Cùng với quá trình hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, sự giao thoa, tiếp biến và phát triển của văn hoá đã phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải quản lý đa văn hoá trong quá trình toàn cầu hoá là một xu hướng ngày càng được chú trọng ở các quốc gia hiện nay.
Vì những lý do trên, sáng ngày 24/10/2019, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Viện Tổng hợp Nghiên cứu đa văn hoá, Đại học INHA, Hàn Quốc đã tổ chức Hội thảo quốc tế: “Quản lý đa dạng văn hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Đồng chủ trì Hội thảo, có TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Youngsoon Kim – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đa văn hoá, Đại học INHA, Hàn Quốc; PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Trưởng khoa Quản lý nhà nước về Xã hội; TS. Chu Xuân Khánh – giảng viên cao cấp; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng khoa Hành chính và Quản lý nhân sự.
Về phía đại biểu quốc tế, có ông Carlos Alfredo Amores Balbin – Đại sứ Cộng hoà Cuba tại Việt Nam; ông Park Noh Wan – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; bà NataliyaZhynkina – Đại diện Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam; ông VladyslavPereverziev – Bí thư thứ Ba Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam. Bà Eunjei Choi – Cán bộ Quản lý Di sản văn hoá UNESCO tại Việt Nam; ông Arman Urazbayev – Đại diện Đại sứ quán Kazakhstan; bà Arum Primasty – Đại diện Đại sứ quán Indonesia.
Các diễn giả quốc tế tại Hội thảo gồm các giảng viên, nghiên cứu viên đến từ đại học INHA; bà Dương Thị Thanh Hương – Nghiên cứu viên Đại học INHA; TS. Jong Do Park – Giảng viên Đại học INCHEON, Hàn Quốc; Dr. Jin-Heon Jung – Giảng viên Đại học Freie Berlin, CHLB Đức.
Về phía cơ quan Chính phủ, có PGS.TS. Tạ Minh Tuấn – Trợ lý Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện; Lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị; các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên Học viện tại Hà Nội và qua đầu cầu trực tuyến Phân viện TP. Hồ Chí Minh, Phân viện Huế và Phân viện Khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan đã nhấn mạnh: mỗi quốc gia có những cách thức khác nhau để quản lý đa văn hoá nhưng cũng đầy thách thức. Sự thừa nhận tồn tại của đa văn hoá có thể dẫn đến nguy cơ tách biệt các cộng đồng nhỏ lẻ. Nhưng không thừa nhận sự tồn tại của đa văn hoá sẽ đi ngược với hiện trạng đời sống văn hoá. Chính sách quản lý của Nhà nước cần phải phát huy được các điểm tương đồng, các giá trị chung tốt đẹp của mỗi nền văn hoá, tạo ra cơ hội để đối thoại giữa các nền văn hoá nhưng cùng hướng đến các giá trị Chân – Thiện – Mỹ, giữ bản sắc nhưng đó là văn hoá phát triển, văn hoá thích ứng, mang đầy sức sống và hơi thở thời đại. Đa văn hoá làm sinh động đời sống văn hoá quốc gia.
Giám đốc Học viện bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo này, các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam và Hàn Quốc cùng chia sẻ những góc nhìn, những quan điểm, những cách tiếp cận mới. Hy vọng Hội thảo cũng sẽ là cầu nối giữa Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học INHA và rộng hơn nữa đó là góp phần tiếp tục củng cố tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc cùng góp phần tăng cường sự đa dạng văn hoá ở mỗi quốc gia.
Hội thảo “Quản lý đa dạng văn hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế” được tổ chức thành 3 phiên với các chủ đề, bao gồm: (1) Đa dạng văn hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế: cơ hội và thách thức đối với quản lý công; (2) Kinh nghiệm về quản lý đa dạng văn hoá, chính sách nhập cư và hoà nhập xã hội; (3) Tăng cường năng lực quản lý trong môi trường đa văn hoá.
Taị Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của các học giả, các nhà khoa học, quản lý như: “Xã hội đa văn hoá và chính sách hoà nhập xã hội” của TS. YoungSoon Kim; “Hội nhập kinh tế quốc tế và tác động tới quản lý công” của TS. Chu Xuân Khánh; “Vai trò của thư viện công cộng trong xã hội đa văn hoá tại Hàn Quốc” của TS. Jong Do Park; “Đa dạng văn hoá ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước về văn hoá trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của TS. Đặng Thị Minh; “Tình huống người lao động nước ngoài: Nghiên cứu về sự trải nghiệm và mong đợi của người nhập cư ở Hàn Quốc và học viên tham gia chương trình hoà nhập” của TS. Younghun Oh; “Nghiên cứu về trải nghiệm các dịch vụ phúc lợi xã hội dành cho các cô dâu Đông Nam Á” của TS. Mijung Lee; “Nghiên cứu về tác động của hệ thống phúc lợi và hỗ trợ tâm lý dành cho thanh niên nhập cư ở Hàn Quốc đối với hoà nhập xã hội” TS. Youngsub Oh; “Dịch chuyển lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và vai trò của Nhà nước trong quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam” của TS. Tạ Thị Hương; “Nâng cao năng lực quản lý trong môi trường làm việc đa văn hoá” của PGS.TS. Bùi Thanh Thuỷ; “Quản lý nhà nước về văn hoá trong bối cảnh đa văn hoá tại Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Hường; “Quản lý đa dạng văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế dưới giác độ tôn giáo” của TS. Ngô Văn Trân.
Thông qua Hội thảo, những vấn đề về lựa chọn cách tiếp cận thế nào, mô thức chính sách nào đối với đa văn hoá để dễ dàng hơn? vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế và tác động tới quản lý công, từ hội nhập kinh tế quốc tế đã nảy sinh những thách thức trong quản lý công của Việt Nam nhưng bên cạnh đó cũng mở ra những cơ hội cho quản lý công trong môi trường đa dạng văn hoá hiện nay, từ đó tác động lên việc xây dựng và ra chính sách của Chính phủ Việt Nam. Việc xây dựng chính sách đa văn hoá của Hàn Quốc với tình hình nhập cư và xã hội ngày càng đa dạng văn hoá tại Hàn Quốc hiện nay là chính sách hoà nhập xã hội của Chính phủ Hàn Quốc là chính sách áp dụng cho người nước ngoài. Các nhà hoạch đinh, xây dựng chính sách đa văn hoá tại Hàn Quốc khẳng định, mỗi quốc gia cần nỗ lực để đạt được sự hoà nhập xã hội trong đa dạng văn hoá, vượt ra ngoài sự đồng nhất về chủng tộc hoặc nhà nước.
Về giải pháp, nhiều đại biểu cho rằng, trước hết, cần chú trọng đến hoà nhập xã hội trong môi trường đa văn hoá với sự tôn trọng khác biệt của các thành viên trong xã hội thay vì chú trọng vào tính đồng nhất xã hội. Đẩy nhanh việc củng cố, hoàn thiện thể chế văn hoá làm cơ sở để xây dựng ban hành chính sách mới về văn hoá; tích cực hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về văn hoá, quyền tác giả và các quyền liên quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Xây dựng hệ thống thể chế ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Cần phải thay đổi cách thức tư duy trong quản lý công để tạo ra những định hướng, cách thức hoạt động mới trong xã hội đa dạng văn hoá như hiện nay…
Tại hội thảo, đã có nhiều đại biểu có các ý kiến dành cho các diễn giả. Các câu hỏi, ý kiến đều được giải đáp.
Thay mặt chủ trì hội thảo, phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Youngsoon Kim đã tổng kết những tham luận, ý kiến của các đại biểu qua 3 phiên làm việc và nhấn mạnh: Viện Tổng hợp Nghiên cứu đa văn hoá của Đại học INHAN sẽ tổng hợp hết quả hội thảo và dự định năm 2020 sẽ tổng hợp các kết quả hội thảo cùng những nghiên cứu về đa văn hoá của Đại học INHAN trong những năm qua để công bố rộng rãi.
TS. Youngsoon Kim cũng mong muốn mối quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ dừng lại ở hợp tác về kinh tế mà nên mở rộng mối quan hệ về văn hoá và các nghiên cứu xã hội mang tính xây dựng kinh tế, văn hoá, xã hội chung giữa 2 quốc gia.
TS. Chu Xuân Khánh đã phát biểu cảm ơn tới đoàn học giả của Đại học INHA, INCHEON, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu chính sách trong và ngoài nước đã tham gia hội thảo với những tham luận rất ý nghĩa và mang tính gợi mở, đóng góp rất lớn trong quá trình nghiên cứu và quản lý đa văn hoá tại Việt Nam. Kết quả của Hội thảo sẽ được lưu làm tài liệu tham khảo cho các chương trình nghiên cứu, học tập sau này và sẽ trình Bộ Nội vụ để đưa vào làm tài liệu khoa học trong nghiên cứu văn hoá tại Việt Nam.
Nguyễn Thu Hương