(napa.vn) – Sáng ngày 25/01/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia và Cơ quan Giáo dục quốc tế Ca-na-đa (CBIE) phối hợp tổ chức Tọa đàm quốc tế với chủ đề: “Xây dựng năng lực công chức lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương”. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia và bà Larissa Bezo, Chủ tịch, Giám đốc điều hành CBIE đồng chủ trì Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm, về phía Đại sứ quán Ca-na-đa tại Việt Nam có: ông Brian Allemekinders, Tham tán, Trưởng Ban Hợp tác phát triển; bà Lê Thị Mai Hương, cán bộ Ban Hợp tác phát triển. Đại diện CBIE: bà Karen Dalkie, Phó Chủ tịch; bà Tatiana Wojtan, cán bộ Quản lý Phát triển và Quan hệ đối tác; đại diện lãnh đạo một số Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan các tỉnh, thành phố phía Bắc; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; viên chức, giảng viên Học viện.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện thay mặt Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng các chuyên gia quốc tế, các quý vị đại biểu tới tham dự Tọa đàm quốc tế với chủ đề “Xây dựng năng lực công chức lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội bền vững ở địa phương” do Học viện Hành chính Quốc gia và Cơ quan Giáo dục quốc tế Ca-na-đa (CBIE) phối hợp tổ chức.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh, Tọa đàm nhằm mục tiêu xác định nhu cầu nâng cao năng lực của lãnh đạo, quản lý các địa phương nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, Ban Tổ chức Tọa đàm mong muốn được nghe ý kiến chia sẻ của các chuyên gia quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương về những nội dung sau:
Một là, bối cảnh phát triển kinh tế xã hội ở địa phương hiện nay; cơ hội thách thức và yêu cầu đặt ra đối với lãnh đạo quản lý trong quá trình phát triển kinh tế xã hội bền vững ở địa phương.
Hai là, những ưu tiên chính, những chương trình đột phá của địa phương; vai trò của lãnh đạo địa phương các cấp trong tổ chức, triển khai các ưu tiên, chương trình đột phá đó.
Ba là, xác định các nhóm lãnh đạo, quản lý chủ yếu cần được ưu tiên nâng cao năng lực ở địa phương.
Bốn là, xây dựng khung năng lực sơ bộ của từng nhóm lãnh đạo, quản lý cần ưu tiên phát triển năng lực ở địa phương
Năm là, trao đổi tình hình thực trạng của lãnh đạo nữ ở địa phương, tỉ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, những khó khăn phụ nữ gặp phải trong quá trình tiếp cận các vị trí lãnh đạo quản lý.
Sáu là, tọa đàm sẽ dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm của Ca-na-đa và Việt Nam trong nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý địa phương và khả năng hợp tác giữa các đối tác Ca-na-đa với Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia và các địa phương trong triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý tại địa phương.
Bà Larissa Bezo, Chủ tịch, Giám đốc điều hành CBIE phát biểu tại Tọa đàm.
Bà Larissa Bezo, Chủ tịch, Giám đốc điều hành CBIE bày tỏ niềm vui và vinh dự được phối hợp đồng tổ chức Toạ đàm quốc tế. Để có cơ sở xây dựng đề xuất Dự án đáp ứng nhu cầu của các địa phương, CBIE đã phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các địa phương. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, từ ngày 18 đến 26/01/2024, đoàn công tác CBIE đã làm việc với Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện Học viện Khu vực Miền Trung, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phân viện Học viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh. Bà Larissa Bezo hy vọng với những trao đổi thực tiễn của các Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế và các đồng chí lãnh đạo, giảng viên Học viện sẽ góp phần giúp nâng cao năng lực Học viện Hành chính Quốc gia trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo quản lý ở địa phương.
Ông Brian Allemekinders, Tham tán, Trưởng Ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Ca-na-đa tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Brian Allemekinders, Tham tán, Trưởng Ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Ca-na-đa tại Việt Nam đánh giá cao và kỳ vọng khả năng hợp tác trong xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý giữa CBIE và Học viện Hành chính Quốc gia, đồng thời, nhấn mạnh Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách, chiến lược phát triển Châu Á – Thái Bình Dương đã được Chính phủ Canada xác định nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định của khu vực và quốc tế. Ông cũng khẳng định sự cam kết đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ Ca-na-đa đối với Việt Nam trong các chương trình hợp tác vì sự phát triển bền vững trước thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hà Nội đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.
Ông Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình đóng góp ý kiến tại Tọa đàm.
Ông Nguyễn Trọng Tân, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến.
Ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến.
Các đại biểu là đến từ các tỉnh đã thông tin đến Tọa đàm về bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý tại địa phương mình nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững, những cơ hội, thách thức, vấn đề khó khăn, bất cập trong quản trị địa phương. Từ những ý kiến trao đổi đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cần thiết và lâu dài phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là bồi dưỡng nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý địa phương nhằm thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả quản trị, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương. Trong đó, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý ưu tiên cần nâng cao năng lực, gồm: lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh; cán bộ lãnh đạo cấp huyện; lãnh đạo các sở, ban, ngành; cán bộ cấp phòng, cấp xã, phường.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam phát biểu ý kiến.
Ông Trần Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến.
TS. Bùi Huy Tùng, Trưởng ban, Ban Quản lý bồi dưỡng phát biểu ý kiến.
Các ý kiến thống nhất triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng phải trên tinh thần công khai, công bằng, phát huy tính cạnh tranh, phát hiện đúng đối tượng và bám sát nhu cầu thực tiễn của địa phương. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chú trọng phát triển tư duy, tầm nhìn hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, chính sách; các vấn đề quản trị, quản lý địa phương; những điểm mới trong xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số; bổ sung, trang bị và phát triển các kỹ năng mềm; ứng dụng khoa học công nghệ mới trong quản trị, giải quyết các tồn tại, vướng mắc thực tiễn; đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ những vấn đề chuyên môn sâu nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, trực tiếp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hướng tới phát triển bền vững của từng địa phương và cả khu vực.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đánh giá cao và trân trọng cảm ơn nỗ lực, sự phối hợp của Cơ quan Giáo dục quốc tế Ca-na-đa, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ca-na-đa tại Việt Nam để tổ chức Tọa đàm này, đặc biệt, trân trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh phía Bắc của Việt Nam đã nhiệt tình tham gia, chia sẻ và đóng góp ý kiến tại Tọa đàm. Những nội dung trao đổi trên tinh thần chia sẻ thực tiễn từ các địa phương tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế đã mang lại nhiều thông tin đặc biệt có ý nghĩa, giúp định hướng cơ bản nhu cầu, đối tượng, nội dung, yêu cầu về chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý, trên cơ sở đó có những đề xuất tiếp cận, xác định và đổi mới nội dung, xây dựng và triển khai dự án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở địa phương ở Việt Nam sát thực tế, đạt hiệu quả cao thời gian tới.
Phạm Hải Long