Hội thảo khoa học: “Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

(napa.vn) – Chiều ngày 27/6/2024, tại Hà Nội, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa hành chính học chủ trì Hội thảo.

1. quang cảnh

Quang cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía khách mời có: ông Dương Việt Hùng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Quận Tây Hồ; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban, Ban Pháp chế – Hội đồng Nhân dân, Quận Bắc Từ Liêm; bà Nguyễn Bích Thủy, Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Phước Thọ, nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật hành chính, Văn phòng Chính phủ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa, Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự; PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải, nguyên Trưởng khoa, Khoa Hành chính học; đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng đông đảo học viên, sinh viên của Khoa Hành chính học.

2. hồng hải

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học nhấn mạnh: xây dựng chính quyền đô thị là chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của người dân và thực hiện mục tiêu phát triển. Trước yêu cầu của thực tiễn, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị, đặc biệt là đổi mới về nội dung, phương thức quản trị đô thị cũng như mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị là vấn đề cốt lõi, cần sự quan tâm nghiên cứu của các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực tiễn và các nhà khoa học.

Hội thảo mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung: (1) Lý luận về tổ chức chính quyền đô thị; (2) Thực tiễn tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam; (3) Kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị ở một số quốc gia trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam.

3. vượng

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Với 23 bài tham luận đăng kỷ yếu Hội thảo, cùng đông đảo các nhà khoa học tham dự đã khẳng định sự quan tâm về chủ đề tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay. Phó Giám đốc Học viện ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Khoa Hành chính học, qua đây cũng rất mong các nhà khoa học sẽ làm rõ cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn cùng các giải pháp nhằm làm rõ cách thức tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam, cũng như học hỏi những kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị ở một số quốc gia trên thế giới.

4. kim sơn

PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa, Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự trình bày tham luận.

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Cơ cấu lại hay tổ chức lại chính quyền địa phương hướng đến phân biệt chính quyền địa phương nông thôn và đô thị”, PGS.TS. Võ Kim Sơn cho rằng, cần phân biệt vùng đô thị và thành phố để thuận lợi trong quản lý các vấn đề của địa phương; đồng thời đề xuất, trong điều kiện của Việt Nam, cấp tỉnh nên chia làm 2 loại mức độ đô thị hóa khác nhau (nhưng không tuyệt đối). Mỗi tỉnh sẽ có nhiều vùng đô thị và tỉnh có trách nhiệm lập quy hoạch để phát triển các vùng đô thị của riêng mình.

5. phước thọ

TS. Nguyễn Phước Thọ, nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật hành chính, Văn phòng Chính phủ trình bày tham luận.

Với tham luận: “Quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc trung ương – thực trạng và một số vấn đề đặt ra”, TS. Nguyễn Phước Thọ nhấn mạnh, cần phải tiếp tục đổi mớihoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị tại đơn vị hành chính thành phố trực thuộc trung ương, như: (1) Đổi mới nhận thức; (2) Mở rộng không gian phát triển đô thị một cách phù hợp; (3) Phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý và quản trị phát triển đô thị; (4) Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hiến định về chính quyền đô thị hiện đại.

6. hữu hải

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải, nguyên Trưởng khoa, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

Chia sẻ nội dung: “Tổ chức chính quyền đô thị tự quản ở Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam”, trên cơ sở phân tích về hệ thống đô thị và tổ chức chính quyền đô thị ở Nhật Bản, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải đã đề xuất một số kinh nghiệm trong xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế, đó là: (1) Xây dựng chính quyền đô thị tự chủ, với bản chất trao quyền cho người dân đô thị là mục tiêu hướng tới và cần hiện thực hóa  bằng các bước đi cụ thể, có tính đến điều kiện ở Việt Nam; (2) Tổ chức quản lý đô thị lớn nên cân nhắc mô hình đô thị lõi với các đô thị trực thuộc trung ương.

7. bích thủy

Bà Nguyễn Bích Thủy, Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ trình bày tham luận

Trình bày tham luận: “Một số vấn đề đặt ra trong tổ chức chính quyền đô thị ở nước ta hiện nay”, bà Nguyễn Bích Thủy cho biết, việc tổ chức mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở nước ta hiện nay còn có những hạn chế, đặc biệt trong vấn đề về tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của chính quyền đô thị và việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị. Bà Nguyễn Bích Thủy cũng đề xuất một số giải pháp về tổ chức chính quyền đô thị ở nước ta trong thời gian tới, như: (1) Hoàn thiện thể chế về mô hình chính quyền đô thị, xác định rõ mô hình chính quyền đô thị phù hợp với từng loại đô thị. Trong đó,  việc xác định  bỏ cấp trung gian nào cần có căn cứ vào quy mô, đặc trưng của từng đô thị để đề  xuất mô hình chính quyền đô thị phù hợp; (2) Cần tập trung quyền lực cho người đứng đầu đô thị và tăng trách nhiệm giải trình; (3) Cần quy định cụ thể về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền đô thị (thành phố) và giữa chính quyền đô thị và các thành phần khác trong đô thị; (4) Phân quyền, phân cấp cho chính quyền đô thị phải đi kèm với việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong chính quyền đô thị.

8. hồng thái

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

9. việt hùng

Ông Dương Việt Hùng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Tây Hồ.

10. đức hiển

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban, Ban Pháp chế – Hội đồng Nhân dân quận Bắc Từ Liêm.

11. xuân khánh

TS. Chu Xuân Khánh, Giảng viên cao cấp Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia.

Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về tổ chức chính quyền đô thị gắn với thực tiễn ở địa phương. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung, như: (1) Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (từ thực tiễn quận Bắc Từ Liêm; (2) Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong điều kiện thí điểm chính quyền đô thị (từ thực tiễn Quận Tây Hồ); (3) Quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền thành phố trực thuộc trung ương; (4) Thành tựu và hạn chế trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cảm ơn các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã có tham luận và bài viết tham gia Hội thảo. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu này sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần phục vụ tốt hơn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho đội ngũ giảng viên Khoa Hành chính học nói riêng và của Học viện nói chung.

12. tập thể

Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Như Ngọc, NAPA Media

Comments are closed.