Hội thảo khoa học: Truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay

(napa.vn) – Sáng ngày 09/4/2024 tại Học viện Hành chính Quốc gia đã diễn ra Hội thảo “Truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay”. PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các phân viện.

 2D3A7611

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Tham dự Hội thảo về phía khách mời có: PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng, Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; TS. Đặng Văn Thanh, Phó Trưởng khoa, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hùng Vương.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có các Phó Giám đốc: PGS. TS. Lương Thanh Cường, PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu; TS. Hoàng Quang Đạt, nguyên Trưởng khoa Lý luận cơ sở; lãnh đạo các các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các giảng viên, sinh viên Khoa Khoa học liên ngành.

 z5331139165146_e8c09510307cd41dca4e210ca6b691fa

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định dư luận xã hội là tổng thể các ý kiến, trong đó chủ yếu là các ý kiến thể hiện sự phán xét đánh giá, sự nhận định (bằng lời hoặc không bằng lời), phản ánh ý nghĩa của các thực tế, quá trình, hiện tượng, sự kiện đối với các tập thể, giai cấp, xã hội nói chung và thái độ công khai hoặc che đậy của các nhóm xã hội lớn nhỏ đối với các vấn đề của cuộc sống xã hội có động chạm đến các lợi ích chung của họ. Trong bối cảnh môi trường số, truyền thông và dư luận xã hội đang có những thay đổi lớn về phương thức, cách thức thể hiện, đang đặt ra thời cơ, thách thức, những vai trò, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số…

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị các nhà khoa học tập trung trao đổi vào 5 vấn đề chính: (1) Làm rõ các vấn đề lý luận về truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số; (2) Làm rõ thực trạng truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay; (3) Nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và thế giới về bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số; (4) Đưa ra các giải pháp góp phần đảm bảo hoạt động truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam trong thời gian tới; (5) Các nội dung khác có liên quan tới chủ đề Hội thảo.

z5331139137361_73835074520dc6c6505fb4c3d76c6da0

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Với 43 bài tham luận đăng kỷ yếu Hội thảo, cùng đông đảo các nhà khoa học tham dự, khẳng định sự quan tâm về truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay. Phó Giám đốc Học viện ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Khoa, qua đây cũng rất mong các nhà khoa học sẽ làm rõ cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn cùng các giải pháp nhằm phát huy vai trò của truyền thông trong xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh môi trường số, truyền thông và dư luận xã hội đang có những thay đổi lớn về phương thức, cách thức thể hiện.

 z5331139648180_fabbacd1fd44962c4effcf6d8f340bcc

PGS.TS. Ngô Đình Xây phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Ngô Đình Xây với tham luận “Truyền thông số ở Việt Nam hiện nay – nhận diện, vấn đề đặt ra và một số kiến nghị” đã đưa ra một số kiến nghị:

Một là, để có thể tạo lập và phát triển truyền thông số ở Việt Nam hiện nay một cách bài bản và đúng hướng, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể về xây dựng và phát triển truyền thông số. Điều này có nghĩa là, chúng ta phải nhận thức rõ và thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giúp cho việc hình thành các yếu tố cấu thành truyền thông số. Đó chính là phải hình thành và vận hành đồng bộ cho các yếu tố: chủ thể truyền thông số, môi trường truyền thông số và hệ sinh thái truyền thông số.

Hai là, do tính mở của công nghệ số, tính hai mặt của thông tin truyền thông số và do nhu cầu tất yếu sử dụng dịch vụ và nội dung thông tin trên truyền thông số, Nhà nước phải triển khai một loạt các hoạt động để phục vụ và tạo điều kiện cho truyền thông số như: đưa ra “các giải pháp quản lý phải hướng tới việc phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của internet. Vì vậy, chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục, …”; phải nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về tổ chức, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại để đảm bảo cho truyền thông số; có chính sách khuyến khích các chủ thể truyền thông số làm chủ bản thân, có ý thức, trách nhiệm và đạo đức trong việc sản xuất, sáng tạo, trao đổi và tiếp nhận thông tin trên nền tảng số, hướng tới một văn hóa truyền thông số lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội, để từ đó dần dần hình thành được cách ứng xử văn minh số.

Ba là, trong việc đào tạo, bồi dưỡng báo chí, truyền thông hiện nay, cần phải xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên về mã ngành truyền thông số. Có như vậy, chúng ta mới đáp ứng được những yêu cầu do sự phát triển truyền thông số đang đặt ra và cũng là để chúng ta bắt kịp và không bị lỗi nhịp với sự phát triển của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

z5331139081372_fb6f3b1b99e7557d16f905b9b5c04f2d

 TSĐặng Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo.

TS. Đặng Văn Thanh với tham luận “Khám phá cơ sở lý thuyết của sự ảnh hưởng và tham gia trên mạng xã hội: từ cơ chế ảnh hưởng đến lãnh đạo ý kiến” khẳng định Trong bối cảnh số hóa nhanh chóng phát triển, mạng xã hội đã nổi lên như một nền tảng mạnh mẽ về ảnh hưởng và tương tác, tái định hình cách thức cá nhân, cộng đồng và thương hiệu giao tiếp và tương tác với nhau. Những động lực phức tạp của ảnh hưởng trên mạng xã hội và các cơ chế thúc đẩy sự tương tác của người dùng đã trở thành những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, thúc đẩy việc xem xét sâu hơn về cơ sở lý thuyết của chúng…

TS. Đặng Văn Thanh cũng đề xuất các nghiên cứu tương lai nên tiếp tục khám phá hậu quả của những động lực này, đặc biệt là các vấn đề đạo đức và khả năng lan truyền thông tin sai lệch trong các mạng lưới số. Hiểu biết những yếu tố này là rất quan trọng để phát triển các chiến lược giao tiếp hiệu quả không chỉ hấp dẫn mà còn có trách nhiệm và minh bạch. Khi chúng ta tiến lên, những hiểu biết từ nghiên cứu này sẽ phục vụ như là cơ sở cho sự khám phá thêm về sự phức tạp của truyền thông số và tác động của nó đối với xã hội.

z5331139086386_727c3d17ffe26a146aef2df7b49a32ee

 TS. Lê Đình Thảo phát biểu tại Hội thảo.

Với tham luận “Vai trò của truyền thông trên môi trường số trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, TS. Lê Đình Thảo, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành khẳng định trước những yêu cầu và tác động của phát triển kinh tế số, xã hội số, đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các cấp, cácngành phải quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thống về các công việc quản lý trên môi trường số nhằm nâng cao nhận thức và khả năng làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò phản biện, giám sát xã hội đối với việc hoạch định và thực thi các chính sách, pháp luật, từ đó tạo ra cơ sở, động lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Để phát huy được vai trò của truyền thông trên môi trường số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản quản lý, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu về chính sách, pháp luật, về truyền thông số, sự cần thiết phải thực hiện tốt truyền thông số trong quản lý, tác động của truyền thông số đến quản lý, về những yêu cầu đòi hỏi chính đáng của nhân dân; đồng thời cũng phải quan tâm nâng cao nhân thức của nhân dân về truyền thông số, về quyền và trách nhiệm công dân trong việc tham gia vào các công việc quản lý nhà nước; có những quy định pháp luật về những nội dung, hình thức truyền thông trên môi trường số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia truyền thông về các chính sách, pháp luật.

z5331139654394_bf5815054bd485aba693b2fd30069219

 TS. Nguyễn Quốc Khương phát biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Quốc Khương, Khoa Khoa học liên ngành với tham luận “Mối quan hệ giữa truyền thông xã hội và dư luận xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” đã đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chủ động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội:

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Hai là, các cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị, cán bộ phụ trách các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực an ninh, tuyên giáo, thông tin, truyền thông, văn hóa,… cần nhận diện sớm các vấn đề xã hội có thể phát sinh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhiều người, dễ tạo nên sự quan tâm, chú ý của
dư luận.

Ba là, cần chủ động nắm bắt dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội. Việc chủ động nắm bắt dư luận xã hội cần bắt đầu từ giai đoạn các cá nhân tiếp cận thông tin về vấn đề xã hội cụ thể.

Bốn là, cần chú trọng hơn nữa việc cung cấp thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản chất của vấn đề xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến lợi ích, mối quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần hình thành dư luận xã hội theo chiều hướng đúng đắn.

Năm là, cần tăng cường tranh luận, thảo luận, phản biện các vấn đề xã hội trên phương tiện truyền thông xã hội. Đây là yếu tố quan trọng để nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.

z5331180562716_a3766f0ab32ba1cbe7e52bca2d9b642e

 TSTrần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước phát biểu tại Hội thảo.

z5331139666692_145e7deebcf549a7cf7fdb0b343fe6ae

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, gửi bài tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài Học viện Hành chính Quốc gia. Ban Biên tập Hội thảo đã nhận được 44 tham luận góp ý cho chương trình.

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài học viện đã trao đổi, thảo luận về những khía cạnh, những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn về Truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay trước kỷ nguyên công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.

z5331139450905_31729f5768b86eebb108d88da1593407

 TS. Tô Trọng Mạnh phát biểu tại Hội thảo.

TS. Tô Trọng Mạnh, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành với tham luận “Vai trò của dư luận xã hội trong lãnh đạo, quản lý và ứng phó với tin giả trong lãnh đạo, quản lý hiện nay” đã đưa ra vai trò của dư luận trong lãnh đạo, quản lý và một số cách thức ứng phó với tin giả, cụ thể:

Thứ nhất, nhận diện tin giả: Điều đầu tiên cần phải nhận diện các thông tin giả thuộc loại nào. Trên thực tế tin giả luôn gắn với các sự kiện (câu chuyện); tin giả lan mạnh trên mạng xã hội; tin giả thường gắn với các mục tiêu cụ thể; nguồn phát tin giả thường không rõ ràng…

Thứ hai, kết hợp giữa chuyên gia các chuyên ngành và các chuyên môn thông tin, báo chí: Phát huy vai trò của các nhà chuyên môn trong sàng lọc, nhận diện, phân tích thông tin trên các phương tiện truyền thông là một cách hiệu quả để ứng phó với tin giả…

Thứ ba, thực hiện tuyên truyền hiệu quả: Tuyên truyền phải kịp thời và có tính lan tỏa; tăng cường nội dung tuyên truyền liên quan tới thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh mạng để nâng cao nhận thức của người dùng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng về phòng chống thông tin giả.

Thứ tư, phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn: Phát huy vai trò của các cơ quan báo chỉ. Các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tin giả; tăng cường vai trò của các nhà chuyên môn về thông tin, báo chí, các nhà giám tuyển thông tin.

 z5331139408632_1c69f37b3bfaf4d2d3ef09850959a36e

 TSLý Thị Huệ phát biểu tại Hội thảo.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo TS. Lý Thị Huệ, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành đã đưa ra các giải pháp chủ yếu nhằm góp phần đảm bảo hoạt động truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay:

Một là, tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định quản lý, sử dụng không gian mạng chặt chẽ.

Hai là, các chủ thể khi tham gia không gian mạng cần trang bị các kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin.

Ba là, thiết lập cơ chế phát hiện và đào tạo các “nhà lãnh đạo dư luận” trực tuyến là những nhà hoạt động trực tuyến có tầm ảnh hưởng xã hội cao, các “nhà lãnh đạo dư luận” trực tuyến có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý kiến của một số cư dân mạng và thường đóng vai trò “đầu tàu” trong việc hình thành dư luận trực tuyến.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của truyền thông xã hội và không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Năm là, thiết lập và cải tiến một hệ thống quản lý mạng xã hội toàn diện, bao gồm việc tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, là một yêu cầu quan trọng trong bối cảnh hiện đại.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, tham luận, thảo luận của các nhà khoa học đã góp phần làm đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn nữa nhận thức về những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn. Những tham luận đầy tâm huyết của đại biểu tại Hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Khoa học liên ngành nói riêng và của toàn Học viện nói chung.

 z5331139088343_3db13991681b0088dfc506ad9ec47bd5

Ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

NAPA Media, Phạm Hải Long.

Comments are closed.