lưu trữ năm 2024 và tập trung vào các nội dung: (1) Một số điểm mới của Luật Lưu trữ năm 2024; (2) Các quy định liên quan đến lưu trữ tư và quản lý tài liệu lưu trữ tư; (3) Thực trạng quản lý, sử dụng, giữ gìn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư, vinh danh tài liệu lưu trữ quý, hiếm, tài liệu có giá đặc biệt.

z5845974767182_f74012b5985427a748cfb4101c610d7b-1920x1401

TS. Nguyễn Huy Khuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam  tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Huy Khuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam với tham luận “Tổng quan tài liệu mộc bản kinh sách tại một số chùa” đã nhấn mạn, việc thu thập, lưu trữ bảo quản và khai thác, phát huy giá trị của khối tư liệu ván khắc kinh phật sẽ mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều phương diện, góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp, lưu giữ truyền thống văn hiến và giá trị to lớn của dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay nhiều chùa có ván khắc nhưng chưa được quan tâm bảo quản, dẫn đến nhiều ván khắc đã bị mối, mọt, mục, nứt nẻ chuột gặm làm ảnh hưởng đến tài liệu. Qua thực khảo sát thực tế tại các chùa có ván khắc, chúng tôi cho rằng cần phải tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, biên mục, chỉ mục và số hóa và bảo quản theo tiêu chuẩn lưu trữ để kéo dài tuổi thọ cho loại hình di sản tư liệu đặc biệt này. Còn rất nhiều bộ ván khắc kinh lớn có giá trị đang còn ở các chùa cũng cần các cấp nghiên cứu đánh giá giá trị để có chính sách hỗ trợ bảo quản và khai thác phát huy giá trị. Nếu được đề nghị đưa tài liệu ván kinh, kinh sách Phật giáo này vào danh mục tài liệu lưu trữ. Và có chính sách hỗ trợ thu thập bảo quản, khai thác nghiên cứu. Cần có chính sách lưu tầm bản sao, bản số các bộ kinh sách, tư liệu lại các chùa vào lưu trữ lịch sử và lưu trữ quốc gia để phục vụ bảo quản và nghiên cứu…

e677a1eefdef5bb102fe102

ThS. Lã Thị Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tham luận tại Hội thảo.

ThS. Lã Thị Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho rằng, công tác lưu trữ tư, bản chất là sự phát triển, hoàn thiện của lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ. Xuất phát từ thực tiễn ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, với những thuận lợi, khó khăn trong triển khai công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ tư, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả sưu tầm tài liệu lưu trữ tư, như: (1) Xây dựng và triển khai kế hoạch sưu tầm; (2) Tăng cường, nâng cao chất lượng cán bộ; (3) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân; (4) Chủ động kiến nghị, đề xuất xây dựng các đề án sưu tầm tài liệu; (5) Kiện toàn đội ngũ cán bộ thanh tra về công tác lưu trữ…

Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận có chất lượng, tính chuyên môn cao của các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia, giảng viên trong và ngoài Học viện, qua đó nghiên cứu, làm rõ những vấn đề liên quan đến lưu trữ tư và quản lý tài liệu lưu trữ tư, tiến tới xây dựng những giải pháp khoa học, đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài liệu lưu trữ tư hiện nay.

 3ff0a97428728e2cd76383

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân gửi lời cảm ơn các đại biểu, khách quý các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam, các giảng viên, nghiên cứu viên trong và ngoài Học viện, các bạn đồng nghiệp và các học viên, sinh viên đã luôn dành sự quan tâm cho Hội thảo. Những ý kiến trao đổi, thảo luận tại diễn đàn khoa học hôm nay sẽ là nguồn tư liệu quý báu để Ban tổ chức Hội thảo tiếp thu, chỉnh sửa, cập nhật trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy các học phần liên quan đến tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ tư trong các Chương trình đào tạo ở các bậc, các hệ, ngành Lưu trữ học thuộc Khoa Lưu trữ và Quản trị Văn phòng, Học Viện Hành chính Quốc gia. Ngoài ra còn là nguồn tài liệu tham khảo để giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Lưu trữ 2024 được phù hợp hơn.

 z5845974767201_9240d0c160da8cc75ca76fe6fd53ee0b-1920x1208

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

NAPA Media, Phạm Hải Long.

Comments are closed.