Hội thảo khoa học “Xây dựng chính phủ số đáp ứng hiện đại hóa nền hành chính và đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”

(napa.vn) – Sáng ngày 16/4/2024, tại Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng chính phủ số đáp ứng hiện đại hóa nền hành chính và đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các phân hiệu.

z5354637990360_0d2a787465f665d0f11587374ca756ef

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Tham dự Hội thảo về phía khách mời có: TS. Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; PGS.TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số; ThS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng, Phòng Ứng dụng Công nghệ thông tin và Dữ liệu số, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc học viện; các cán bộ, giảng viên Học viện.

z5354637928564_2904dd418e18ee3a85c5bf6ebfa47e4eTS.Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ nhiệm đề tài phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước coi chuyển đổi số làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc đổi mới đất nước. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có đề cập tới chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính phủ đã nhanh chóng ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính và chuyển đổi số đã và đang thành xu hướng tất yếu, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu mà hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính hướng tới là xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

z5354638031593_adfb7d46929d88cb7809cc4b0e0e85c0

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia với tham luận “Chính phủ số – tiến trình cải cách đột biến về khoa học và công nghệ trong quản trị quốc gia” cho rằng, xây dựng và hoàn thiện Chính phủ số là xu hướng khách quan của hệ thống công vụ quốc tế. Quốc gia nào còn đứng ngoài trong tiến trình xây dựng Chính phủ số toàn cầu chắc chắn sẽ bị lạc hậu về mặt trình độ khoa học, công nghệ, bị tụt hâu về phát triển kinh tế xã hội. Thấy được tính tất yếu đó, Đảng và nhà nước đã có những chủ trương, theo chúng tôi là kịp thời, nhất quán, đồng bộ để đất nước phát triển. Những gì chúng ta cần làm tiếp theo là hệ thống hóa, bảo đảm thống nhất từ chủ chương chính trị, thể chế nhà nước, triển khai của các tổ chức từ trung ương và địa phương. Tuyệt đối không nên có tư tưởng bên trên mới là quan trọng, làm trước. Nếu như thế, tính đồng bộ sẽ bị phá vỡ. Muốn hội nhập thì trước hết hoàn thiện những gì trong hệ thống công vụ cần thiết phải có, từ chính sách, con người, người, nguồn lực tài chính.

z5354637989952_499ee3f125d62464802645248ce5a51b

TS. Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số tham luận tại Hội thảo.

TS. Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số với tham luận“Nhận thức về thiết kế để hình thành tư duy thiết kế, góp phần hiểu rõ vai trò của kiến trúc, nền tảng, cấu trúc và tổ chức trong việc hình thành nền hành chính và đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả” nhấn mạnh nhận thức về thiết kế để hình thành tư duy thiết kế góp phần hiểu rõ vai trò của kiến trúc, nền tảng, cấu trúc và tổ chức trong việc hình thành nền hành chính và đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả có một ý nghĩa quan trọng trong việc cải cách thể chế, cải cách hành chính góp phần chuyển đổi hiệu quả nền hành chính quốc gia và quản trị quốc gia thích ứng với các yêu cầu của thời đại mới – thời đại/kỷ nguyên số. Cần phải xác lập tư duy thiết kế và nhận thức vai trò của thiết kế có một ý nghĩa quan trọng trong việc kiến tạo nên “nền hành chính và hệ thống quản trị quốc gia” chứ không phải chỉ là những phương tiện, công nghệ… Việc thiết kế được một kiến trúc nền tảng cho chính phủ số có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định để đưa ra một chiến lược, định hướng, giải pháp và cả mục tiêu kỳ vọng cụ thể cho việc hình thành nền hành chính quốc gia và đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

z5354638010084_fd04b21f4891e13bc5a9c0608579ff6c

ThS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng, Phòng Ứng dụng Công nghệ thông tin và Dữ liệu số, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo.

Đóng góp tham luận tại Hội thảo với chủ đề  “Những vấn đề đặt ra đối với thực trạng xây dựng chính phủ số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, ThS. Vũ Tuấn Anh nêu rõ: Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả luôn là yêu cầu đặt ra trong xây dựng nhà nước pháp quyền của các quốc gia trên thế giới nói chung, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng. Để quản trị hiện đại, tất yếu bộ máy nhà nước phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả, và ngược lại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước là một nhiệm vụ của quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số là một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm quá trình hiện đại hóa và quản trị quốc gia hiện đại. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhất là tác động của cuộc CMCN 4.0, đã từng bước thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ số trên toàn cầu, mở ra cơ hội mới và tạo ra những thách thức không ngừng; theo đó, đặt ra những thách thức trong việc xây dựng Chính phủ số tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.

ThS. Vũ Tuấn Anh cũng khẳng định để triển khai thành công Chính phủ điện tử, Chính phủ số bảo đảm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, vai trò sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, vận hành Chính phủ điện tử, Chính phủ số là yếu tố thành công quan trọng nhất.

Hai là, cơ chế bảo đảm thực thi, nâng cao trách nhiệm giải trình của Người đứng đầu trong triển khai các chương trình triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số là yếu tố quyết định.

Ba là, thể chế nhất thiết phải đi trước một bước để tạo lập hoàn thiện Khung pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số.

Bốn là, cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính nội bộ, lấy người dân làm trung tâm và ra quyết định điều hành dựa trên dữ liệu số là điều kiện thành công.

Năm là, dành nguồn lực phù hợp là yếu tố khả thi quan trọng để triển khai, thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Sáu là, lựa chọn triển khai Đề án cốt lõi để tập trung, triển khai đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng (như Đề án 06), là một trong những giải pháp mang tính đột phá, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số.

z5354637987271_1c6445cc6085a30954a1539548dd223b

TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, TS. Nguyễn Ngọc Vân trình bày tham luận với chủ đề “Một số khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chính phủ số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và quản trị quốc gia theo hướng hiện đại hiệu quả” khẳng định: việc xây dựng Chính phủ số cần phải được bảo đảm rằng, các thành tố của nền hành chính, bao gồm: Đội ngũ công chức; Tổ chức bộ máy; Tài chính và cơ sở vật chất; Hệ thống thể chế;… phải được xây dựng đáp ứng và vận hành theo yêu cầu, tiêu chuẩn của Chính phủ số. Ngoài những thành tố cơ bản cấu thành nền hành chính kể trên, để bảo đảm hoạt động thực sự có hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ số cần một môi trường số, môi trường mạng minh bạch, an toàn không chỉ cho hệ thống dữ liệu, cơ chế vận hành mà còn cả cho chủ thể xây dựng, vận hành và quyết định. Như vậy, để xây dựng Chính phủ số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả cần giải quyết tốt và đồng bộ những vấn đề nêu trên. Dù chỉ thiếu một trong các yếu tố đó hoặc dù chỉ một yếu tố không đáp ứng yêu cầu thì cũng không thể xây dựng được Chính phủ số như mong muốn và việc hiện đại hóa nền hành chính cũng như đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả cũng khó đạt được mục tiêu đề ra.

z5354637962392_dd5aa4b56d8ac21896fcea244ccb4324

PGS.TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận “Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động xây dựng chính phủ số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Trần Quang Diệu khẳng định hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam đã và đang từng bước mang lại các hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới, hoàn thiện mô hình quản lý phát triển đất nước. Các hoạt động nêu trên đã góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để quản trị tốt quốc gia; quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp… Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo quốc gia hiện đang tác động vào mọi mặt của hoạt động công việc và cuộc sống hàng ngày của với sức mạnh vô cùng lớn. Bên cạnh đó, nó tác động vào tất cả các cơ quan, tổ chức, ngành công nghiệp, thách thức tất cả các công ty thuộc mọi loại hình và quy mô cũng như mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội. Các xu hướng của chuyển đổi số có những ảnh hưởng đến đời sống, trong đó có đổi mới sáng tạo. Hoạt động chuyển đổi số cũng đã thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Chính vì thế, các quan điểm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã và đang trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế xã hội, việc tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết. Đổi mới sáng tạo không phải là việc của chỉ riêng cá nhân, tổ chức nào, mà phải là tư duy, triết lý được thấm nhuần, thực thi trong từng hành động, từng nhiệm vụ. Chuyển đổi số đóng vai trò như là cầu nối, là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần quản trị hiệu lực, hiệu quả quốc gia trong bối cảnh mới.

z5352491561116_1b4ca77e83c32ee346de82c8676b7c2d

Các đại biểu tham dự hội thảo tại các điểm cầu.

Kết luận Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng gửi lời cảm ơn các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên tại 3 phân hiệu của Học viện. Qua 18 bài tham luận gửi đến Hội thảo, với tư cách là Chủ nhiệm đề tài khoa học sẽ nghiên cứu, chắt lọc và lĩnh hội các ý kiến đóng góp trên cơ sở tiếp cận cầu thị, cởi mở để đề tài mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đáp ứng quá trình chuyển đổi số hướng đến chính phủ số vào năm 2030.

NAPA Media, Phạm Hải Long.

Comments are closed.