(napa.vn) – Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2021, sáng ngày 15/10/2021, tại Hà Nội, Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở trang trọng tổ chức Tọa đàm khoa học “Góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và Tổng kết kinh nghiệm 12 năm đào tạo chuyên ngành thanh tra” theo hình thức trực tuyến.
PGS.TS. Lê Thị Hương và PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có: TS. Lê Tiến Hào, Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh Tra Chính phủ; TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh Tra Chính phủ; TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; TS. Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; TS. Vũ Thị Thu Hằng, TS. Đinh Lương Minh Anh, Khoa Pháp luật Hành chính, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra; ông Trương Thanh Phong, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, nguyên là học viên lớp Đại học Hành chính văn bằng 2 chuyên ngành thanh tra K7CQ16 (2009 -2012); ông Lê Hồng Kỳ, Thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên là học viên lớp Đại học Hành chính văn bằng 2 chuyên ngành thanh tra; TS. Phạm Văn Phong, Phó Trưởng phòng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các giảng viên, chuyên viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện chúc mừng 40 năm xây dựng và phát triển của Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở. Với nội dung Tọa đàm là góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và Tổng kết kinh nghiệm 12 năm đào tạo chuyên ngành thanh tra, PGS.TS. Lương Thanh Cường cho rằng đây là một chủ đề Hội thảo hay, cần thiết và cấp thiết, có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn. Đồng thời, đứng trước những cơ hội mới, không gian mới, thách thức mới, PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở chủ động nghiên cứu, mở rộng thêm những vấn đề mới để có sự chuẩn bị sẵn về nhân lực, về chương trình, giáo trình, tài liệu, hướng nghiên cứu để tiếp nhận thêm những nhiệm vụ được mở rộng, bên cạnh những nhiệm vụ truyền thống hiện nay.
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh phát biểu đề dẫn Tọa đàm.
Chuyên ngành Thanh tra được đào tạo tại Học viện Hành chính Quốc gia từ năm học 2009-2010 cho đến nay. Qua 12 năm đào tạo với 02 khóa đại học hành chính văn bằng hai chuyên ngành thanh tra và 10 khóa đại học ngành quản lý nhà nước chuyên ngành thanh tra với hơn 1000 sinh viên chính quy đã cung cấp cho xã hội một lực lượng cử nhân chuyên ngành thanh tra có chất lượng. Theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia dừng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học từ năm 2018. Tổng kết kinh nghiệm đào tạo, đánh giá kết quả thực hiện, tìm ra những hạn chế, từ đó xây dựng chiến lược phát triển của Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở trong những năm tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh Học viện đang ở trong một giai đoạn mới là rất cần thiết.
Kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở, tổng kết 12 năm kinh nghiệm đào tạo ngành quản lý nhà nước chuyên ngành thanh tra, đồng thời chia sẻ những nội dung sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010; để Tọa đàm diễn ra thành công, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung thảo luận các nội dung sau:
- Những kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình triển lhai Luật Thanh tra từ năm 2010 đến nay;
- Bình luận tổng quát và đề xuất các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010;
- Đánh giá những kế quả đạt được và hạn chế trong quá trình đào tạo chuyên ngành thanh tra và định hướng trong những năm tiếp theo;
- Xây dựng định hướng đào tạo chuyên ngành thanh tra trong bối cảnh triển khai Đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ vào Học viện Hành chính Quốc gia.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở.
Trong Phiên thứ nhất, Tọa đàm nhận được 04 bài phát biểu của các đại biểu tham dự.
TS. Đinh Văn Minh phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ chia sẻ vấn đề “Hạn chế bất cập của Luật Thanh tra 2010 và định hướng sửa đổi”. Về hạn chế bất cập của Luật Thanh Tra, TS. Đinh Văn Minh cho rằng tổ chức thanh tra chưa phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng bộ, ngành, địa phương, chưa thể hiện thanh tra là công cụ đắc lực của cơ quan quản lý và tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và sự tự chủ của các cơ quan quản lý trong việc tổ chức cơ quan thanh tra; sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, chưa phân biệt rõ giữa thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý; giữa Thanh tra Chính phủ với Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh; giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở; giữa Thanh tra tỉnh với Thanh tra huyện và Thanh tra sở; giữa Thanh tra bộ, ngành với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…; quy định hình thức thanh tra, thời hạn thanh tra là chưa phù hợp, các cuộc thanh tra quá thời hạn cũng khá phổ biến; cơ sở pháp lý thực hiện việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn thiếu, chưa đề cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra và cán bộ thanh tra; kiểm soát nội bộ thanh tra với Đoàn thanh tra mờ nhạt, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; việc việc thực hiện kết luận thanh tra tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Trên cơ sở xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật, TS. Đinh Văn Minh chia sẻ những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với các nội dung về: thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra; tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; Tổ chức, hoạt động thanh tra trong các cơ quan khác của nhà nước; Hoạt động thanh tra; Phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán; về việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra; về Thanh tra nhân dân.
TS. Lê Tiến Hào phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Lê Tiến Hào, Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tham luận tại Tọa đàm với chủ đề “Địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước”. Nhằm xem xét sửa đổi, bổ sung để nâng cao địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra, TS. Lê Tiến Hào đề xuất một số nội dung như: (1) Đề nghị bổ sung quy định: Cơ quan thanh tra nhà nước không chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc, mà còn là cơ quan có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; (2) Đề nghị bổ sung quy định cụ thể phạm vi, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp; (3) Sửa đổi, bổ sung để tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của cơ quan thanh tra cấp trên với cơ quan thanh tra cấp dưới cả về công tác, nghiệp vụ và tổ chức; (4) Tăng thẩm quyền quyết định cho cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra để tương xứng với nhiệm vụ được giao; (5) Đề nghị bổ sung cơ chế đảm bảo thực hiện quyền của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra bằng việc quy định chế tài xử lý đối với những vi phạm pháp luật về thanh tra; (6) Sửa đổi, bổ sung để nâng cao giá trị pháp lý của kết luận thanh tra; (7) Đề nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra theo hướng quy định cơ quan thanh tra nhà nước được sử dụng một số nghiệp vụ điều tra trong hoạt động thanh tra; (8) Đề nghị bổ sung tăng cường vị thế của người đứng đầu cơ quan thanh tra; (9) Đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh phát biểu tại Tọa đàm.
Chia sẻ tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra nêu vấn đề “Thanh tra trong quản lý nhà nước và một số vấn đề đặt ra với việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010”. TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng việc xác định mô hình cơ quan thanh tra nhà nước trong Dự thảo Luật Thanh tra như thế nào đòi hỏi phải xác định được địa vị pháp lý, chức năng thanh tra trong quản lý nhà nước. TS. Nguyễn Tuấn Khanh nêu các vấn đề về mô hình tổ chức và các loại hình hoạt động thanh tra; về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra.
TS. Đinh Lương Minh Anh phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Đinh Lương Minh Anh, Khoa Pháp luật Hành chính, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm về nội dung “Bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra ở một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam”. TS. Đinh Lương Minh Anh trình bày các vấn đề về: địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra – ví dụ từ Trung Quốc, Hàn Quốc; tổ chức nhân sự và vận hành bộ máy ngành Thanh tra – ví dụ từ Cộng Hòa Pháp đồng thời, về tính độc lập của bộ máy thanh tra, qua những phân tích từ các thiết chế trong bài viết, đối chiếu với các nội dung trong Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, TS. Đinh Lương Minh Anh đã đưa ra một số nhận định như: tính độc lập là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức hoạt động thanh tra nhà nước; một số quốc gia xác lập tính độc lập ở mức độ cao, gần như tuyệt đối cho bộ máy thanh tra nhà nước thông qua cơ sở pháp lý mang tính chất hiến định; việc cơ quan thanh tra gắn với hệ thống hành pháp nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập cần thiết trong hoạt động đã chứng minh tính khả thi thông qua mô hình thanh tra nhà nước Pháp.
Phiên 2 của Tọa đàm, PGS.TS. Lê Thị Hương, GVCC Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở đã phát biểu Tổng kết 12 năm đào tạo ngành quản lý nhà nước chuyên ngành Thanh tra.
Tự hào là đơn vị tiên phong trong cả nước đào tạo chuyên ngành thanh tra trình độ cử nhân, hệ chính quy cho đối tượng là sinh viên trúng tuyển hệ đào tạo cử nhân hành chính học tại Học viện Hành chính Quốc gia và có nguyện vọng theo học chuyên ngành Thanh tra; từ năm 2009 đến nay, Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở đã đào tạo được tròn 10 khoá sinh viên ở cả 2 cơ sở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với tổng số hơn 1000 sinh viên đã tốt nghiệp ở cả 2 miền. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thanh tra tại Học viện đã và đang giữ nhiều vị trí, chức vụ, trọng trách quan trọng trong các cơ quan nhà nước tại trung ương và địa phương. Chặng đường 12 năm chuyên ngành thanh tra tại Học viện Hành chính Quốc gia là một chặng hành trình đầy tâm huyết và trách nhiệm của tập thể cán bộ giảng viên Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở cũng như sự cố gắng hết mình của các em sinh viên. Thay mặt tập thể Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở, PGS.TS. Lê Thị Hương trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, các bộ phận phòng ban trong Học viện, sự quan tâm giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu từ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra sở, ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước để Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở có được sự phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.
Ông Trương Thanh Phong phát biểu tại Tọa đàm.
Đại diện cho 32 học viên lớp Đại học Hành chính văn bằng 2 chuyên ngành thanh tra K7CQ16 (2009 -2012), ông Trương Thanh Phong, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa bày tỏ sự vui mừng khi được tham gia Tọa đàm; chúc mừng Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở tròn 40 năm xây dựng, phát triển. Với tư cách là học viên từng tham gia học tập tại Học viện, đồng thời là một cán bộ thanh tra đang công tác tại tỉnh Khánh Hòa, ông Trương Thanh Phong đã có những góp ý về chương trình, giáo trình đào tạo ngành thanh tra, như cần nghiên cứu, bổ sung kiến thức về nghiệp vụ thanh tra nói chung, kiến nghị cử nhân thanh tra sau khi tốt nghiệp ra trường không cần tham gia các lớp bồi dưỡng; quá trình giảng dạy nên mời các cán bộ thanh tra các bộ, ngành chia sẻ kinh nghiệm thực tế; cần nghiên cứu, bổ sung hệ thống giáo trình đầy đủ, phong phú, nên có giáo trình tâm lý học thanh tra và giao tiếp trong hoạt động thanh tra. Đối với nội dung góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010, ông Trương Thanh Phong mong muốn củng cố địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra nói chung, cơ quan thanh tra cấp tỉnh nói riêng; sớm sửa đổi theo hướng xây dựng cơ quan thanh tra theo ngành dọc; thống nhất quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của thanh tra bộ ngành, giảm bộ máy thanh tra chuyên ngành; quy định cụ thể trong hoạt động chồng chéo của các cơ quan thanh tra…
Là giảng viên tham gia giảng dạy tại Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở, TS. Lê Thị Hoa đã chia sẻ tại Tọa đàm về nội dung “Giảng dạy bằng phương pháp tình huống trong đào tạo cử nhân chuyên ngành Thanh tra”. Đối với sinh viên chuyên ngành thanh tra việc đào tạo kỹ năng là vô cùng cần thiết. Phương pháp đào tạo theo tình huống giúp khoảng cách lý thuyết – thực tế được rút ngắn đáng kể, sinh viên có điều kiện để củng cố và kiểm chứng kiến thức lý thuyết dưới góc nhìn chân thực hơn, đồng thời giúp sinh viên biết được khả năng ứng dụng của nội dung môn học. TS. Lê Thị Hoa đã chỉ ra tác dụng giảng dạy bằng phương pháp tình huống, đồng thời chia sẻ những khó khăn của giảng viên, học viên khi giảng dạy, học tập bằng phương pháp này.
TS. Vũ Thị Thu Hằng phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Vũ Thị Thu Hằng, Khoa Pháp luật Hành chính, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chuyên ngành thanh tra, mời giảng viên là các thầy cô đến từ các cơ quan thanh tra trong cả nước; có chủ trương trưng tập viên chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các bộ, ngành để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; đối với học viên tham gia học tập chuyên ngành thanh tra cần có năng lực về chuyên môn, ngoài việc học tập chuyên ngành thanh tra nên học song bằng các ngành luật, quản lý kinh tế, quản lý văn hóa để phục vụ tốt hơn cho quá trình công tác sau này.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đã có những câu hỏi, những chia sẻ để làm rõ các vấn đề trong nội dung góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và các kinh nghiệm đào tạo chuyên ngành thanh tra.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh chân thành cảm ơn những đóng góp, những chia sẻ, những kinh nghiệm quý báu của đại biểu, các nhà khoa học đã phát biểu tại Tọa đàm; cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đối với Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở. Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Khoa trong thời gian tới./.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
TS. Bùi Thị Thanh Thúy, Trưởng Bộ môn Thanh tra, Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Phạm Văn Phong, Phó Trưởng phòng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật phát biểu tại Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm theo hình thức trực tuyến.
Như Ngọc