Ngày 21/11/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Quản lý nhà nước (QLNN) đã tổ chức Tọa đàm “Hoạt động phản biện khoa học đối với các bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Quản lý nhà nước”. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Quyền Tổng Biên tập Tạp chí QLNN chủ trì Tọa đàm.
Dự Tọa đàm có: TS. Nguyễn Duy Hạnh – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục Lý luận (Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); TS. Trần Nghị – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ); PGS.TS. Trương Quốc Chính – Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở (Học viện Hành chính Quốc gia), Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí QLNN; các Phó Tổng Biên tập Tạp chí QLNN: TS. Nguyễn Quang Vinh, TS. Tạ Quang Tuấn cùng toàn thể cán bộ, biên tập viên Tạp chí QLNN.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Quyền Tổng Biên tập Tạp chí QLNN nhấn mạnh: chất lượng của tạp chí khoa học phụ thuộc vào chất lượng của các bài báo khoa học được duyệt đăng trên tạp chí đó. Do đó, để bảo đảm chất lượng cho các bài báo được đăng tải, các bài viết khoa học cần phải được xem xét, đánh giá và phản biện. Đặc biệt, để đáp ứng các yêu cầu đạt chuẩn quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc nghiên cứu, áp dụng quy trình phản biện chặt chẽ đối với các bài viết khoa học là yêu cầu bắt buộc cần tuân thủ đối với các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, và Tạp chí QLNN cũng không phải là ngoại lệ.
Quyền Tổng Biên tập Tạp chí QLNN đề nghị các đại biểu tham dự tích cực đóng góp các ý kiến và trao đổi về các nội dung có liên quan đến hoạt động phản biện khoa học đối với các Tạp chí khoa học chuyên ngành. Từ đó, Tạp chí QLNN có thêm những kinh nghiệm để đổi mới hoạt động phản biện nhằm nâng cao chất lượng ấn phẩm, đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đề dẫn Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã có những tham luận trao đổi nhằm làm rõ các nguyên tắc, quy trình, tiêu chí và các yêu cầu đối với hoạt động phản biện các bài báo khoa học gửi đăng trên tạp chí khoa học nói chung và Tạp chí QLNN nói riêng.
Với tham luận “Phản biện bài báo khoa học – yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với tạp chí khoa học chuyên ngành”, TS. Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Biên tập Tạp chí QLNN khẳng định: “Việc tổ chức phản biện bài báo khoa học là công việc cốt lõi mang tính nguyên tắc đối với mỗi tạp chí khoa học. Chất lượng nội dung của một tạp chí khoa học phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của phản biện”. Quan trọng là vậy, song TS. Nguyễn Quang Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận, trên thực tiễn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác phản biện ở các tạp chí xuất phát từ nhiều phía như: tác giả bài báo, tòa soạn tạp chí, chuyên gia phản biện và hội đồng biên tập… Do đó, chất lượng phản biện ở nhiều tạp chí khoa học chưa thực sự đạt được yêu cầu như mong muốn. Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Quang Vinh đề xuất 5 khuyến nghị đối với hoạt động phản biện ở các tạp chí, cụ thể: (1) chú trọng thu hút các tác phẩm chất lượng cao gửi đến tòa soạn; (2) xây dựng và phát triển hệ thống gửi bài và phản biện trực tuyến; (3) phát huy vai trò của Hội đồng biên tập trong hoạt động phản biện; (4) chú trọng lựa chọn đúng chuyên gia phản biện phù hợp với lĩnh vực bài viết phản ánh; (5) xuất bản ấn phẩm bản tiếng Anh để có điều kiện tiếp cận với tạp chí khoa học nước ngoài.
Đồng quan điểm khẳng định vai trò của hoạt động phản biện đối với việc quyết định chất lượng nội dung của tạp chí khoa học, TS. Trần Nghị – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức Nhà nước cho rằng, các tạp chí cần coi đây là nhiệm vụ và công việc chính của tạp chí và phải được duy trì thường xuyên. Tạp chí cũng cần đặc biệt quan tâm tới việc phát triển chuyên môn cho đội ngũ biên tập viên. Họ phải thực sự là những nhà khoa học thực thụ để có thể kiểm chứng các quan điểm, dữ liệu mà bài báo đưa ra, đồng thời là bộ phận trung gian tổng hợp và thể hiện các ý kiến góp ý khác nhau giữa tác giả, chuyên gia phản biện và các cấp quản lý của tòa soạn trong quá trình thẩm định bài báo khoa học.
Về huy động sự tham gia của Hội đồng Biên tập trong quá trình phản biện khoa học, TS. Trần Nghị và PGS.TS. Trương Quốc Chính – Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở (Học viện Hành chính Quốc gia) đồng quan điểm: các tạp chí khoa học nói chung và Tạp chí QLNN nói riêng cần nghiên cứu xây dựng quy chế tham gia phản biện cụ thể (trong đó có quy định về kinh phí phản biện) đối với các thành viên Hội đồng Biên tập để hạn chế sự lãng phí “nguồn trí tuệ khoa học” như hiện nay.
Bàn về yêu cầu đối với người phản biện khoa học, TS. Tạ Quang Tuấn – Phó Tổng Biên tập Tạp chí QLNN nhấn mạnh: “Người phản biện cần có năng lực cốt lõi về nghiên cứu khoa học, trong đó năng lực hiểu biết về cấu trúc trình bày và thể hiện các công trình khoa học là hết sức cần thiết”. Trên cơ sở phân biệt 4 hình thức/loại hình tương ứng với 4 chức năng của nghiên cứu khoa học (gồm: nghiên cứu mô tả; nghiên cứu giải thích; nghiên cứu dự báo và nghiên cứu giải pháp), TS. Tạ Quang Tuấn cho rằng: việc trình bày kết quả nghiên cứu khoa học cần theo đúng logic của từng hình thức nghiên cứu. Và, người nghiên cứu cũng như người phản biện phải nắm rõ được tính logic này để có thể nhận biết những hạn chế của nghiên cứu về mặt cấu trúc, từ đó có căn cứ để phản biện và góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng của bài báo khoa học trước khi đăng tải.
Cùng trao đổi về yêu cầu đối với người phản biện khoa học, ThS. Vũ Minh Huệ – Phó Trưởng ban phụ trách Ban Biên tập Tạp chí QLNN cho rằng: “Ngoài các yêu cầu bắt buộc về mặt chuyên môn và nghiêm túc, khách quan trong đánh giá, người phản biện cần có kỹ năng đọc bài báo khoa học một cách hiệu quả và nhanh chóng. Từ đó, mới đưa ra được nhận xét xác đáng cả về nội dung, hình thức bản thảo và bảo đảm được tiến độ xử lý bài vở của Tòa soạn ở các khâu sau phản biện”.
Còn theo ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Thư ký Tòa soạn, Phó Trưởng ban Biên tập và ThS. Lê Kim Nga – Trưởng Ban Thư ký – Trị sự (Tạp chí QLNN), để đánh giá, phản biện bài báo khoa học, việc nhận diện các tiêu chí, tiêu chuẩn cơ bản của một bài báo khoa học cũng là những yêu cầu mà người làm biên tập và người phản biện cần quan tâm. Với Tạp chí QLNN, ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc cho rằng, một bài viết được xem là bài báo khoa học hành chính và QLNN trước hết phải có nội dung phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí, đồng thời phải phản ánh được các kết quả nghiên cứu của lĩnh vực này với những gợi mở theo hướng nghiên cứu mới… Còn tiêu chí về thể thức của bài báo khoa học gửi đăng Tạp chí QLNN, ThS. Lê Kim Nga cũng cho biết những yêu cầu cụ thể về cấu trúc, dung lượng và thể thức trình bày… mà Tạp chí QLNN hiện đang áp dụng.
Để việc đánh giá, phản biện được khách quan, hiệu quả, bên cạnh yêu cầu về nhận diện các tiêu chí, tiêu chuẩn của bài báo khoa học, TS. Nguyễn Duy Hạnh – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục Lý luận khẳng định: “Việc xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá đối với các bài báo khoa học là vấn đề hết sức quan trọng. Các tiêu chí này cần được cụ thể hóa trên Mẫu phiếu phản biện mà mỗi Tòa soạn cần nghiên cứu xây dựng”. Theo ông, đây cũng là cơ sở để định hướng người phản biện đánh giá, nhận xét bài báo khoa học một cách khách quan và toàn diện nhất.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Duy Hạnh, ThS. Nguyễn Thị Thúy Vân – Biên tập viên Tạp chí QLNN nhìn nhận: hệ thống các tiêu chí và cách thức tính điểm khoa học cho một bài báo khoa học nói chung và bài báo khoa học hành chính và quản lý nhà nước nói riêng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với những người phản biện mà còn đối với cả tác giả bài viết và các biên tập viên.
Ở một góc độ khác khi bàn về quy trình thẩm định, ThS. Đoàn Kim Huy – Biên tập viên Tạp chí QLNN cho rằng: tác giả, đội ngũ biên tập viên và các chuyên gia phản biện là những nhân tố đồng thời và chủ yếu trong việc quyết định chất lượng của bài báo khoa học. Do đó, nghiên cứu, đổi mới việc tổ chức quy trình sao cho các chủ thể này có thể tham gia và “tương tác” một cách thường xuyên là giải pháp mà các tòa soạn tạp chí cần đặc biệt quan tâm để phát huy tối đa trí tuệ của các chủ thể vào quá trình thẩm định và nâng tầm chất lượng bài báo khoa học.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động thẩm định các bài báo gửi đăng trên Tạp chí QLNN, ThS. Đoàn Kim Huy đề xuất đổi mới quy trình này với việc chú trọng vào hai giai đoạn của quá trình thẩm định: (1) thẩm định của biên tập viên; (2) phản biện của các chuyên gia. Đồng thời, đề xuất tăng cường “tương tác” giữa ba chủ thể nêu trên trong quá trình thẩm định và đề cao trách nhiệm của các biên tập viên với vai trò là các “chuyên gia phản biện nội bộ”.
Kết thúc Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh trân trọng cám ơn và ghi nhận các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm và mang tính xây dựng cao của các đại biểu và cán bộ, biên tập viên Tạp chí QLNN. Tái khẳng định vai trò của hoạt động phản biện khoa học đối với việc nâng cao chất lượng của Tạp chí QLNN, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí QLNN cho rằng, những ý kiến trao đổi tại Tọa đàm là hết sức hữu ích và gợi mở những định hướng mới để Tạp chí QLNN nghiên cứu, xây dựng quy trình phản biện khoa học chặt chẽ đối với các bài viết gửi đăng Tạp chí QLNN. Qua đó, tiếp tục từng bước nâng tầm chất lượng của ấn phẩm khoa học của Tạp chí, hướng tới đáp ứng yêu cầu của tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế./.
Minh Hoàng