Sáng ngày 18/12/2015, tại Phòng Truyền thống – Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm soát của hành pháp đối với lập pháp và tư pháp ở Việt Nam hiện nay”. TS. Lê Như Thanh – Phó Giám đốc Thường trực Học viện đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý ở các cơ sở đào tạo, như: Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội… cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Khoa và Học viện.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Như Thanh nhấn mạnh điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó tại Điều 2 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Phó Giám đốc Thường trực Học viện đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý và cán bộ, giảng viên tập trung thảo luận để làm rõ tư tưởng này của Hiến pháp năm 2013. Qua đó, cung cấp thêm những luận cứ khoa học để ứng dụng vào công tác nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia nói chung cũng như Khoa Nhà nước và Pháp luật nói riêng.
TS. Lê Như Thanh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Trước đây, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước thường được tiếp cận một chiều theo hướng lập pháp kiểm soát hành pháp và tư pháp mà ít khi đặt vấn đề ngược lại. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước cho thấy, đây là một trong những vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, toàn diện, bởi nguy cơ lạm quyền và “tham nhũng chính sách” trên thực tế đã được cảnh báo và phát hiện ở nghị viện nhiều nước. Bên cạnh đó, việc tôn trọng tính độc lập của tư pháp không có nghĩa là tư pháp không bị kiểm soát từ phía các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp.
GS.TS. Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật Hà Nội)trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cán bộ, giảng viên của Học viện đã trình bày các tham luận và tập trung trao đổi làm rõ nhiều nội dung có liên quan tới chủ đề của Hội thảo cả ở phương diện lý luận và thực tiễn trong thực hiện cơ chế phân quyền cũng như cách thức kiểm soát quyền lực giữa hành pháp với các cơ quan khác ở trung ương của một số quốc gia trên thế giới, trong đó tiêu biểu là ở Cộng hòa Liên bang Đức. Đồng thời, thông qua những lập luận có tính thuyết phục cao, các đại biểu đã tập trung đưa ra những kiến giải, góp phần làm sâu sắc thêm về hoạt động kiểm soát của hành pháp đối với lập pháp và tư pháp ở nước ta.
PGS.TS Nguyễn Cửu Việt (Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Minh Đoan Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự tham gia nhiệt thành, trao đổi tích cực của các đại biểu tham dự. Đây là dịp để các nhà khoa học, các giảng viên, học viên cùng thảo luận tập trung, xây dựng những luận điểm khoa học cho việc làm sáng tỏ tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực nhà nước. Qua đó, thiết thực góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy các nội dung liên quan tới pháp luật và quản lý nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Đoàn Kim Huy