(Chinhphu.vn) – Việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam phải đảm bảo đúng quy chế, phản ánh đúng năng lực ngoại ngữ của người học về 4 kỹ năng sử dụng ngôn ngữ: Nghe, nói, đọc, viết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Thông tư nêu rõ, chứng chỉ ngoại ngữ được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ bậc 1 đến bậc 6.
Mẫu chứng chỉ ngoại ngữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.
Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (đơn vị tổ chức thi) bao gồm: Trường đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ thì được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Trung tâm ngoại ngữ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ thì được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh phổ thông).
Đối tượng dự thi là các cá nhân có nhu cầu được đánh giá năng lực ngoại ngữ hoặc có nhu cầu được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Việc đăng ký dự thi thực hiện theo một trong các cách sau: Cá nhân trực tiếp đến đăng ký thi với đơn vị tổ chức thi hoặc đăng ký thi trực tuyến qua trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi; cá nhân thông qua tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục nơi đang công tác, học tập đăng ký thi với đơn vị tổ chức thi.
Hình thức thi gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính; kỹ năng nói được tổ chức bằng hình thức thi nói trực tiếp hoặc thi trên máy vi tính.
Đối với thi kỹ năng nói trực tiếp, hình thức thi nói được thực hiện dưới dạng trực tiếp và ghi âm quá trình thi của thí sinh. Sau khi nhận đề hoặc được bốc thăm đề thi theo hướng dẫn của cán bộ chấm thi, thí sinh thực hiện phần thi theo định dạng đề thi.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2017.
Khánh Linh
(Website Chính phủ)