Hội thảo khoa học: “Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam”

(napa.vn) – Sáng ngày 31/10/2023, tại Hà Nội, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học và ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số – Hội Truyền thông số Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

DSC00403

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học và ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số – Hội Truyền thông số Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ; ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và Công vụ, Văn phòng Chính phủ; TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; TS. Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các cán bộ, chuyên viên của Viện Chiến lược Chuyển đổi số; viên chức; lãnh đạo, viên chức, học viên, sinh viên Khoa Hành chính học.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế.

_HKV7108

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải nêu, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng, là điều kiện tiên quyết, yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế – xã hội quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đảng và Nhà nước ta coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới và hiện nay việc chuyển dịch này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Quá trình chuyển đổi số tạo tiền đề cho đổi mới hoạt động quản lý, điểu hành của Chính phủ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như yêu cầu cần phải hoàn thiện về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số, năng lực cùa các công chức hành chính trong việc thiết kế, xây dựng và thực hiện các chính sách công.

Chính vì vậy, việc xác định những giải pháp xây dựng quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả gắn liền với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam là vấn đề cốt lõi, cần sự quan tâm nghiên cứu của các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực tiễn và cộng đồng các nhà khoa học.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

_HKV7118

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng khẳng định, quản trị quốc gia trong thời kỳ chuyển đổi số là chủ đề quan trọng và có rất nhiều điều mới mẻ mà các nhà nghiên cứu hành chính cần quan tâm. Từ thay đổi toàn diện cơ chế, điều này được ví như được bắt đầu “từ nguyên, nhiên liệu mới tới người lái mới trên 1 xa lộ mới”, đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới mà chuyển đổi số Học viện nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung đang tiếp cận và từng bước bắt đầu từ những cuộc Hội thảo như này.

Phó Giám đốc Lại Đức Vượng nhấn mạnh, quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả không còn là vấn đề mới mà vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần tìm ra vai trò của các nhà khoa học về hành chính cần làm gì trong thời gian tới với thực tiễn từ Học viện với những đánh giá, nhận định từ những chuyên gia đầu ngành về chuyển đổi số nhằm xây dựng Hoc viện số thành công tiến tới chính phủ số, “quốc gia số” hiện đại, hiệu quả. Phó Giám đốc mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Hội thảo sẽ có những chia sẻ, những đề xuất, giải pháp thẳng thắn, sát thực và mang tính thực tiễn cao về chuyển đổi số đáp ứng quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, góp phần cho Hội thảo thành công tốt đẹp.

_HKV7123

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện trình bày tham luận.

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Môi trường quốc gia trong chuyển đổi số”, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển cho rằng, hiện nay đang tồn tại nhiều cách tiếp cận khác nhau về quản trị quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển tập trung làm rõ chủ thể “quản trị quốc gia” được biểu hiện như thế nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó xác định chủ nhân thực sự của tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.

Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, khi tiếp cận nội dung chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, thiết nghĩ cũng nên xác định chủ thể cho rõ, để qua đó thấy được, vậy ở đâu, những thiết chế nào chịu tác động khi tiến hành chuyển đổi số và đóng vai trò chủ thể trong tiến trình đó. Nói cách khác đề cập tới quốc gia, nghĩa là chỉ ra trong đó những thiết chế (trong quốc gia) tham gia thực hiện tiến trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số là nội dung mang tính thay đổi phương thức, từ sự tác động (hay ứng dụng) công nghệ tới các thiết chế quản lý, các cá thể trong tổ chức và các hoạt động của xã hội. Theo biện chứng của sự phát triển, bên trong các thiết chế quản lý phải coi chuyển đổi số là sứ mệnh tự thay đổi để phát triển và thích ứng. Nghĩa là, quản trị hoạt động phải làm sao đưa được công cụ hiện đại nhất để thực hiện mọi hoạt động quản lý.

Bên cạnh đó, quản trị quốc gia khi xác định là một thuật ngữ có tính hệ thống, thì tiếp cận nó thiết nghĩ cũng cần có nguyên tắc định hướng. Theo quan điểm của GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, có một số nguyên tắc cần nhận thức và quán triệt, cụ thể: (1) Nguyên tắc dân chủ: nguyên tắc dân chủ là sự tiếp cận nền tảng, vai trò thể chế đối với mỗi thiết chế trong hệ thống; (2) Nguyên tắc đồng thuận: đó là nhấn mạnh sự đồng thuận nhận thức của các chủ thể trong hệ thống quản trị quốc gia; (3) Nguyên tắc không mâu thuẫn: giữa khác biệt và đồng thuận. Khác biệt là thuộc tính (chức năng, vai trò xã hội); đồng thuận là mục đích, mục tiêu chung là phát triển xã hội trong hệ thống.

Từ những khái niệm và nguyên tắc đã nêu, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đưa nêu ra sứ mệnh đặc biệt của Nhà nước trong quản trị quốc gia: (1) Nhà nước là chủ thể quyền lực sớm nhất, mang tính biểu tượng của quản trị đất nước như các thực thể có chủ quyền; (2) Nhà nước là thực thể quyền lực trong môi trường quản trị có chức năng bằng những định chế pháp lý tổng quát, dẫn dắt xã hội trong sự thống nhất cho mọi cá nhân và tổ chức. Đó là việc Nhà nước đặt ra luật lệ với các loại, các thứ bậc điều chỉnh khác nhau có tính hệ thống chặt chẽ; (3) Chỉ có Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền mới nhân danh chủ thể quốc gia trong nội trị và quan hệ quốc tế. Đó là do tính chất duy nhất đại diện của dân cư của một quốc gia mang lại; (4) Nhà nước là thực thể công quyền bảo đảm môi trường xã hội pháp lý, quyền lực cho sự ra đời và hoạt động của các chủ thể trong hệ thống quyền lực xã hội.

_HKV7129Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số – Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số – Hội Truyền thông số Việt Nam trình bày 4 nội dung: (1) chuyển đổi mô hình tổ chức nhà nước theo định hướng nền tảng; (2) cải cách hành chính thông qua kiến trúc dữ liệu nền tảng; (3) khung khổ ra quyết định dựa trên dữ liệu; (4) kiến tạo mô hình quản trị quốc gia định hướng chính phủ số.

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Chính phủ số là nền tảng. Một là, hiện nay, chúng ta đang dùng tư duy truyền thống là tư duy về thế giới như khối khớp nối với nhau theo những hệ thống thứ bậc và tương tác với nhau theo phép cộng; trong khi thế gới mới của kỷ nguyên số đòi hỏi chúng ta phải dùng một tư duy mới là tư duy về thế giới như là những nguyên tử ngày càng được phân giải nhỏ kết nối với nhau theo những mạng lưới ngang hàng và tương tác với nhau theo một phép phức hợp. Hai là, dùng những khái niệm cũ để kiến giải khái niệm mới. Kỷ nguyên số đã và đang đòi hỏi chúng ta phải tái định nghĩa những khái niệm trước đây chúng ta vốn quen dùng theo những nghĩa hẹp (do giới hạn nhận thức) nay đã được mở rộng và thay đổi nội hàm (do những phát kiến mới và tác động của cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và thay đổi căn bản nền tảng tổ chức và vận hành xã hội). Ba là, dùng những cách thức vận hành xã hội truyền thống để tư duy và thiết kế cách thức vận hành cho một xã hội mới. Trong xã hội truyền thống, mối quan hệ giữa người và máy móc là một mối quan hệ cộng sinh, con người nhờ máy móc mà vận hành xã hội hiệu quả hơn, máy móc nhờ con người mà phát huy được giá trị của mình. Trong xã hội mới, mối quan hệ giữa người và máy móc hợp lại thành một thể thống nhất trong một môi trường mới – môi trường số.

Nền hành chính nhà nước bao gồm ba bộ phận cấu thành: (1) Tổ chức hệ thống hành chính với vai trò định hình chức năng, tức là nền hành chính phải bảo đảm đủ các bộ phận, cấu trúc để thực hiện các chức năng hành chính không thừa, không thiếu, có như vậy mới tạo thành một chỉnh thể, toàn thể; (2) Bộ máy hành chính có vai trò định hình cấu trúc tức là các đơn vị cấu thành bộ máy này phải tương thuộc với nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau và bảo đảm rằng mỗi sự thay đổi trong bộ máy hành chính cũng đều phải đi cùng với những sự thay đổi đồng bộ ở các đơn vị tương thuộc để bảo đảm tính hệ thống – đồng bộ – cộng hưởng của toàn bộ hệ thống như một chỉnh thể, toàn thể; (3) Hệ thống thủ tục hành chính đóng vai trò tiến trình. Nghĩa là, hệ thống thủ tục hành chính phải luôn bảo đảm tính liên thông cho phép các chu trình thủ tục hành chính có được sự thống nhất hạn chế sự thay đổi tối đa, bảo đảm các quy trình được quy định với sự ổn định cao và sự phối hợp giữa các khâu đoạn trong cùng một quy trình, giữa các quy trình và trong tổng thể các quy trình được thực hiện một cách trật tự, không thừa, không lặp, không thiếu trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Điều đó cho phép tạo ra một sự cân bằng động trong hệ thống.

Về kiến tạo mô hình quản trị quốc gia định hướng chính phủ số, ông Giang cho biết, chính phủ số được hình thành cũng đồng thời dẫn đến sự thay đổi căn bản kiến trúc của chính phủ, hình thành nên những “luật chơi” mới” đòi hỏi phải có sự thay đổi tư duy từ tư duy truyền thống (analog thinking) sang tư duy số (digital thinking). “Người chơi mới” cũng sẽ được thiết lập giữa trên sự tương quan giữa các chủ thể trong các tiến trình thủ tục hành chính, đóng vai trò như những “nguồn quyền lực” và “ảnh hưởng” trong các tiến trình thủ tục. “Cách chơi mới” cũng được hình thành dựa trên nguyên lý hiệu quả đến từ sự chia sẻ (sharing) và hợp trội nhờ phép phức hợp (complex). Tuy nhiên, trong chính phủ số, việc liên thông, kết nối phải trở thành một cơ chế tự động, cho phép các hệ thống, các bộ phận có thể liên tục tối ưu hóa và tự động hóa được nhờ việc tìm kiếm các phép kết nối và phức hợp một cách hiệu quả nhất. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính phủ sẽ chuyển từ hoàn thành nhiệm vụ theo phân công, quy trình sang hoàn thành nhiệm vụ với tối thiểu quy trình thực thi và linh hoạt hình thành các quy trình giải pháp mới.

_HKV7137

TS. Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Tạ Ngọc Hải chia sẻ vấn đề “Chuyển đổi năng lực của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng đòi hỏi mới đặt ra từ tiến trình chuyển đổi số”.

Để quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả cần thực hiện chuyển đổi số, theo đó năng lực cán bộ, công chức, viên chức cần được nhìn nhận lại, bổ sung mới. Chuyển đổi năng lực của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng đòi hỏi mới đặt ra từ tiến trình chuyển đổi số: các yếu tố về kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc của mỗi người có được từ quá trình đào tạo, bồi dưỡng, thực tế công tác để đưa vào áp dụng, sử dụng trong giải quyết công việc, nhiệm vụ theo chức trách được giao với hiệu suất tối ưu nhất và tốn ít thời gian, chi phí vật chất; phẩm chất, năng lực mới của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng đòi hỏi đặt ra từ tiến trình chuyển đổi số: chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó yêu cầu cần có đạo đức số, lối sống số, tác phong, lề lối, ý thức làm việc trong môi trường số.

Cùng với việc làm mới những phẩm chất đã có, theo TS. Tạ Ngọc Hải, cần bổ sung thêm năng lực mới đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể là: Năng lực số (Digital Ability) được hiểu là tập hợp các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ cho phép cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ và hệ thống thông tin trên Internet một cách tự tin, sáng tạo và có phê phán để thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Nội hàm của năng lực số bao gồm: kiến thức về chuyển đổi số; kỹ năng, kinh nghiệm sử dụng các thiết bị trong môi trường số; sáng tạo và có phê phán trong môi trường số.

TS. Tạ Ngọc Hải đề xuất một số biện pháp làm mới, bổ sung phẩm chất, năng lực mới của cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng đòi hỏi đặt ra từ tiến trình chuyển đổi số, bao gồm: sửa đổi, bổ sung các quy định; đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức, năng lực số của cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức, viên chức tự học tập để nâng cao nhận thức, ý thức, năng lực số; tổ chức các lớp bồi dưỡng để nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

_HKV7150

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và Công vụ, Văn phòng Chính phủ tham luận.

Với chủ đề “Cơ hội và thách thức của quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam”, TS. Hoàng Thị Ngân cho biết, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian vừa qua đã được đặt nền móng bằng sự thay đổi về nhận thức, định hướng chính sách và cơ sở pháp lý ban đầu. Quá trình này tạo tiền đề cho đổi mới hoạt động quản lý, điểu hành của Chính phủ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Con đường chuyển đổi số ở Việt Nam đã được đặt nền móng bằng sự thay đổi nhận thức, bằng định hướng chính sách và cơ sở pháp lý ban đầu. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Kết quả ban đầu của chuyển đổi số thúc đẩy cải thiện cung cấp dịch vụ công và tính công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ. Nhận thức số đã tạo ra sự chuyển đổi của cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia vào tiến trình chuyển đổi số về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số và ý thức được tiềm năng của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy nỗ lực cải cách hành chính, đổi mới phương thức vận hành, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Những thay đổi này tạo cơ hội cho quản trị quốc gia hiệu quả với các tiêu chí về khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân, sự bình đẳng, kịp thời và minh bạch; đồng thời tạo ra những thách thức về: yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong quá trình phát triển Chính phủ số; nguồn nhân lực quản trị quốc gia trong tiến trình chuyển đổi số. Một trong những chuẩn mực của quản trị quốc gia hiệu quả là tính trách nhiệm của Nhà nước và khả năng cải thiện chất lượng sống của người dân và xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu về năng lực, tính chuyên nghiệp và khả năng thích ứng của bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy hành chính nhà nước nói riêng trong quá trình chuyển đổi số.

_HKV7171

TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ vấn đề: “Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay”.

Khẳng định, truyền thông chính trị có vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, TS. Trần Quang Diệu làm rõ bối cảnh, cơ hội, thách thức và những gợi mở về giải pháp để thực hiện hiệu quả truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.

Chuyển đổi số quốc gia đã và đang làm thay đổi thế giới. Một trong những lĩnh vực có sự thay đổi mạnh mẽ là truyền thông, trong đó có truyền thông chính trị. Truyền thông chính trị là một quá trình để các giai cấp, đảng phái, nhà nước cung cấp thông tin, giải thích, thuyết phục người dân ủng hộ, tán thành và làm theo tư tưởng, các hoạt động của giai cấp, đảng phái, nhà nước trong những giai đoạn lịch sử cụ thể. Quá trình này làm cho người dân ủng hộ, tán thành chủ trương, đường lối, tư tưởng và hoạt động chính trị. Chính vì có sự ủng hộ, đồng thuận của người dân mà các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống và được người dân làm theo.

Truyền thông chính trị là phương thức hiệu quả để nhà nước tiếp cận với người dân và ngược lại. Trong bối cảnh chuyển đổi số, truyền thông chính trị đang từng bước chịu sự chi phối và thay đổi với các đặc điểm: thứ nhất, truyền thông chính trị là một quá trình. Thực tế cho thấy, quá trình truyền thông chính trị bao gồm các bước: chủ thể truyền thông (chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, nhà lãnh đạo) cung cấp thông tin cho các thiết chế truyền thông chuyển tải thông tin thành các thông điệp và chuyển tải đến người dân. Đồng thời, người dân cũng tác động ngược trở lại quá trình truyền thông của các thiết chế truyền thông và chủ thể truyền thông; thứ hai, trong chuyển đổi số, các chủ thể tham gia vào hoạt động truyền thông chính trị cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Cả ba chủ thể, từ chủ thể truyền thông, các thiết chế truyền thông và người dân đều bị ảnh hưởng; thứ ba, quá trình trao đổi, hiểu và tiếp cận thông tin của các chủ thể tham gia vào quá trình truyền thông chính trị. Việc tiếp cận thông điệp truyền thông của chủ thể truyền thông và người dân cũng như cách hiểu thông điệp truyền thông cũng có sự khác biệt do địa vị và vai trò của nhà lãnh đạo và người dân là khác nhau trong hệ thống chính trị; thứ tư, về cơ bản, truyền thông chính trị được sử dụng bởi Đảng và Nhà nước trong quá trình phân tích, hoạch định và thi hành chủ trương, chính sách, đặc biệt là khối chính phủ; thứ năm, truyền thông chính trị là phương thức hiệu quả góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thứ sáu, khi Đảng và Nhà nước hiện diện trên không gian số, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước hướng đến việc xây dựng quốc gia số với các trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, truyền thông chính trị càng đóng vai trò quan trọng.

_HKV7186

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ tham luận.

Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Nội vụ trình bày kết quả triển khai chương trình, nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Nội vụ trong thời gian qua và đề xuẩ các giải pháp triển khai trong thời gian tới đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Ông Lê Thanh Tùng nêu, chuyển đổi số quốc gia được thực hiện trên 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo ông, cần phát triển chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cần cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành CPS vào năm 2025.

Bên cạnh những chương trình, nhiệm vụ được nêu trong tham luận, ông Lê Thanh Tùng đã đưa ra 6 giải pháp chuyển đổi số để bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới: (1) Thay đổi nhận thức của người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành; (2) Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và chính quyền bốn cấp để triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số; kiện toàn tổ chức, bộ máy, thiết lập mạng lưới đơn vị chuyên trách và nhân sự hỗ trợ triển khai từ Trung ương đến địa phương với nòng cốt gồm các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (3) Phát triển hạ tầng số, phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã. Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp; (4) Phát triển nền tảng số; phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm không trùng lặp, cập nhật, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia theo yêu cầu và thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; (5) Triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình bốn lớp theo chiều sâu với việc kiện toàn lực lượng tại chỗ; thuê lực lượng giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; (6) Đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng dựa trên các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở để bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết về chuyển đổi số. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo; kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.

10-3

TS. Nguyễn Ánh Hè, Trưởng khoa, Khoa Khoa học hành chính và tổ chức nhân sự, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh tham luận.

Với tham luận “Quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số ở Việt Nam – cơ hội, thách thức và một số giải pháp”, TS. Nguyễn Ánh Hè, Trưởng khoa, Khoa Khoa học hành chính và tổ chức nhân sự, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế số Việt Nam đang có sự phát triển khá nhanh, mang lại những đóng góp quan trọng cho kinh tế của đất nước. Theo một nghiên cứu, Việt Nam hiện đứng thứ 22/60 về tốc độ số hóa và thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới (2020). Phát triển kinh tế số được xem là sự dịch chuyển thông minh và tạo ra động lực tăng trưởng mới của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức, rào cản không nhỏ; theo đó cần có những giải pháp về quản lý nhà nước để tạo ra dư địa cho tăng trưởng kinh tế và tận dụng được những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Ánh Hè đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam, bao gồm: thứ nhất, tạo sự thay đổi và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng về chuyển đổi số để tạo được sự chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số trong xã hội; thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế khung khổ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi và động lực đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; thứ ba, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số một cách đồng bộ, rộng khắp đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng; thứ tư, phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, phát triển các nền tảng số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế; thứ sáu, đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao.

_HKV7161

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ phát biểu.

_HKV7164

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu.

Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến trao đổi, phản biện từ các nhà lãnh đạo, quản lý hành chính, quản lý nhà nước về các nội dung đã nêu tại Hội thảo bên cạnh 37 tham luận in kỷ yếu. Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia về chuyển đổi số, quản trị đã có tham luận, ý kiên tại Hội thảo. Các ý kiến tập trung làm rõ khái niệm quản trị quốc gia, nêu lên quản trị quốc gia không phủ nhận và không đối lập hoàn toàn với quản lý nhà nước mà nó phát triển trên tổng thể nền tảng quản lý nhà nước, duy trì những hoạt động mà quản lý nhà nước vẫn đang làm từ trước đến nay. Quản trị quốc gia tập trung nhấn mạnh vào đa dạng hóa các chủ thể để phát huy được các nguồn lực quốc gia một cách toàn diện, hiệu quả nhất.

Trong tiến trình quản trị quốc gia, vai trò của chuyển đổi số và sự chuyển đổi thành công của chuyển đổi số ở Việt Nam có ý nghĩa rất lớn với quản trị quốc gia vì chuyển đổi số đã thay đổi phương thức hoạt động của nền quản trị quốc gia từ ban hành thể chế, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản trị, tăng cường tính minh bạch, dự tham gia của người dân trong mọi hoạt động của Nhà nước. Từ những tham luận, ý kiến tâm huyết, có giá trị cao tại Hội thảo và kỷ yếu, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp và tiếp thu và phát triển đầy đủ, hiệu quả, góp phần tham vấn, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam, đồng thời, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Hành chính học nói riêng và Học viện Hành chính Quốc gia nói chung.

Kết thúc chương trình Hội thảo, đại diện Viện Chiến lược Chuyển đổi số ông Lê Nguyễn Trường Giang đã tặng cuốn sách “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia” tới các đại biểu tham dự Hội thảo.

_HKV7195Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số tặng sách các đại biểu tham dự Hội thảo.

_HKV7204

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Như Ngọc

Comments are closed.