(napa.vn) – Sáng ngày 19/7/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc giatổ chức Hội thảo khoa học: “Thực tiễn thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong hoạt động của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp ở Việt Nam hiện nay”.
Hội thảo trong khuôn khổ Đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ năm 2023: “Thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò của người đứng đầu trong Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp” do nhóm các nhà khoa học Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức thực hiện.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, hoạt động thực tiễn, nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài Học viện trực tiếp tham dự Hội thảo và gửi bài viết, tham luận, đóng góp ý kiến những nội dung liên quan chủ đề Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh: trong thể chế chính trị Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc cơ bản, được hiến định, có vai trò quan trọng, chi phối và bao trùm các nguyên tắc khác trong tổ chức, hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước nói chung, của Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp nói riêng nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, các cơ quan hành chính nhà nước và cả hệ thống chính trị.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp trong những năm qua cho thấy, các cơ quan đã thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xác định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và của mỗi cá nhân, nhất là đối với người đứng đầu chính quyền. Bên cạnh những ưu điểm và kết quả bước đầu đạt được, việc cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan với tập thể đơn vị hiện còn có những điểm chưa rõ ràng về địa vị pháp lý, quyền hạn, nghĩa vụ, đặc biệt là phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu, từng cá nhân và trách nhiệm của tập thể như thế nào khi có sai phạm? Việc xác định hậu quả thực sự chưa được tường minh. Đặc biệt, trong bối cảnh sự vận động và phát triển của các mối quan hệ xã hội diễn ra nhanh hơn, thay đổi đa dạng hơn lại càng đòi hỏi cần phải có các quyết sách quyết liệt, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để ra quyết sách và tổ chức thực hiệnhiệu quả. Điều đó, đòi hỏi sự phân định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu Chính phủ, UBND các cấp.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn trở thành diễn đàn trao đổi học thuật của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn, tập trung vào 4 vấn đề chính:
Một là, làm rõ được nội hàm và những nội dung cụ thể của thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò người đứng đầu trong hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp.
Hai là, các yếu tố chi phối, tác động tới thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò của người đứng đầu trong hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp.
Ba là, thực tiễn quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thiết chế này hiện nay như thế nào?
Bốn là, thực trạng, hạn chế, nguyên nhân, các vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò của người đứng đầu Chính phủ và UBND các cấp trong bối cảnh đổi mới tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.
TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận.
Tham luận Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá những ưu điểm nổi bật của mô hình tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, như: phát huy trí tuệ tập thể, ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân; tôn trọng và bảo vệ mỗi ý kiến cá nhân, coi trọng thảo luận đa chiều; bảo đảm sự quyết đoán của ban lãnh đạo khi ra quyết định và nhất quán trong thực thi quyết định lãnh đạo. Tuy nhiên, mô hình tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cũng đối diện với những thách thức. Đáng chú ý và dễ thấy nhất là tình trạng ý kiến xuôi chiều, dân chủ hình thức, lựa ý người đứng đầu để tham gia thảo luận. Ngược lại, có hiện tượng người đứng đầu lấn át, áp đặt tập thể, cho phép tự do thảo luận nhưng cuối cùng lại lợi dụng nguyên tắc số đông để áp đặt ý chí của cá nhân lên quyết định của tập thể. Từ đó, đặt ra những thách thức, như: (1) Chưa có được một lý thuyết khoa học hoàn chỉnh, chặt chẽ, rõ ràng về mô hình lãnh đạo tập thể; (2) Khó khăn từ phương pháp lựa chọn thành viên ban lãnh đạo; (3) Nguy cơ từ việc vận dụng lỏng lẻo nguyên tắc “đa số tuyệt đối”; (4) Giải quyết mối quan hệ giữa người đứng đầu và cấp ủy; (5) Dung hòa giữa tập trung và dân chủ. TS. Nguyễn Văn Đáng đề xuất, để cải thiện chất lượng của mô hình tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cần nghiên cứu, tham khảo mô hình thiết chế ở các quốc gia trên thế giới, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong bộ máy chính quyền hiện nay, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ, từ đó lựa chọn cán bộ lãnh đạo xứng tầm.
TS. Hà Quang Ngọc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (trước ngày 01/01/2023) tham luận.
TS. Hà Quang Ngọc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (trước ngày 01/01/2023) nhận định, việc thực hiện thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò, trách nhiệm của ngườiđứng đầu trong hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp chịu tác động của rất nhiều các yếu tố khác nhau. Những yếu tố đó có tác động không đồng đều, tuỳ thuộc vào tính chất của mỗi yếu tố và từng giai đoạn phát triển lịch sử cụ thể. Thực tiễn ở Việt Nam có thể xác định 7 yếu tố tác động, gồm: (1) Thể chế chính trị – pháp lý của quốc gia; (2) Tính chất, đặc thù hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp; (3) Năng lực của cán bộ, công chức; (4) Khoa học – công nghệ hiện đại; (5) Văn hóa, lịch sử truyền thống; (6) Quá trình phát triển đô thị và thực tiễn thí điểm chính quyền đô thị; (7) Quá trình thảo luận và ra quyết định tập thể.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham luận.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ đồng tình với các nhà khoa học đã phát biểu trước đó, đồng thời làm rõ hơn các khái niệm tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và các yếu tố tác động, đặt ra những vấn đề trong việc ra quyết định tập thể. Theo đó, cần phân biệt hoạch định chính sách và thực thi chính sách, minh định trách nhiệm cá nhân và tập thể khi thực hiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp. TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng đề xuất nên sử dụng khái niệm “mô thức” thay cho “thiết chế” trong quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài nghiên cứu cho phù hợp.
GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham luận.
Theo GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vấn đề thiết chế lãnh đạo tập thể cơ bản đề cập tới các tổ chức của Đảng, hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ, thường ít xuất hiện trong các cơ quan hành chính, đặc biệt ở hệ thống hành pháp do không phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động mà ở đó đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nâng cao sự linh hoạt và sáng tạo trong quản lý, tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp ở Việt Nam hiện nay có sự kết hợp giữa tập thể và cá nhân, trong đó, vai trò tập thể được thể hiện chủ yếu trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách.
GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội tham luận.
Đặc biệt quan tâm vấn đề xác định trách nhiệm trong tổ chức hoạt động của Chính phủ, UBND các cấp, GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhấn mạnh, việc giải quyết hiệu quả thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách góp phần quan trọng giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng trong xã hội hiện nay. Theo ông, cần xác định rõ đối tượng của tập thể lãnh đạo và cá nhân lãnh đạo; phạm vi, giới hạn, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, ra quyết định; tránh hiện tượng trách nhiệm cá nhân “ẩn nấp” vào trách nhiệm tập thể, dẫn đến không quy định, xác định rõ được trách nhiệm thuộc về ai khi xảy ra sai phạm. Qua đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới, xác định phương thức lãnh đạo phù hợp trong tình hình hiện nay.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, cần tập trung bàn sâu hơn vào thực tiễn, bám sát nội dung đề tài nghiên cứu, đánh giá quan hệ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, tổng kết từ quá trình thực tiễn hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp; đánh giá, rút ra những nguyên nhân, bài học từ những sai phạm đã diễn ra trong quản lý, trong đó cần chú ý, xem xét vấn đề chất lượng, năng lực cán bộ và hiệu lực kiểm tra, giám sát. Thực hiện thiết chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phải phù hợp với từng loại hình cơ quan, từng loại chức năng, nhiệm vụ với mục tiêu là đưa ra các quyết định đúng, nhanh chóng, kịp thời, rõ được trách nhiệm của cá nhân, tập thể.
PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tham luận.
PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ gợi mở về 5 vấn đề: (1) Định hướng nghiên cứu đề tài; (2) Bản chất của tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là tập thể quyết định, cá nhân là người đứng đầu, lãnh đạo, có quyền quản trị, nên xác định: “Tập thể quyết định, cá nhân lãnh đạo”; (3) Nguồn gốc của nguyên tắc là xuất phát từ hiến định, việc áp dụng cho toàn bộ các thiết chế trong hệ thống chính trị có phù hợp không? (4) Xác định vai trò của Thủ tướng Chính phủ và nguyên tắc đa số quyết định trong tổ chức hoạt động của Chính phủ; (5) Tiếp tục nghiên cứu các vấn đề nguyên tắc hoạt động của thiết chế trong hệ thống chính trị, thực tiễn ở Việt Nam và các nước trên thế giới.
TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ tham luận.
GS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tham luận.
ThS. Nguyễn Phước Thọ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tham luận.
Đồng chí Nguyễn Công Thành, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình tham luận.
Hội thảo cũng nhận được những ý kiến đóng góp sâu sắc, xuất phát từ thực tiễn hoạt động nghiên cứu, quản lý của các nhà khoa học: TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; GS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ThS. Nguyễn Phước Thọ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Công Thành, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình; TS. Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ; GS.TS. Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ. Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra thảo luận các vấn đề, như: một số nguyên tắc hoạt động của Chính phủ các nước trên thế giới và áp dụng thực tiễn ở Việt Nam; làm rõ mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân trong hoạt động của Chính phủ và UBND các cấp; cụ thể hóa thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong thực tiễn và một số hạn chế, vướng mắc, giải pháp đề xuất; vấn đề bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất, trực tiếp của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đánh giá, kiến nghị xây dựng, sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ, chính quyền các cấp; thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách gắn với đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả…
TS. Thái Quang Toản, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ tham luận.
GS.TS. Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam tham luận.
TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, chủ nhiệm đề tài trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, đây là luận cứ, luận chứng khoa học quan trọng, mang tính hệ thống về thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò người đứng đầu trong Chính phủ và UBND các cấp. Các nội dung gắn với thực tiễn, gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu, nghiêm túc đối với hoạt động của mỗi tổ chức trong hệ thống công vụ nhằm tạo cơ sở tham vấn cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Hội thảo góp phần rất quan trọng trong việc triển khai các bước tiếp theo của Đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ năm 2023: “Thiết chế lãnh đạo tập thể và vai trò của người đứng đầu trong Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp”; đồng thời, những nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý công tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Như Ngọc