Quản lý nội dung để không báo hóa tạp chí khoa học

(napa.vn) – Sáng ngày 27/10, Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Quản lý nội dung để không báo hóa tạp chí”. TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí chủ trì Tọa đàm.

Khách mời tham dự Tọa đàm, có: GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology; TS. Phạm Thị Thu Huyền, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng; TS. Chu Thị Mai Phương, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương; ThS. Nguyễn Duy Dũng, Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện.

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước báo cáo đề dẫn tọa đàm.

Báo cáo đề dẫn Tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Vinh đã giới thiệu sơ lược về 30 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí (xuất bản số đầu tháng 5/1993). Là cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Hành chính Quốc gia, với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được giao, Tạp chí Quản lý nhà nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; là diễn đàn phản ánh những thành tựu nghiên cứu khoa học hành chính trong nước và quốc tế; phổ biến kiến thức, công nghệ hành chính, góp phần tích cực, trực tiếp vào công tác tham vấn chính sách cho Bộ Nội vụ; trong nghiên cứu khoa học hành chính và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Hiện nay, Tạp chí Quản lý nhà nước có 3 ấn phẩm: Tạp chí Quản lý nhà nước in (chỉ số ISSN 2354 – 0761): xuất bản 1 tháng/kỳ, phát hành ngày 25 hằng tháng; Tạp chí điện tử Quản lý nhà nước – https://www.quanlynhanuoc.vn (chỉ số ISSN 2815 – 5831); Tạp chí tiếng Anh – State Management Review (chỉ số ISSN 2815 – 6021) phát hành 01 kỳ/quý.

TS. Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, Tạp chí Quản lý nhà nước – cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Hành chính Quốc gia, với tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị được giao đã triển khai đồng thời 2 nhiệm vụ, đó là: (1) Tổ chức tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương; các hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia; (2) Là tạp chí khoa học chuyên ngành được tính điểm khoa học 0,75 điểm: công bố các bài viết khoa học; các công trình nghiên cứu về khoa học. Do vậy, việc nhận diện giữa thông tin, tuyên truyền với đăng tải bài báo khoa học có những khó khăn nhất định. Đó là, đối với nhiệm vụ tuyên truyền, cách viết, cách trình bày phải theo thể thức báo chí; đối với bài báo khoa học phải theo thể thức công trình nghiên cứu khoa học (tóm tắt, có từ khóa, ngày nhận bài, ngày phản biện, ngày duyệt đăng…).

Đặc biệt, với ấn phẩm điện tử, luôn song hành 2 cách thức trình bày cả nội dung và hình thức của 2 thể loại nêu trên. Phải làm thế nào để vừa bảo đảm thể thức của bài báo khoa học, vừa bảo đảm là cơ quan báo chí của Học viện là câu hỏi mà Tạp chí Quản lý nhà nước rất trăn trở và mong muốn được các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý cùng tháo gỡ. Với mục tiêu không ngừng hoàn thiện và phát triển, tiệm cận danh mục tạp chí khoa học quốc tế, Tọa đàm sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng chia sẻ, trao đổi, góp ý các vấn đề về nội dung, hình thức các ấn phẩm và gợi mở “hướng đi” trong xu thế mới đối với Tạp chí Quản lý nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu chỉ đạo Tọa đàm.

Phát biểu chỉ đạo Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, cần nhận diện “báo hóa” Tạp chí một cách hợp lý và linh hoạt hơn, nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ Tạp chí theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu gửi lời cảm ơn các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo của các cơ quan báo chí đã dành thời gian đến với Tọa đàm, với những tham luận, ý kiến chia sẻ đóng góp thiết thực, góp phần để Tạp chí Quản lý nhà nước hoàn thiện, phát triển và tiệm cận quốc tế. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu mong tiếp tục nhận được sự yêu mến và đồng hành của các đại biểu dành cho Tạp chí Quản lý nhà nước. Đối với biên tập viên, ban lãnh đạo Tạp chí, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu mong muốn Tạp chí cùng đoàn kết, nỗ lực hướng tới sự phát triển mới để theo kịp nền hành chính năng động trong bối cảnh mới của Học viện Hành chính Quốc gia.

GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology chia sẻ tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Quang Liêm đã chia sẻ về một số kinh nghiệm làm tạp chí khoa học. Theo GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các bộ, ngành nói chung nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế đã trở thành đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Để trở thành tạp chí đạt chuẩn quốc tế, các cơ sở dữ liệu, như: Web of Science, Scopus hay ACI, các tạp chí trong nước đã ngày càng tích cực trong các hoạt động xuất bản khoa học.

GS.TS. Nguyễn Quang Liêm cho rằng, các tạp chí khoa học trong nước đang có những dấu hiệu chuyển mình khá mạnh mẽ để trở nên chuyên nghiệp và phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế về xuất bản ấn phẩm khoa học. Chính các tạp chí khoa học cũng có nhu cầu tương tác với nhau, học tập lẫn nhau, chia sẻ và cùng hướng tới việc nâng cao chất lượng trong xuất bản các ấn phẩm mang tính học thuật cao. Cần có một cộng đồng để kết nối trước hết là các tạp chí khoa học trong nước như là một sự chuẩn bị cho quá trình cùng phát triển và hội nhập quốc tế. Phân biệt sự khác nhau giữa tính chất báo, tạp chí thường và tạp chí chuyên ngành, hướng đến mục tiêu xuất bản tạp chí tiếng Anh là chủ yếu; đặc biệt đối với ấn phẩm Tạp chí điện tử, việc tìm kiếm tài liệu dễ dàng, có yếu tố trực quan, sinh động, trong đó, sự yêu cầu liên kết xuất bản và hình thức trình bày của giao diện Website của Tạp chí điện tử là yếu tố quan trọng để hướng đến nhận diện nội dung khoa học và thông tin và hoạt động khoa học là cần thiết; đồng thời, đáp ứng tiêu chuẩn trong nghiên cứu khoa học và xuất bản tạp chí khoa học có chỉ số quốc tế. Ngoài ra, Tạp chí Quản lý nhà nước là tạp chí khoa học có lĩnh vực rộng, vừa phải bảo đảm tính chính trị, mang đặc thù riêng, vừa phải thu hút được bạn đọc quốc tế nên cần có những bài viết của các nhà khoa học quốc tế.

TS. Chu Thị Mai Phương, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Tham luận tại Tọa đàm, TS. Chu Thị Mai Phương đã chia sẻ kinh nghiệm xuất bản tạp chí khoa học với những đặc thù riêng, khác biệt so với các loại hình báo chí khác, đặc biệt là từ thực tiễn kinh nghiệm xuất bản của Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế. TS. Chu Thị Mai Phương nhấn mạnh, đối với tạp chí khoa học, việc thu hút và xuất bản các bài viết chất lượng, đóng góp đáng kể về tri thức học thuật và thực tiễn, giúp nâng cao vị thế của tạp chí nói riêng cũng như uy tín và thứ hạng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ quan chủ quản (viện nghiên cứu, trường đại học, nhà xuất bản…). Trong bối cảnh hiện nay, để giữ vững và nâng cao uy tín, tạp chí khoa học cần phải có chiến lược phát triển cụ thể trong việc sử dụng nguồn lực sẵn có cũng như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khác như truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh của chính tạp chí khoa học đó.

Tham luận cũng tập trung đề cập đến Bộ tiêu chí xét duyệt mới của ACI được chia thành 2 nhóm tiêu chí để các tạp chí khoa học cần đối soát nếu muốn gia nhập vào hệ thống ACI, gồm: (1) Nhóm tiêu chí ban đầu (Primary Criteria): gồm 6 tiêu chí không được tính điểm. Các tạp chí khoa học phải đáp ứng 100% các tiêu chí trong nhóm tiêu chí này để được ACI tiếp tục đánh giá; (2) Nhóm tiêu chí xét duyệt (Secondary Criteria): gồm 9 tiêu chí được tính điểm với tổng điểm là 20/20. Tạp chí được gia nhập ACI nếu đạt tổng điểm (từ 16/20 điểm). Trong trường hợp hồ sơ gia nhập đạt dưới16/20 điểm, tạp chí được coi là không đủ điều kiện gia nhập ACI và không được nộp lại hồ sơ trong vòng 2 năm tiếp theo.

Với góc nhìn là một người làm tạp chí khoa học, TS. Chu Thị Mai Phương đã chia sẻ kinh nghiệm biên tập và xuất bản của Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, bao gồm:

(1) Về đổi mới nội bộ tạp chí khoa học. Cần xây dựng chính sách, quy định Tạp chí theo chuẩn quốc tế; kiện toàn bộ máy nhân sự và đổi mới phương thức quản lý.

(2) Về tăng cường sự hiện diện, quảng bá hình ảnh tạp chí khoa học. Cần xây dựng hình ảnh tạp chí với cổng thông tin (website) chuyên nghiệp. Sử dụng mạng xã hội trở thành kênh truyền thông hữu hiệu giúp tạp chí khoa học tiếp cận được nhiều học giả hơn; nâng cao tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học bằng cách tham gia vào các danh mục/cơ sở dữ liệu uy tín trong nước, quốc tế và đồng hành cùng các hội thảo khoa học chuyên ngành; xây dựng kế hoạch xuất bản số đặc biệt cũng như cần tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm trong cộng đồng tạp chí khoa học và hội thảo khoa học chuyên môn.

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính phát biểu tại Tọa đàm. 

Theo TS. Đặng Thành Lê, Tạp chí Quản lý nhà nước luôn đưa ra định hướng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện Hành chính Quốc gia, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, là diễn đàn khoa học của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên… Học viện cần bảo đảm nguồn kinh phí ổn định để tạp chí hoạt động hợp lý, hiệu quả. Quan trọng hơn, cần có cơ chế tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Học viện nhằm phát huy vai trò của Tạp chí Quản lý nhà nước và những người làm công tác báo chí tại tòa soạn, để không “báo hóa” tạp chí.

TS. Phạm Thị Thu Huyền, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng trình bày tham luận tại Tọa đàm.

TS. Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ, buổi tọa đàm chính là cơ hội những người làm tạp chí khoa học có cơ hội học hỏi, chia sẻ và đưa ra những giải pháp làm thế nào quản lý nội dung để không báo hóa tạp chí. Một trong những yếu tố quan trọng là sự quy chuẩn của tài liệu tham khảo, sự minh bạch, trung thực trong trích dẫn. Bên cạnh đó, bài báo khoa học cần có ý nghĩa, tầm quan trọng, đặc biệt là tính mới của bài báo. Từ đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của biên tập viên, thư ký tòa soạn, ban biên tập và người đứng đầu tạp chí. Theo TS. Phạm Thị Thu Huyền, quy trình phản biện, chuyên gia phản biện và việc đặt viết bài báo khoa học chất lượng cũng là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tạp chí khoa học, tiệm cận chỉ số bài báo khoa học quốc tế.

ThS. Nguyễn Duy Dũng, Tạp chí Dân tộc chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm.
PGS.TS. Nguyễn Nghị Thanh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo quốc tế.

Tọa đàm đã nhận được nhiều câu hỏi, chia sẻ ý kiến đóng góp của các đại biểu, các nhà khoa học cũng như gần 20 tham luận trong kỷ yếu với những kinh nghiệm quý báu về hoạt động báo chí, xuất bản, tác nghiệp trong thực tiễn; kinh nghiệm để nội dung tạp chí không bị “báo hóa” như hiện nay.

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Vinh trân trọng cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học, nhà báo, cán bộ, biên tập viên Tạp chí Quản lý nhà nước đã có những ý kiến, góp ý rất có giá trị khoa học về lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm đối với các nội dung liên quan đến Tọa đàm. Các ý kiến đóng góp cùng các bài tham luận được lựa chọn sẽ là căn cứ để Tạp chí Quản lý nhà nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thiện hơn nữa về chất lượng Tạp chí và nhiệm vụ được giao. Tọa đàm ngày hôm nay cũng là cơ hội để đội ngũ những người làm Tạp chí Quản lý nhà nước trao đổi kinh nghiệm, cách làm, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thảo luận những giải pháp cụ thể, khả thi, giúp Tạp chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đồng thời, tọa đàm còn có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai công tác xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí một cách quyết liệt, bài bản để làm lành mạnh hóa hoạt động báo chí nói chung và hoạt động Tạp chí Quản lý nhà nước nói riêng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Theo quanlynhanuoc.vn

Comments are closed.