(napa.vn) – Sáng ngày 22/5/2024, tại Hà Nội, Khoa Ngoại ngữ – Tin học, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Hành chính Quốc gia”. TS. Giáp Thị Yến, Phó Trưởng Khoa và TS. Đinh Thị Hương, Trưởng Bộ môn Ngoại ngữ cơ bản và chuyên ngành đồng chủ trì Tọa đàm.
Quang cảnh Tọa đàm
Dự Tọa đàm, có PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng Khoa, phụ trách Khoa Ngoại ngữ – Tin học; TS. Nguyễn Văn Lượng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Hà Văn Hậu, Phó Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; bà Trần Thị Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; cán bộ, giảng viên, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện.
TS. Giáp Thị Yến, Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ – Tin học phát biểu đề dẫn.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Giáp Thị Yến nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với sinh viên đại học nói chung và sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng. Nghiên cứu khoa học không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt quá trình học tập mà còn là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp và quá trình phát triển của sinh viên trong tương lai. Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp sinh viên củng cố kiến thức chuyên môn, phát triển tư duy phản biện, đồng thời chuyên nghiệp hóa tri thức, kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế.
Tọa đàm là cơ hội quý báu để lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, thảo luận những giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, qua đó góp phần phát triển các nhà khoa học trẻ cho Học viện những giai đoạn tiếp theo.
Tọa đàm đã nhận được 22 bài tham luận được tổng hợp tại kỷ yếu và nhiều ý kiến trực tiếp thảo luận, trao đổi về những nội dung cơ bản như:
(1) Sự cần thiết của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh;
(2) Những thuận lợi, khó khăn của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh khi tham gia nghiên cứu khoa học;
(3) Điều kiện khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh;
(4) Thực trạng nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện;
(5) Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện.
PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện đánh giá cao chủ đề Tọa đàm có ý nghĩa thiết thực, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các em sinh viên. Chia sẻ quan điểm “ngôn ngữ là hình thức của tư duy”, Phó Giám đốc Học viện cho rằng việc học tập, nghiên cứu bất kỳ ngôn ngữ nào, trong đó có tiếng Anh không chỉ thuần túy để giao tiếp, làm việc trong môi trường quốc tế mà bản chất học ngôn ngữ là tiếp cận khoa học của ngôn ngữ. Ngôn ngữ hàm chứa văn hóa, lịch sử, sức sống của dân tộc. Người càng biết nhiều ngoại ngữ sẽ càng có tư duy sâu, rộng và cuộc sống tinh thần thực sự phong phú. Học ngôn ngữ Anh mang lại những giá trị đặc biệt, tuy nhiên cũng có nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ, đòi hỏi hành trình của sự kiên trì, quyết tâm, đồng thời không thể thiếu vai trò của giáo viên, người định hướng, gợi mở cho sinh viên.
PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị các đại biểu, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham dự Tọa đàm tập trung thảo luận vấn đề quan trọng làm thế nào để nâng cao năng lực của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, đặc biệt là năng lực nghiên cứu khoa học. Ngoài những định hướng nội dung, kiến thức chia sẻ từ phía các nhà khoa học, các thầy, cô, Toạ đàm còn lắng nghe nguyện vọng, suy nghĩ của các em sinh viên, qua đó góp phần củng cố, trang bị cho sinh viên tri thức, tâm hồn, vốn sống để vững tin vào xây dựng sự nghiệp tương lai và đóng góp cho xã hội của chính thế hệ này.
TS. Phạm Quang Quyền, Chủ nhiệm Thư viện, Trung tâm Công nghệ và Thư viện tham luận
Theo TS. Phạm Quang Quyền, Chủ nhiệm Thư viện, Trung tâm Công nghệ và Thư viện chia sẻ cơ hội sử dụng cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu khoa học. Theo đó, cơ sở dữ liệu vừa thực hiện nhiệm vụ phục vụ khai thác nguồn tài nguyên thông tin, đồng thời là kho dữ liệu để người dùng đối sánh, tra soát trước khi chọn đề tài nghiên cứu cũng như kiểm tra nội dung trong suốt quá trình nghiên cứu. TS. Quyền tham luận những vấn đề sử dụng hệ thống kiểm tra trùng lặp và các cơ sở dữ liệu quốc tế nhằm phục vụ hiệu quả quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, với các nội dung chính được trình bày gồm: (1) Hướng dẫn khai thác cơ sở dữ liệu quốc tế (IG Library); (2) Sử dụng hệ thống kiểm tra trùng lặp; (3) sự tham gia, đóng góp của giảng viên, người học vào hệ thống.
TS. Nguyễn Văn Lượng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận
Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, TS. Nguyễn Văn Lượng cho rằng, nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động không thể thiếu trong chương trình học tập tại trường đại học. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học của sinh viên còn gặp nhiều khó khăn do có những hạn chế về trải nghiệm, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu của sinh viên chưa sâu. TS. Lượng đưa ra một số gợi ý các vấn đề cần quan tâm để nâng cao chất lượng nghiên cứu, như: (1) Lựa chọn hướng nghiên cứu; (2) Lựa chọn đúng giáo viên hướng dẫn; (3) Quản trị dự án nghiên cứu; (4) Rèn luyện năng lực nghiên cứu; (5) Đạo đức nghiên cứu.
TS. Hà Văn Hậu, Phó Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham luận
Tham luận tại Tọa đàm, TS. Hà Văn Hậu cho rằng, để phát triển năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành ngôn ngữ Anh trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi sự nỗ lực từ Học viện và đội ngũ giảng viên, với tư cách là người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và quan trọng hơn là nỗ lực từ chính bản thân sinh viên, người trực tiếp thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ và ngoại ngữ tiếng Anh có lợi thế đặc biệt, tiềm năng khơi dậy hứng thú, tạo điều kiện hình thành và phát triển năng lực, qua đó nâng cao kết quả học tập và nghiên cứu khoa học.
Bà Trần Thị Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam, Đại diện IELTS 9.0 Philippines tại Việt Nam chia sẻ
Từ thực tiễn công tác, bà Trần Thị Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam, Đại diện IELTS 9.0 Philippines tại Việt Nam chia sẻ về quá trình học tập, nghiên cứu tại IELTS 9.0 với mô hình giáo dục “cá nhân hóa” trong môi trường “học không giới hạn”. Qua việc đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực phát triển giáo viên, phương pháp học và quy trình đánh giá chất lượng giúp xác định ưu điểm và nhược điểm của từng học viên, khắc phục những hạn chế, khuyến khích sinh viên làm chủ và có trách nhiệm hơn trong việc hoàn thiện kiến thức, kỹ năng trong học tập cũng như nghiên cứu khoa học.
ThS. Lê Văn Khải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính tham luận
ThS. Lê Văn Khải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính cung cấp nhiều thông tin hữu ích về hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có các thủ tục, quy trình, những ý tưởng nghiên cứu khoa học, khó khăn trong nghiên cứu khoa học của sinh viên. Theo ông, nghiên cứu khoa học đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có thể định hướng sự sáng tạo, tìm ra cái mới để ứng dụng trong thực tiễn, phát hiện những điều bất hợp lý, chưa hoàn chỉnh và những phương pháp để hoàn thiện, thúc đẩy quá trình học tập tốt hơn.
Đại biểu, sinh viên thảo luận, trao đổi ý kiến
Trong phần thảo luận Tọa đàm, đại biểu, sinh viên đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp câu hỏi và đưa ra những đề xuất liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, như: công cụ nghiên cứu, nguồn tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt, tiếng Anh; truy cập, khai thác dữ liệu trong nghiên cứu; kinh phí hỗ trợ nghiên cứu; quy định về phê duyệt tên đề tài, thành viên nghiên cứu…
Kết luận Tọa đàm, TS. Đinh Thị Hương trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã dành sự quan tâm, chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức và kinh nghiệm quý báu, tạo nguồn động lực giúp sinh viên tự tin hơn trên con đường nghiên cứu khoa học. Đồng thời, gửi lời cảm ơn các em sinh viên đã tích cực tham gia, lắng nghe và đặt câu hỏi tại Tọa đàm. Hy vọng sau buổi Tọa đàm, với sự nhiệt tình và tinh thần học hỏi, mỗi sinh viên sẽ rút ra được nhiều bài học hữu ích, sẵn sàng áp dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng được truyền thụ tại Học viện Hành chính Quốc gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và tạo dựng được những thành tựu nổi bật trong tương lai.