Tọa đàm khoa học: “Hoàn thiện quy trình xuất bản Tạp chí Quản lý nhà nước tiếng Anh – State Management Review”

(napa.vn) – Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2022 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia giao, sáng ngày 16/9/2022, tại Hà Nội, Tạp chí Quản lý nhà nước tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Hoàn thiện quy trình xuất bản Tạp chí Quản lý nhà nước tiếng Anh-State Management Review”. TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu, khách mời có: GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); PGS.TS. Từ Thúy Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương); PGS.TS. Phạm Thế Hải, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Dược – Thông tin thuốc (Trường Đại học Dược Hà Nội); TS. Giang Khắc Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc (Học viện Dân tộc); TS. Chu Thị Mai Phương, Biên tập viên Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế; TS. Phan Hải, Tạp chí Khoa học vật liệu và linh kiện.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; ThS. Phạm Quỳnh Hoa, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; các đồng chí lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện; cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Quản lý nhà nước (QLNN) và các cộng tác viên.

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí QLNN chủ trì Toạ đàm.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí QLNN, cho biết: nâng cao chất lượng Tạp chí QLNN là nhu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu về trao đổi học thuật, trao đổi tri thức và hội nhập quốc tế của Học viện Hành chính Quốc gia. Ngày 16/9/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Giấy phép xuất bản State Management Review số: 615/GP-BTTTT với tôn chỉ, mục đích: “Sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để thông tin chuyên sâu về lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước; trao đổi những vấn đề lý luận, thực tiễn trong quản lý nhà nước, cải cách hành chính, chính sách công và các lĩnh vực liên quan”.

Tạp chí bản tiếng Anh – State Management Review phát hành số I, tháng 9/2021 trên phạm vi toàn quốc và gửi trao đổi với các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu tại một số nước trên thế giới. Đến tháng 9/2022, Tạp chí tiếng Anh phát hành được 5 kỳ.

Ngay từ những số đầu tiên xuất bản, Tạp chí QLNN đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với bài báo khoa học nhất là khâu phản biện kín bài viết nhằm chuẩn hóa chất lượng khoa học với mục tiêu ấn phẩm Tạp chí State Management Review được tính điểm khoa học.

Căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn và yêu cầu của các cơ quan chức năng, trên cơ sở chất lượng thực sự của ấn phẩm Tạp chí State Management Review, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Mã số chuẩn quốc tế cho Tạp chí State Management Review là ISSN: 2815 – 6021. Ngày 06/7/2022, Hội đồng Giáo sư nhà nước ban hành Quyết định số 42/QĐ – HĐGSNN công nhận Tạp chí State Management Review được tính 0,75 điểm ở Hội đồng Giáo sư liên ngành Chính trị học – Triết học – Xã hội học và 0,25 điểm ở Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế.

Ấn phẩm State Management Review đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của tạp chí khoa học chuyên ngành, với nội dung và hình thức khá tốt, được bạn đọc, nhà khoa học đánh giá cao. Nhưng do thời gian phát hành chưa lâu, số lượng phát hành chưa lớn nên vẫn còn có những hạn chế nhất định, cần khắc phục.

Với mục tiêu không ngừng hoàn thiện và phát triển, tiệm cận Danh mục tạp chí khoa học quốc tế, Tạp chí QLNN mong muốn Tọa đàm sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và bạn đọc cùng chia sẻ, trao đổi, góp ý các vấn đề về nội dung, hình thức của ấn phẩm State Management Review. Nội dung tham luận, góp ý tập trung vào những nội dung: những yêu cầu để gia nhập quốc tế của Tạp chí khoa học Việt Nam; kinh nghiệm xuất bản Tạp chí tiếng Anh trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức ấn phẩm tiếng Anh; những yêu cầu cần phải có để nâng cao chất lượng Tạp chí State Management Review…

Tại Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở.

PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam với tham luận Tổ chức phản biện, nâng cao chất lượng học thuật và duyệt đăng bài trên Vietnam Social Sciences Review, cho biết: Tạp chí Vietnam Social Sciences Review (VSSR) được thành lập năm 1983, thường được giới khoa học nước nhà biết tới là tạp chí ba thứ tiếng, VSSR đã xuất bản 210 số tiếng Anh trong gần 40 năm qua, với quy trình phản biện chặt chẽ. Quy trình phản biện bài báo khoa học có thể là kín toàn phần, hoặc kín bán phần. Chỉ khi cảm thấy bài viết đáp ứng được cả về hình thức và nội dung, bản thảo mới được Phòng Biên tập tiếng Anh trình Tổng Biên tập ký giấy mời 2 phản biện độc lập – là những chuyên gia đầu ngành, có chuyên ngành gần với bài viết để góp ý về học thuật cho bản thảo. Hai phản biện sẽ cho ý kiến vào phiếu phản biện và có thể góp ý trực tiếp vào bài. Các nội dung phản biện tập trung vào chất lượng học thuật của bài viết, đóng góp của công trình đối với kiến thức chung của giới học thuật hiện nay.

GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Quang Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ với Tọa đàm về một số tiêu chí, yêu cầu, kinh nghiệm để một tạp chí gia nhập và có tên trong những tạp chí khoa học quốc tế. Trong đó việc chọn đề cử các thành viên của Hội đồng biên tập là rất quan trọng, như phải những nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước, người làm khoa học, biên tập thực tài để giúp tòa soạn giải quyết công việc hằng ngày. Đồng thời, tạp chí cũng cần đầu tư nhân lực, trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ cho công việc chuyên môn, như: phần mềm kiểm soát “đạo văn”, thiết bị chuyển đổi số, gửi và tiếp nhận ý kiến phản biện của các chuyên gia đối với bài báo khoa học…

TS. Nguyễn Nghị Thanh, giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Tham luận tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Nghị Thanh, giảng viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trao đổi về: Đánh giá đồng đẳng mù đơn và đánh giá đồng đẳng mù đôi trong bình duyệt tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI và SCOPUS. Đánh giá đồng đẳng mù là yêu cầu bắt buộc và là nhân tố quyết định một bản thảo có được xuất bản trên hệ thống các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus. Đánh giá đồng đẳng mù đơn là phương pháp đánh giá truyền thống trong đó, người phản biện biết danh tính tác giả, nhưng tác giả không biết danh tính người phản biện; đánh giá đồng đẳng mù đôi là phương pháp đánh giá mà ở đó cả danh tính của người đánh giá và tác giả đều được giấu kín trong suốt quá trình đánh giá. Mỗi hình thức đánh giá đều có những ưu và nhược điểm nhất định. Vì vậy, Tạp chí Việt Nam cần tham khảo lựa chọn hình thức đánh giá cho phù hợp.

TS. Vũ Văn Tính, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia.

TS. Vũ Văn Tính, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia tham luận về công tác biên tập Tạp chí Luật học – kinh nghiệm từ Hiệp hội sinh viên Luật châu Âu. TS. Vũ Văn Tính cho rằng: tinh thần cống hiến các chuyên gia tham gia phản biện và của Ban biên tập một tạp chí chuyên ngành là nhân tố quan trọng góp phần vào chất lượng bài viết và sự thành công của tạp chí. Do vậy, quy trình phản biện và biên tập phải được dự kiến trước và phải được tổ chức với các mốc thời gian phù hợp. Quá trình biên tập còn yêu cầu phải có sự tham gia của đối tác bên ngoài ít nhất là đối với giai đoạn đánh giá đồng cấp. Các giai đoạn của quy trình cần phải thống nhất trước về tiến độ thời gian cho toàn bộ dự án và tôn trọng tất cả các thời hạn nội bộ để tránh khả năng không đáp ứng được thời hạn như đã ấn định. Quy trình mà Hiệp hội sinh viên luật châu Âu đưa ra cho các tạp chí chuyên ngành của mình gồm 5 giai đoạn: (1) phản biện kín; (2) lập danh sách các bài viết được lựa chọn; (3) đánh giá đồng cấp; (4) các tác giả chỉnh sửa bài viết của mình; (5) biên tập về ngôn ngữ và kỹ thuật.

PGS.TS. Từ Thúy Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương.

Về việc nâng cấp tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế, PGS.TS. Từ Thúy Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ kinh nghiệm của Journal of International Economic and Management. Hiện nay, việc một bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín sẽ giúp nâng cao tầm ảnh hưởng và tăng kết nối giữa nhà khoa học với cộng đồng học thuật. Trong xu thế phát triển khoa học và công nghệ, các tổ chức từ trường đại học, viện nghiên cứu đến các cơ quan nhà nước như bộ, ngành đều tài trợ kinh phí cho các nhóm nghiên cứu mà trong đó, bài báo khoa học được tính là sản phẩm cần thiết phải đạt được. Những điều này đã tạo ra nhu cầu được đánh giá, duyệt đăng bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chất lượng và uy tín. Trong dài hạn, các tạp chí khoa học Việt Nam bắt buộc sẽ phải từng bước nâng cấp và đổi mới chính sách, quy trình quản lý để bắt kịp với xu hướng chung, thu hút được nhiều bài viết chất lượng. Dưới góc độ quản lý, kinh nghiệm của Journal of International Economics and Management trong việc nâng cấp, đổi mới tạp chí khoa học tiệm cận theo chuẩn quốc tế, bao gồm: (1) Xây dựng chính sách và quy định; (2) Chiến lược tăng cường sự hiện diện tạp chí; (3) Chuyển đổi số trong quản lý tạp chí. Đây là nguồn tham khảo để các tạp chí khoa học trong nước đổi mới và nâng cấp chất lượng.

PGS.TS. Phạm Thế Hải, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Dược – Thông tin thuốc (Trường Đại học Dược Hà Nội).
ThS. Phạm Quỳnh Hoa, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế.
TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính.
TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế.

Tọa đàm còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp của các đại biểu tham dự: PGS.TS Nguyễn Thế Hải, TS. Nguyễn Thị Hường, ThS. Phạm Quỳnh Hoa; ThS. Nguyễn Thị Thu Cúc… Các ý kiến tập trung vào các nội dung, như: thành lập các câu lạc bộ, nhóm tạp chí khoa học để có nhiều cơ hội chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, hợp tác cùng phát triển; thu hút nguồn bài chất lượng; sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để viết bài đăng tạp chí tiếng Anh; phát triển xu hướng liên kết xuất bản… nhằm ngày càng hoàn thiện quy trình xuất bản tạp chí State Management Review.

Toàn cảnh Toạ đàm.

Tổng kết Tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Vinh trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã gửi hơn 20 bài tham luận có giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn để Ban Biên tập chọn lựa, biên tập và in Kỷ yếu Tọa đàm. Đặc biệt, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, trao đổi tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động. Tạp chí QLNN nói chung, ấn phẩm State Management Review nói riêng sẽ không ngừng hoàn thiện và phát triển, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới của Học viện Hành chính Quốc gia và của đất nước trong hội nhập quốc tế. Đồng chí Tổng Biên tập trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, nhà khoa học đã nhiệt tình tham gia viết bài, trực tiếp tham dự và tham luận tại Tọa đàm; trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Học viện, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nguồn lực cần thiết để Tọa đàm thành công tốt đẹp.

Các đại biểu dự Toạ đàm chụp ảnh lưu niệm.

(Theoquanlynhanuoc.vn)

Comments are closed.