Sáng ngày 03 tháng 7 năm 2020, thực hiện nhiệm vụ khoa học năm 2020 đã được Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phê duyệt, Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự đã tổ chức Tòa đàm khoa học với chủ đề: “Tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương khóa XII”.
Đến dự Tọa đàm gồm có các đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đã từng giữ các chức danh quản lý cấp cao của Bộ Nội vụ: GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; PGS.TS. Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Đinh Duy Hòa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ. Các nhà quản lý đến từ Sở Nội vụ các tỉnh, thành: ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Dương – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh.
Về phía Học viện, Tọa đàm có sự hiện diện của lãnh đạo các đơn vị trong Học viện Hành chính Quốc gia, đại diện giảng viên các Khoa chuyên môn cùng toàn thể giảng viên của Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự.
Tọa đàm đã được nghe nhiều tham luận và các ý kiến trao đổi của các đại biểu về các vấn đề lý luận và thực tiễn về sắp xếp tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương khóa XII. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề: Nguyên tắc tổ chức cơ quan hành chính nhà nước nói chung, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nói riêng; Thực trạng tổ chức cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương Việt Nam và những vấn đề đặt ra; Mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp tổ chức cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Những khó khăn, thách thức trong sắp xếp tổ chức cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; Thực tiễn và kinh nghiệm tổ chức cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương tại một số quốc gia và giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cho rằng: Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là cơ sở chính trị tiếp thêm động lực để tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương ở nước ta. Tuy nhiên, đây là một quá trình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không dễ vượt qua. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng những lộ trình và bước đi thích hợp. Những nguyên tắc cần phải quán triệt trong quá trình sắp xếp tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương phải xuất phát từ những nguyên lý của khoa học tổ chức bao gồm: mục tiêu rõ ràng và tính hiệu quả; tính hệ thống, chỉnh thể; cấu trúc đồng nhất với tính đặc thù của tổ chức; sự vận động không ngừng và tự điều chỉnh. Đặc biệt, khi vận dụng kinh nghiệm các nước vào sắp xếp các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, cần phải chú ý tới tính đặc thù của từng địa phương để có sự vận dụng hợp lý.
Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, để đưa Nghị quyết 18-NQ/TW vào cuộc sống, trước hết cần phải thể chế hóa Nghị quyết trên cơ sở những quan điểm, mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra đồng thời đảm bảo các nguyên tắc khách quan của khoa học tổ chức để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình triển khai trên thực tiễn.
Các ý kiến từ Tọa đàm là nguồn tư liệu có giá trị để các giảng viên của Khoa chuyển tải vào các bài giảng nhằm cập nhật, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, những ý kiến đã được thống nhất từ Tọa đàm còn có giá trị là những cơ sở lý luận và thực tiễn để Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự tư vấn cho Lãnh đạo Học viện về các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, từ đó tư vấn, đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thực hiện thành công mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã đề ra.
Tin bài, ảnh: Thanh Thủy – Hoàng Hậu