(Chinhphu.vn) – Bộ Tư pháp đang dự thảo “Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” đến 2022.
Ảnh minh họa |
Bộ Tư pháp cho biết, Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 (Đề án 258) gồm 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án đã được thực hiện, nhờ đó thể chế về giám định tư pháp đã cơ bản được hoàn thiện một bước với việc ra đời của Luật giám định tư pháp năm 2012 và 38 văn bản hướng dẫn do Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực giám định ban hành, các chế độ chính sách đối với người giám định tư pháp được quan tâm, chăm lo hơn; hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y được củng cố, hoàn thiện một bước, tổ chức pháp y tâm thần được đổi mới bằng việc thành lập các Trung tâm pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ Y tế thay cho các Trung tâm tâm thần cấp tỉnh; cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp được quan tâm đầu tư, tăng cường; đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng và chất lượng; việc lập và công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc trong các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải… được chú trọng; mô hình tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập đã được xác lập và cho phép thành lập ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng, chuyên ngành di vật, cổ vật và bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn hóa; phạm vi giám định tư pháp được mở rộng gắn với việc cho phép một số người tham gia tố tụng quyền tự mình yêu cầu giám định tư pháp; chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã được nâng lên một bước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng…
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, thực hiện Đề án, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận nêu trên, công tác giám định tư pháp tuy đã có biến chuyển nhưng chưa phải là căn bản, đột phá, còn có những hạn chế, bất cập như nhận thức của các cấp các ngành về giám định tư pháp có được nâng lên nhưng chưa đầy đủ và thống nhất; thể chế cần tiếp tục hoàn thiện; nhiều vướng mắc, khó khăn trong hoạt động giám định tư pháp cần tiếp tục giải quyết, nhất là trước yêu cầu của tình hình mới của cải cách tư pháp và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, có nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng của Đề án đang được các Bộ, ngành và địa phương triển khai, thực hiện như tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, phối hợp liên ngành… cần phải tiếp tục thực hiện trong nhiều năm tới thì mới đạt kết quả và phát huy tác dụng trên thực tế.
Trên cơ sở kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Đề án, rà soát các nhiệm vụ giải pháp chưa được thực hiện, chưa hoàn thành hoặc bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp theo yêu cầu của tình hình mới, Bộ Tư pháp đã dự thảo “Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” đến 2022. Dự thảo Đề án đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: 1- Hoàn thiện chế định giám định tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách pháp luật và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới;
2- Hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp và tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện hoạt động giám định tư pháp;
3- Củng cố và phát triển đội ngũ người giám định tư pháp cả về số lượng và chất lượng;
4- Nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, đổi mới hoạt động trưng cầu, yêu cầu giám định; đổi mới hoạt động đánh giá kết luận giám định;
5- Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp và thực thi pháp luật.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.