Tọa đàm khoa học: “Mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia”

(napa.vn) – Sáng  ngày 26/9/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm khoa học: “Mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia”.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học: GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, nguyên Trưởng khoa, Khoa Pháp luật hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; lãnh đạo các khoa, ban đơn vị của Học viện cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Nhà nước và Pháp luật.

LTC

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc.

Quan tâm đến nhu cầu, tầm quan trọng của đào tạo tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính trên cơ sở nghiên cứu sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia. PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị các nhà khoa học cho ý kiến làm rõ các nội dung:

(1) Cơ sở pháp lý cho việc Học viện xây dựng hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền mở đào tạo trình độ tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp – Luật Hành chính;

(2) Cơ sở thực tiễn về nhu cầu xã hội đối với nhân lực lĩnh vực pháp luật nói chung và ở bậc đào tạo tiến sỹ nói riêng, thực tiễn đội ngũ nhân lực cơ hữu, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của Học viện phục vụ đào tạo, thực tiễn về chương trình, giáo trình, học liệu, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo tiến sỹ ngành;

(3) Định hướng về chuẩn đầu ra, khung chương trình đào tạo đáp ứng tính khoa học, hiện đại, nhu cầu xã hội, đồng thời, giữ bản sắc riêng có, tính đặc thù của Học viện trong đào tạo tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.

_HKV2429

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật tham luận tại Tọa đàm.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đã trình bày tham luận “Đào tạo tiến sỹ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia”. Để đáp ứng mục tiêu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả; đồng thời, đứng trước sự thay đổi của tình hình chính trị – xã hội của đất nước cũng như trên thế giới, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh, quyết liệt, đặt ra trọng tâm cần xây dựng chiến lược phát triển Học viện mới cho phù hợp. Đặc biệt, để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện Hành chính Quốc gia, nghiên cứu xây dựng và mở mã ngành đào tạo tiến sỹ Luật Hiến pháp – Luật Hành chính là một nhu cầu tất yếu, nằm trong lộ trình phát triển của Học viện. Việc mở mã ngành đào tạo tiến sỹ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính thể hiện đặc thù về đối tượng đào tạo của Học viện và việc cần thiết phải xây dựng hệ thống cơ sở khoa học, nghiên cứu có trình độ cao về lý thuyết, ứng dụng, năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo phát triển và giải quyết những vấn đề mới trong khoa học hành chính, khoa học luật, khoa học xã hội mang tính chất đa ngành, liên ngành, tham mưu trong xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội…

_HKV2435

GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận.

GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, cần xác định rõ về triết lý để mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện. Triết lý đó cần phải thể hiện bản sắc, thế mạnh, tính đặc thù của Học viện, Học viện là cơ sở đào tạo đa ngành, liên ngành, gắn liền cơ bản với việc đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực hành pháp và nền hành chính quốc gia. Trong đó có các ngành đào tạo, như: Hành chính học, Luật học, Chính sách công… Triết lý đó thể hiện ở ba đặc điểm cơ bản mang tính bản sắc sau đây: (1) Tiếp cận đa ngành, liên ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính với Hành chính học, Chính sách công; (2) Bảo đảm cao nhất chất lượng; (3) Phù hợp với xu hướng đào tạo trên thế giới trong đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Việc mở mã ngành đào tạo trình độ tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính là mang tính tất yếu, rất cần thiết, cấp bách, đã chín muồi, hội đủ các điều kiện, đúng thời điểm, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho phát triển đất nước, đánh dấu một bước phát triển về chất của Học viện Hành chính Quốc gia.

_HKV2446

GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, nguyên Trưởng khoa, Khoa Pháp luật hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu.

GS.TS. Nguyễn Minh Đoan cho rằng, Học viện là cơ sở đào tạo lớn và được xã hội công nhận, qua thực tế có thể thấy, xã hội đang có nhu cầu về đào tạo bậc tiến sỹ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, nhiều cơ sở đã tiến hành đào tạo ở bậc tiến sỹ chuyên ngành này. GS.TS. Nguyễn Minh Đoan đề xuất: kế thừa có chọn lọc các chương trình của các cơ sở đào tạo đi trước và có sự điều chỉnh để chương trình thật sự khoa học, hiệu quả, thể hiện đặc trưng của Học viện; xây dựng chuẩn đầu ra chất lượng, phù hợp với yêu cầu của khu vực công và nhu cầu xã hội…

_HKV2467

TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Tọa đàm.

Tham gia ý kiến tại Tọa đàm, TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện đề xuất: cần bảo đảm chuẩn đầu ra theo các quy định của nhà nước, nghiên cứu nhu cầu thực tế nhằm mở rộng đối tượng tham gia học chuyên ngành tiến sỹ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Xây dựng chương trình, quy trình để có thể liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng, mở rộng kiến thức, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Mời các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ tham gia đào tạo, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài…

Kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, đây là các nội dung quan trọng góp phần hoàn thiện đề án đào tạo tiến sĩ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và trong chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia.

_HKV2413

Quang cảnh Tọa đàm.

Như Ngọc

Comments are closed.