Sáng ngày 19/7/2017, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Malik (Thụy Sỹ) khai giảng khóa “Đào tạo cơ bản về tư duy khoa học hệ thống và áp dụng tổng thể hệ thống quản lý tiên tiến Malik vào công tác lãnh đạo, quản lý”.
Tới dự, có: PGS.TS. Nguyễn Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Hiệp hội nghiên cứu hệ thống quốc tế (IFSR), cộng tác viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Malik, thành viên sáng lập Hội đồng thế giới về dữ liệu quản lý thành phố của Liên hiệp quốc (WCCD). Về phía Viện Nghiên cứu Malik, có: GS. TSKH. Fredmund Malik – Viện trưởng; TS. Constantin Malik – Giám đốc điều hành và phát triển quan hệ toàn cầu; TS. Nam Nguyễn – Giám đốc phụ trách Úc và Đông Nam Á; Ông Jan Fischer – chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Malik… Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo và các cán bộ của Viện Nghiên cứu khoa học hành chính cùng 48 học viên là các cán bộ lãnh đạo, quản lý đến từ Bộ Công an, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Hải Phòng.
Thay mặt lãnh đạo Học viện phát biểu khai giảng khóa học, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh nhấn mạnh: trong giai đoạn hội nhập khu vực và quốc tế như hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, các quốc gia đã có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức do môi trường luôn biến động với những chiều hướng hết sức phức tạp. Do đó, để bảo đảm có được sự thịnh vượng bền vững của đất nước, rất cần thiết phải trang bị cho các nhà lãnh đạo, quản lý cách tiếp cận và những phương pháp mới về tư duy khoa học hệ thống. Phó Giám đốc Học viện mong muốn các học viên tham gia khóa đào tạo tích cực nghiên cứu và trao đổi với các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Malik để tiếp thu tối đa những kiến thức, phương pháp và công cụ quản lý hệ thống nhằm nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như của từng cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay.
Trong thời gian tham gia khóa đào tạo, các học viên sẽ được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Malik cung cấp nhiều nội dung, gồm: Những vấn đề cơ bản về khoa học tư duy hệ thống và phương pháp luận về khoa học tư duy hệ thống; hệ thống quản lý tiên tiến Malik; các công cụ quản lý Malik và khả năng ứng dụng trong thực tế… Bên cạnh đó, các học viên còn được giới thiệu Chương trình tổng thể Malik tại một đơn vị điển hình để hiểu rõ hơn về thực tiễn áp dụng hiệu quả các công cụ và phương pháp của khoa học tư duy hệ thống.
Đây là khóa đào tạo đầu tiên triển khai “Biên bản ghi nhớ hợp tác” giữa Học viện Hành chính Quốc gia (Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Malik (Thụy Sỹ). Trước đó, hai bên cũng đã phối hợp cùng một số cơ sở nghiên cứu tổ chức thành công một số hoạt động khoa học, trong đó tiêu biểu là Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Quản lý chiến lược mục tiêu phát triển bền vững từ cách tiếp cận tư duy khoa học hệ thống và điều khiển học – Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/3/2016, thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước tham gia.
Đoàn Kim Huy