Tọa đàm khoa học: “Kỹ năng chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân”

Sáng ngày 17/10/2016, Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Kỹ năng chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân“. PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính chủ trì Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tham dự và là diễn giả chính của Tọa đàm.

TS. Lê Như Thanh – Phó Giám đốc Thường trực Học viện; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo một số khoa, ban trong Học viện và đông đảo cán bộ, giảng viên của Khoa cùng tham dự.

1

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu phát biểu đề dẫn

Mở đầu Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu đã phát biểu đề dẫn, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, coi đây là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri ở địa phương. Thông qua hoạt động chất vấn đã giúp cho các cơ quan và người được chất vấn làm tốt hơn các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công. Để hoạt động này mang lại hiệu quả cao thì việc bồi dưỡng năng lực nói chung và kỹ năng chất vấn cho đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tọa đàm khoa học sẽ góp phần để đội ngũ giảng viên có thêm kiến thức khi tham gia giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

2

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết trình bày tại Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết đã trình bày về một số nội dung cơ bản của hoạt động chất vấn như: khái niệm, mục đích, các chủ thể và hình thức của hoạt động chất vấn,…

3

TS. Lê Như Thanh – Phó Giám đốc Thường trực Học viện trao đổi với GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết tại Tọa đàm

Đặc biệt, với kinh nghiệm nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cần thiết nhưng hết sức quý báu liên quan tới kỹ năng chất vấn của các đại biểu dân cử nói chung và đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng, từ khâu chuẩn bị nội dung chất vấn đến việc thực hiện hoạt động chất vấn, như: cách thức thu thập thông tin từ nhiều nguồn và xử lý thông tin một cách đầy đủ, chính xác để có thể lựa chọn được nội dung chất vấn “đúng”, “trúng” và “có tầm”; cách thức tranh luận trong chất vấn; cách trình bày ý kiến trong quá trình chất vấn và thái độ, phong cách trong chất vấn,… Một số điều mà các đại biểu dân cử nên tránh trong quá trình tiến hành chất vấn, đó là: ý đồ, động cơ cá nhân; biện hộ quanh co, dài dòng, không rõ quan điểm hoặc ngụy biện (đánh tráo khái niệm, lợi dụng quyền thế, uy tín,..); hoặc để cảm xúc lấn át lý trí,….

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi và tích cực trao đổi với GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết nhằm làm rõ thêm nhiều nội dung có liên quan tới lý luận cũng như thực tiễn của hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Các câu hỏi đưa ra đều được nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giải đáp thỏa đáng.

4

5

6

8

9

10

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm

Kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu đã bày tỏ cám ơn trân trọng tới GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết và các đại biểu đã dành thời gian tới chia sẻ và trao đổi với cán bộ, giảng viên của Khoa về kỹ năng chất vấn của đại biểu dân cử nói chung và của đại biểu Hội đồng nhân dân nói riêng. Đây là nội dung hết sức bổ ích giúp cán bộ, giảng viên của Khoa có thêm thông tin về lý luận cũng như thực tiễn sinh động, phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy của Khoa tại các lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cùng tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cùng tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính

Đoàn Kim Huy

Comments are closed.