(napa.vn) – Chiều ngày 29/7/2024, tại Hà Nội, Học viện Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Giám đốc Học viện và PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện đồng chủ trì Hội thảo.
Đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
Dự Hội thảo, có các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương: PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS. Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế; TS. Đặng Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Trần Thanh Bình, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; GS.TS. Phạm Hồng Thái, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ; ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang.
NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện giới thiệu đại biểu.
Về phía Bộ Nội vụ, có: TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đồng chí Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước.
Các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ có: TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Học viện; TS. Vũ Thanh Xuân, nguyên Phó Giám đốc Học viện; TS. Hà Quang Ngọc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Ngoài các quý vị đại biểu tham dự trực tiếp, Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự trực tuyến: GS.TS. Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ; TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia. Và tại đầu cầu trực tuyến của các đại biểu đến từ các Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, Hải Phòng và các Phân hiệu của Học viện…
Tham dự Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, khách mời trong và ngoài Học viện.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện khẳng định nhân tài là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Do đó, việc phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa khu vực công và khu vực tư, việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo mong được nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung về lĩnh vực thu hút và trọng dụng nhân tài, như: (1) Quan điểm của Đảng, Nhà nước và các vấn đề lý luận về thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công; (2) Thực tiễn thu hút và trọng dụng nhân tài tại các bộ ngành, địa phương ở Việt Nam hiện nay; (3) Kinh nghiệm thu hút, trọng dụng nhân tài trong lịch sử Việt Nam và quốc tế; (4) Đề xuất giải pháp để thu hút và trọng dụng nhân tài khu vực công ở Việt Nam.
PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực khẳng định, thút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công luôn là chủ đề được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Hội thảo “Thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công” được tổ chức với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng và khuyến nghị hàm ý chính sách cùng các giải pháp nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, mong các nhà khoa học, các vị đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, gợi mở những giải pháp khoa học, hàm ý chính sách để tăng cường hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
TS. Vũ Thanh Xuân, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Vũ Thanh Xuân, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ các nội dung liên quan đến: nhận diện khu vực công và nhân tài trong khu vực công; sự cần thiết phải thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công; một số giải pháp để thu hút, trọng dụng nhân tài.
Theo TS. Vũ Thanh Xuân, đề cập đến vấn đề nhân tài không chỉ đề cập đến vấn đề quan trọng, nhiệm vụ quan trọng của khu vực công, mà nói đến nhân tài là nói đến truyền thống quý báu của dân tộc, được khẳng định, được tôn vinh và được phát triển. TS. Vũ Thanh Xuân đề xuất năm giải pháp nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công: (1) đổi mới tư duy về nhân tài; (2) xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhân tài; (3) xây dựng chính sách vượt trội về nhân tài; (4) tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp đủ sức hấp dẫn nhân tài; (5) khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm với đất nước của mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước mà trước hết là nhân tài.
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tham luận.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tham luận “Thực trạng và giải pháp thu hút nhân tài trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay”. TS. Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, nhân tài là nguồn lực đặc biệt, là nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự phát triển của đất nước. Lịch sử của dân tộc ta trải qua các thời đại đều biết bồi dưỡng, tìm kiếm, phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài. Hồ Chí Minh là biểu hiện mẫu mực trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài ở nước ta. Từ khi thành lập đến nay Đảng ta luôn chủ trương thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tài năng ở các lĩnh vực cấp chiến lược. Nhà nước nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu sự phát triển của đất nước trong tình hình mới đòi hỏi Nhà nước ta trong thời gian tới phải hoàn thiện cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn và các giải pháp khác để nâng cao hiệu quả trong thu hút và sử dụng nhân tài.
Theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, tình hình thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay còn một số tồn tại, như: số lượng được thu hút chưa nhiều; số lượng ở lại làm việc trong khu vực công còn thấp; số người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập xin nghỉ việc ra làm việc khu vực tư nhiều; đối tượng sinh viên giỏi, xuất sắc có sản phẩm nổi bật sau khi thu hút còn ít; nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng còn mang tính truyền thống, chưa hiện đại; lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học quản trị, quản lý ít được quan tâm… Nguyên nhân của những tồn tại này có thể kể đến như: việc nhận diện nhân tài để có biện pháp thu hút, trọng dụng chưa được làm tốt; các chính sách, biện pháp không đồng bộ; việc thu hút, trọng dụng người tài năng chưa được coi trọng – tức là cần coi trọng, quan tâm công tác sự dụng, trọng dụng; môi trường làm việc còn hạn chế; gây áp lực; không tạo điều kiện sáng tạo… cho nhân tài; nhận thức của những người có tài năng còn chưa đúng; chưa có sự gắn bó, cống hiến cho cơ quan, tập thể.
TS. Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất một số giải pháp, bao gồm: cần có sự thống nhất cao về nhận diện người có tài năng để thu hút, trọng dụng người có tài năng trong khu vực công; có chiến lược và thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong thu hút và trọng dụng người tài.
GS.TS. Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương trình bày tham luận.
Theo GS.TS. Lê Minh Thông, cần thay đổi tư duy, xây dựng đội ngũ thực sự tinh hoa, thực sự chuyên nghiệp, thực sự trung thành, thực sự giỏi năng lực chuyên môn, đủ năng lực giải quyết các vấn đề đặt ra. GS.TS. Lê Minh Thông đề xuất 05 giải pháp:
Thứ nhất, nâng uy tín của khu vực công trong mắt xã hội, khôi phục lại uy tín; tạo tâm lý làm việc trong khu vực công là một vinh dự; tạo nhận thức làm việc trong khu vực công là vinh dự. Nâng cao uy tín để đánh bại sức hấp dẫn của khu vực tư, khu vực nước ngoài. Muốn thế, phải cải cách mạnh mẽ hơn từ cải cách hành chính sang quản trị quốc gia.
Thứ hai, giải phóng chỗ làm việc, kiên quyết phải tinh giản biên chế, quyết liệt thanh lọc những người không có năng lực. Vấn đề cần có chính sách tạo kế sinh nhai cho những người không còn phù hợp trong hoạt động công vụ.
Thứ ba, phải thay đổi thủ tục hành chính. Tiếp tục cải cách để giản đơn hóa thủ tục tiếp nhận người tài. Quy trình tiếp nhận công chức đơn giản hơn. Quy trình vào không cần quá chặt chẽ. Hằng ngày, hằng tháng, hằng năm có sát hạch. Không có khái niệm công chức suốt đời. Phải đánh giá cách đánh giá công chức, đánh giá theo sản phẩm.
Thứ tư, phải tạo quy trình liên thông giữa công và tư. Thủ tục đơn giản, khu vực công có thể thu hút được nhân lực từ khu vực tư. Muốn như thế, làm cho đội ngũ công chức hành chính luôn thay đổi. Không tổ chức theo phòng, ban mà tổ chức theo teamwork, làm việc theo dự án. Làm linh hoạt hóa môi trường hành chính.
Thứ năm, giải pháp về thu nhập. Công chức phải là trung lưu, đạt mức sống đủ điều kiện sống xứng đáng.
PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận.
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp để thu hút và trọng dụng nhân tài với nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế trong cơ chế chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng; người lãnh đạo, cơ quan, tổ chức chưa tích cực trong công tác này; có rào cản về tâm lý, nhận thức; cạnh tranh của cơ chế thị trường, khu vực tư; sự hấp dẫn của các cơ quan, khu vực công đã có phần giảm sút.
Để khắc phục những hạn chế trên, việc thu hút và trọng dụng nhân tài cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, của ngành nội vụ, ngành đào tạo. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia cần có trách nhiệm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho những người tài của khu vực công, cần đổi mới nội dung chương trình giáo trình; cần bồi đắp, nâng cao hơn nữa năng lực, kỹ năng của những người học để họ tài hơn, đóng góp nhiều hơn cho công vụ; cần phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước để tiến cử, giới thiệu các học viên có năng lực, có khả năng đóng góp cho đất nước. Đặc biệt, cần đề cao vai trò của đào tạo đại học. Phát hiện nhân tài từ đại học, từ đại học để phát hiện, sử dụng, trọng dụng nhân tài với nhiều hình thức như bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý; sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng người tài ở vị trí chuyên gia, các nhà khoa học…
Đồng chí Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ tham luận.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ cho rằng cần phải khoanh vùng lại nhân tài. Có khoanh vùng lại thì mới làm rõ được đãi ngộ. Nhân tài cần có gì để chứng minh. Sản phẩm người là nhân tài phải khác sản phẩm của người có tiềm năng. Đồng chí Nguyễn Tư Long cũng đặt ra vấn đề trọng người trong Đảng, ngoài Đảng, ví dụ, hiện nay, việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng có yêu cầu phải có bằng Trung cấp lý luận chính trị.
GS.TS. Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ phát biểu.
Tham luận: “Ba đột phá để thu hút nhân tài từ kinh nghiệm quốc tế” do GS.TS. Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Indiana, Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ trình bày. Theo GS.TS. Trần Ngọc Anh cần phải thực hiện đột phá 3 điều kiện, như: thu nhập, giải trình, pháp lý thì mới thu hút được nhân tài. Ba điều kiện trên cũng đồng thời là 3 thách thức lớn để Nhà nước cần phải tìm và xây dựng, thiết kế các giải pháp để thu hút người tài.
PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu.
Tham luận “Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam” do PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày. Trên cơ sở phân tích chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao tại 3 nước: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, PGS. TS. Hoàng Văn Nghĩa rút ra các giải pháp về thu hút, trọng dụng nhân tài cho Việt Nam, như: (1) Thay đổi tư duy về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ công chức và nguồn nhân lực khu vực công; (2) Sửa đổi và ban hành luật, chính sách, các quy định mới về đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ…; (3) Cải cách hệ thống đánh giá thứ bậc và hạng chú trọng dựa trên thành tích và tài năng; (4) Xây dựng nền đạo đức công chức chuẩn mực quốc tế, bản sắc quốc gia, hiện đại, hội nhập và phát triển, cạnh tranh với khu vực khác (khu vực tư, quốc tế,…); (5) Chế độ tuyển dụng khách quan, độc lập, công bằng, thống nhất; (6) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đạo đức công vụ;…
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế phát biểu.
TS. Đặng Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu.
TS. Trần Thanh Bình, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương phát biểu.
GS.TS. Phạm Hồng Thái, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu.
Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về thu hút và trọng dụng nhân tài vào khu vực công. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung, như: (1) Muốn thu hút nhân tài cần phải cải thiện môi trường làm việc, tránh gò bó, ràng buộc kiểu hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tài thăng hoa, sáng tạo; (2) Tiêu chí nhân tài không nhất thiết phải đủ hết các tiêu chuẩn vì sẽ bỏ lỡ mất đội ngũ nhân tài khu vực tư; (3) Xây dựng tiêu chí người tài ở mỗi cấp (trung ương, địa phương) sẽ khác nhau; đồng thời, căn cứ vào lĩnh vực đặc thù của mỗi ngành, nghề, lĩnh vực để xây dựng tiêu chí về thu hút và trọng dụng nhân tài; (4) Cần thiết phải ban hành Luật nhân tài; (5) Thu hút nhân tài không chỉ dựa vào bằng cấp (xuất sắc, giỏi, TS, PGS, GS) để tuyển dụng mà cần căn cứ vào năng lực (tính bằng sản phẩm, hiệu quả công việc) để xác định người có tài năng.
Bên cạnh các ý kiến tham luận về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở trong nước, Hội thảo còn được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học về kinh nghiệm thu hút, trọng dụng nhân tài ở một số quốc gia trên thế giới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện chân thành cảm ơn 44 tác giả gửi bài tham luận và 03 bài tham luận gửi sau cùng 11 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu.
Hội thảo về Thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công đã đạt được các mục tiêu. Thứ nhất, là tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài. Thứ hai giúp Học viện nghiên cứu, giảng dạy tốt hơn. Chặng đường tới, Học viện có nhiệm vụ làm sao thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính sách, tháo gỡ các vấn đề thực tiễn. Thứ ba, cung cấp một phần luận cứ khoa học cho việc tham mưu chính sách, việc tham vấn chính sách cần cụ thể hơn nữa. Hội thảo cần nhận diện rõ hơn về nhân tài, phân biệt nhân tài với người có tài năng, người có tiềm năng. Văn kiện Đại hội XIII xác định đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, trong đó nhân lực chất lượng cao. Thu hút và trọng dụng nhân tài là một phần của nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề nhân tài đặt ra phổ quát quá gây áp lực cho người được thu hút. Dự thảo Nghị định đang là thu hút người có năng lực. Hiện nay có nhiều rào cản thu hút như rào cản về thể chế, thu nhập, môi trường… Từ những rào cản đó, ở góc độ nào đó, việc xây dựng nghị định khó giải quyết được các rào cản. Vì vậy, cần đặt vấn đề xây dựng văn bản cao hơn nghị định về thu hút, trọng dụng nhân tài. Quyết định của Thủ tướng đặt ra yêu cầu giải pháp mạnh, đột phá trong đó cần phải mạnh về pháp lý. Các vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài còn nhiều vấn đề như thủ tục còn phức tạp. Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần phục vụ tốt hơn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho giảng viên Học viện; đồng thời, sẽ có giá trị tham khảo để vận dụng vào công tác tham vấn, tư vấn chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài trong bối cảnh mới ở Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo.
Như Ngọc – Hải Long