Sáng ngày 15/11/2017, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa QLNN về xã hội đã tổ chức tọa đàm về vấn đề lao động, việc làm – những thách thức đặt ra cho quản lý nhà nước về giải quyết việc làm hiện nay ở nước ta.
Tới dự, có TS. Đoàn Hữu Bảy – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; TS. Nguyễn Thị Quyên – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; PGS.TS. Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách nghề, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện; về phía khoa QLNN về xã hội, có TS. Nguyễn Thị Hường – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa, chủ trì tọa đàm; các báo cáo viên cùng giảng viên, sinh viên khoa QLNN về xã hội tham dự.
Mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Hường đã có bài phát biểu mang tính đề dẫn, tập trung các nội dung về thực trạng của thị trường lao động, việc làm hiện nay ở nước ta. Hiện nay, hoạt động của thị trường lao động trong thời gian qua còn mang tính tự phát và phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Vẫn còn tình trạng lao động phân bố không đều giữa các vùng; chất lượng nguồn nhân lực lao động còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và một thị trường lao động ngày càng tăng sức cạnh tranh; quá trình dịch chuyển lao động còn gặp nhiều hạn chế. Cùng với đó là cơ cấu ngành, nghề đào tạo lao động chưa thực sự hợp lý… Trong bối cảnh phát triển thị trường lao động gắn liền yêu cầu đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vai trò QLNN về lao động, việc làm càng cần phải được tăng cường hơn nữa để nâng cao sự thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đang từng bước đổi mới và phát triển.
Tiếp đó, TS. Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH chia sẻ nhiều thông tin cập nhật về lao động, việc làm trong khu vực Asean và Việt Nam. Xác định xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam tác động đến thị trường lao động. Nhận diện một số thách thức đặt ra trong QLNN đối với lĩnh vực lao động, việc làm.
Cũng tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, các nhà khoa học và giảng viên đã có nhiều tham luận, ý kiến tham gia và đề xuất một số giải pháp từ góc độ vĩ mô của Chính phủ và ngành chủ quản đối với lĩnh vực này, trong đó giải pháp quan trọng nhất là sự hoàn thiện về thể chế. Một số thuật ngữ và các kiến thức chuyên môn cần thiết trong việc nghiên cứu, giảng dạy cũng được đưa ra thảo luận.
Buổi tọa đàm thực sự có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đối với vấn đề lao động và việc làm hiện nay của nước ta.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm: