Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, đối tượng áp dụng là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác gồm: Nguồn vốn còn lại tại thời điểm giải thể của Quỹ giải quyết việc làm địa phương thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; nguồn vốn ngân sách địa phương trích hàng năm (bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương và khả năng cân đối ngân sách) ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với ngân sách cấp tỉnh), Hội đồng nhân dân cấp huyện (đối với ngân sách cấp huyện) quyết định; nguồn tiền lãi thu được từ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được trích hàng năm để bổ sung vào nguồn vốn ủy thác theo quy định.
Thông tư nêu rõ đối tượng cho vay thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và một số đối tượng chính sách khác tại địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (nếu có).
Mục đích sử dụng vốn vay theo quy định tại Điều 14 Nghị định 78/2002/NĐ-CP và tình hình đối tượng, nhu cầu sử dụng vốn vay thực tế của địa phương để quy định.
Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm tiền vay (nếu có) do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các quy định hiện hành của NHCSXH và phù hợp với thực tế tại địa phương.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2017.
Lan Phương